Nông sản ùn ứ ở các vùng dịch
Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Ninh, tính đến hết ngày 5/2, các khu vực bị phong tỏa như TP Hạ Long, Đông Triều, Vân Đồn, Quảng Yên, Cẩm Phả, Móng Cái đang còn số lượng lớn sản phẩm trồng trọt đến kỳ thu hoạch, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản đến kỳ xuất bán… cần được tiêu thụ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Theo đó, 2.000 gốc đào của Vân Đồn; gần 20 triệu cây hoa cúc, lay ơn, violet, thược dược; gần 1.000 tấn hành, tỏi, củ đậu, sắn dây ở TP Hạ Long và thị xã Quảng Yên đang cần xuất bán.
Lượng sản phẩm chăn nuôi lớn vốn được xem là nguồn cung quan trọng cho dịp Tết Nguyên đán lên đến trên 4.000 con bò, gần 10.000 con lợn và trên 200.000 con gia cầm cùng sản lượng trứng gia cầm tại các vùng Đông Triều, Tiên Yên chưa có đầu mối thu mua. Cùng với đó, hàng chục ngàn tấn cá, sản phẩm thủy sản thương phẩm là cá biển, cá nước ngọt, nhuyễn thể, tôm cũng đã đến thời điểm cần bán.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, ngoài lượng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh thì còn dư khoảng 100.000 tấn rau, củ, quả; 20.000 tấn thịt, 8000 tấn cá.
Theo đại biện Bộ NN&PTNT lý giải: Thị trường tiêu thụ nông sản chính của Hải Dương và Quảng Ninh là Hà Nội, Hải Phòng (tiêu thụ khoảng 60% tổng sản lượng su hào, bắp cải, rau ăn lá, ổi, cam, chuối…). Tuy nhiên, việc hạn chế đi vào địa bàn có dịch nên ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nông sản. Các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiêu thụ và người tiêu dùng có tâm lý e ngại, không muốn sử dụng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hải Dương và tiếp xúc với người Hải Dương, các doanh nghiệp, thương lái của tỉnh khác không muốn đến Hải Dương để thu mua nông sản vì lo ngại dịch và phải cách ly.
Rau, hoa phục vụ Tết vốn được xem là “đặc sản” của tỉnh Gia Lai nay lại đang lao đao do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chỉ tính riêng tại thành phố Pleiku có gần 200 ha rau, hoa cung cấp nhu cầu dịp Tết Nguyên đán cho người dân trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, tiêu thụ cũng khó khăn do dịch COVID-19. Theo Sở NN&PTNT Gia Lai, giá thương lái thu mua của người dân hiện chỉ còn đảm bảo được 50% so với giá thành sản xuất.
Thúc đẩy tiêu thụ nội vùng
Một trong những giải pháp mà các địa phương đưa ra để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ nông dân là tiêu thụ nội tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị các cơ quan, đơn vị và các đoàn thể chính trị - xã hội chia sẻ và tích cực giúp đỡ nông dân trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản; vận động các tổ chức, người dân ưu tiên dùng các sản phẩm nông sản của tỉnh vào các bữa ăn tại bếp ăn của cơ quan, gia đình.
Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Quảng Ninh cũng có thư kêu gọi các tập thể, cá nhân ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực tới đời sống dân sinh, sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Hội Nông dân Quảng Ninh công khai từng đầu mối tiêu thụ nông sản của các xã, huyện.
UBND tỉnh Hải Dương cũng vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tạo điều cho các xe chở hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm và các sản phẩm nông nghiệp lưu thông. Theo đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Hải Dương đề nghị các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình tạo điều kiện cho xe chở hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm và các sản phẩm nông nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương được lưu thông qua địa bàn các tỉnh và thành phố và ngược lại (đặc biệt đến các cảng, cửa khẩu và ngược lại) với điều kiện lái xe được xét nghiệm COVID-19 và có Giấy xác nhận của CDC Hải Dương.
Tại Gia Lai, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai lên kế hoạch đảm bảo việc thu mua, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trong vùng dịch COVID-19. Ngành nông nghiệp yêu cầu các nhà máy chế biến như nhà máy đường, nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhà máy chế biến rau hoa quả... phải đảm bảo hoạt động liên tục để thu mua chế biến hết nông sản cho nông dân, hợp tác xã.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh, các siêu thị có giải pháp thu mua, tiêu thụ hết nông sản tươi sống cho nông dân, hợp tác xã ở vùng dịch COVID-19.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, đối với các mặt hàng hoa và rau, củ, hàng tươi sống mà nông dân đầu tư phục vụ Tết, tỉnh Gia Lai sẽ có kế hoạch vận động cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị mua ủng hộ cho người dân nhằm giảm bớt thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra trên địa bàn. Đặc biệt, sẽ ưu tiên vận động mua ủng hộ các mặt hàng không kéo dài thời gian thu hoạch như hoa, rau.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuộc
Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn là chưa đủ bởi nguồn cung nông sản quá lớn, trong khi đó, những quy tắc cách ly, phong tỏa khiến việc vận chuyển hàng hóa ra vào các địa phương này rất khó khăn, phức tạp.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc tiêu thụ cà rốt, khoai tây cho Hải Dương đang gặp nhiều khó khăn do hai loại nông sản này có sản lượng lớn, mức độ tiêu thụ trong tỉnh, trong nước không được nhiều (chỉ 10%), chủ yếu là xuất khẩu (90%). Trong khi đó, kho bảo quản lạnh trong tỉnh Hải Dương có hạn, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước Tết Nguyên đán thì việc tiêu thụ cà rốt không đáng lo nhưng nếu dịch bệnh kéo dài thì đây là vấn đề đáng lưu tâm.
Trong vai trò của nhà quản lý, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp đối với các địa phương đang bị ảnh hưởng trực tiếp về tiêu thụ nông sản. Theo đó, các giải pháp có thể thực hiện ngay là yêu cầu các ngành liên quan ưu tiên việc lưu thông hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh và đề nghị các địa phương lân cận tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa được vận chuyển sang các tỉnh tiêu thụ.
UBND tỉnh khuyến cáo hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng hạn chế nhập vào tỉnh các hàng nông sản tươi sống, đông lạnh; đồng thời tăng cường thu mua, dự trữ các sản phẩm nông sản trên địa bàn vào tiêu thụ tại hệ thống; chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát đối hành vi ép giá bán nông sản để trục lợi.
Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Y tế ưu tiên xét nghiệm COVID-19 cho các lái xe vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ và có giấy xác nhận (3 - 5 ngày/lần) để các lái xe có thể lái xe, vận chuyển hàng hóa ra khỏi tỉnh.
Trao đổi với báo Tin tức, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, trong những khó khăn do dịch bệnh, càng thấy rõ tầm quan trọng của việc tăng cường chế biến sản phẩm. Bộ đã xây dựng kế hoạch cùng các sở nông nghiệp địa phương tăng cường các biện pháp bảo quản: Bảo quản khô, bảo quản lạnh nhằm tạm trữ nông sản chưa tiêu thụ được trong giai đoạn hiện nay, tránh phát sinh rủi ro, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Về kế hoạch dài hạn, ngành nông nghiệp chỉ đạo rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây trồng chất lượng, phù hợp, trồng mới, trồng tái canh, ghép cải tạo giống theo hướng khai thác, phát huy tốt lợi thế điều kiện tự nhiên của địa phương, rải vụ thu hoạch để phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cũng như đảm bảo nguyên liệu đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi đại dịch được kiểm soát.