Đó cũng là lúc việc truy xuất nguồn gốc, nhất là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng... trở thành tiêu chuẩn bắt buộc. Nói một cách khác, trong bối cảnh hội nhập thế giới, truy xuất nguồn gốc và hoạt động truy xuất nguồn gốc là nền tảng cho việc sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế số.
Tiêu chuẩn bắt buộc để hội nhập
Tại hội thảo "Truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt" mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh: Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động bởi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh đã được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp, xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Truy xuất nguồn gốc được xác định là một trong những khâu đột phá và ngày càng trở nên cần thiết trong xu thế tất yếu của thị trường khi nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu, hội nhập kinh tế thế giới. Đồng thời, truy xuất nguồn gốc góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng.
Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt sản phẩm nông nghiệp từ vùng trồng đến sản phẩm có vai trò quan trọng bởi việc truy xuất nguồn gốc khẳng định chất lượng sản phẩm trong xuất khẩu sản phẩm ra thế giới. Ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm kiểm định thực vật sau nhập khẩu I, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã trở thành tiêu chuẩn bắt buộc và nền tảng hội nhập thế giới. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ vùng trồng đã thể hiện sự quản lý minh bạch, rõ ràng, đáp ứng các điều kiện bắt buộc tuân thủ trong thỏa thuận hợp tác ký kết giữa cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia hoặc nghị định thư xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp tươi từ Việt Nam sang nước nhập khẩu tương ứng có yêu cầu. Đặc biệt, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp quản lý được những loài dịch hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu theo yêu cầu nhập khẩu của các nước; kiểm soát được việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản xuất khẩu.
Có thể khẳng định, việc truy xuất nguồn gốc nâng cao uy tín sản phẩm, hàng hóa Việt Nam vào thị trường "khó tính", thị trường "giá trị cao" như châu Âu, Mỹ, Nhật... Truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực sự là tiêu chí bắt buộc để thông qua đó, các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam sang thị trường các nước được thuận lợi.
Ông Lê Nhật Thành cho biết thêm: Trước đây, khi Việt Nam đàm phán để cho quả vải sang thị trường Mỹ, Việt Nam đã nộp hồ sơ từ năm 1998 nhưng đến năm 2015, Mỹ mới chính thức cho phép quả vải được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, trong 2-3 năm gần đây, việc đàm phàn để các sản phẩm nông sản Việt Nam sang thị trường Mỹ cũng như các thị trường "khó tính" đã ngắn hơn nhiều do Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nền tảng số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã tạo sự minh bạch, nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp và tạo được uy tín sản phẩm trên thị trường quốc tế. Chỉ 2-3 năm Việt Nam đã mở cửa được thị trường trái cây sang các nước như: Thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn...
Ưu tiên truy xuất các sản phẩm OCOP
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết: Thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai cùng với các địa phương đẩy mạnh việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Theo đó, các địa phương ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm đặc trưng, mang tính vùng miền và là thế mạnh của các địa phương, đặc biệt chương trình "mỗi xã một sản phẩm - OCOP" được đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc thù địa phương, hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường "khó tính".
Đặc biệt, việc áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm OCOP - sản phẩm đặc thù địa phương được xem là "chìa khóa" hướng tới đảm bảo sự minh bạch, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, giúp doanh nghiệp bứt phá trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ đều được theo dõi đến từng bước nhỏ đã tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, dự báo, tuân thủ quy định xuất nhập khẩu… Trong lĩnh vực sản phẩm OCOP, việc ứng dụng nền tảng số, truy xuất nguồn gốc được xác định là một trong những khâu đột phá, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Thời gian qua, tại các địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích, tầm quan trọng của hoạt động truy xuất nguồn gốc; phổ biến các văn bản pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc cho các tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng... Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, đăng ký mã số, mã vạch. Thực hiện xây dựng cổng thông tin truy xuất địa phương để từng bước kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia. Tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân kỹ năng sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, nghiên cứu và xây dựng danh mục nhóm sản phẩm trọng điểm để thực hiện truy xuất nguồn gốc, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP chủ lực địa phương.
Theo báo cáo, trong năm 2021, các địa phương đều đã có các sản phẩm trong chương trình OCOP được thực hiện truy xuất nguồn gốc, ngoài ra nhiều địa phương còn thực hiện truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm đặc sản khác của địa phương. Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện truy xuất nguồn gốc với các công nghệ hiện đại, bởi thực tế tem truy xuất nguồn gốc có thể bị in giả hoặc tái sử dụng nếu chất lượng tem in không đúng tiêu chuẩn. Đặc biệt, có thể sử dụng công nghệ để người tiêu dùng sau khi truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ vô hiệu hóa thông tin của tem trên hệ thống, ngăn ngừa việc tái sử dụng tem vào mục đích gian lận. Điều này góp phần bảo vệ các thương hiệu OCOP cũng như sản phẩm đặc sản địa phương, mà còn là giải pháp hữu hiệu để các cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng giám sát quá trình sản xuất cũng như nguồn gốc, chất lượng hàng hóa.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh: Hiện nay, việc hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm OCOP tiêu biểu địa phương được thực hiện với mục tiêu đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quá trình sản xuất nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.
Hiện nay, vấn đề truy xuất nguồn gốc có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, đời sống xã hội toàn dân nói chung. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng giúp liên kết dữ liệu và truy cứu thông tin truy xuất trong suốt chuỗi cung ứng và đang được các địa phương chú trọng triển khai tạo sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu.
Bài cuối - Công cụ quản lý, kiểm soát hàng hóa trên thị trường