Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc mới được quan tâm trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Để đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP bổ sung thêm quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa vào Nghị định số 74/2018/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Giải pháp xác thực truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: Truy xuất nguồn gốc có thể hiểu là giải pháp cho phép doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ghi nhận tất cả các thông tin, chuyển động của sản phẩm mỗi khi phát sinh thông tin từ lúc bắt đầu sản xuất đến sản phẩm cuối cùng. Mục đích cuối cùng là để có thể theo dõi và truy lại chính xác được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình hình thành ra nó trong chuỗi cung ứng.
Hiện nay trên thế giới sử dụng nhiều phương pháp truy xuất nguồn gốc như: Đối với sản phẩm bao gói sử dụng tài liệu, thông tin, chứng nhận nguồn gốc, chứng nhận phân tích… hoặc tem truy xuất, nhãn truy xuất đóng gói sản phẩm với các thông tin như: Tên sản phẩm, thành phần và phụ gia, nguồn gốc xuất xứ, tên, địa chỉ nơi sản xuất, hạn sử dụng… Đối với các sản phẩm dạng rời, có bao gói, giá trị cao, có thể dùng phương pháp nhận dạng quang học, thông qua "Bar code", "QR code" thông tin sản phẩm được lưu trữ và truyền tải bằng ký hiệu (khoảng trắng, vạch thẳng, độ rộng khoảng cách... ) mà máy móc có thể đọc được. Ngoài ra có thể sử dụng phương pháp thẻ điện từ: EID, RFIDs (radio - frequency identifiers), NFC... Theo đó, sản phẩm được gắn tem/seal ngay khi tham gia vào khâu sản xuất và được cập nhật thông tin trong từng công đoạn, sử dụng công nghệ điện tử để truy xuất được thông tin. Các phương pháp sử dụng công nghệ nhận diện truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát được thông tin trên toàn chuỗi, đảm bảo tính đồng bộ và kịp thời của số liệu khi xảy ra sự cố và quản lý tập trung trên quy mô lớn.
Ông Nguyễn Hoàng Linh lưu ý, hiện nay không phải tất cả sản phẩm có dán tem "QR code" trên thị trường đều là sản phẩm có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bởi tem "QR code" truy xuất nguồn gốc phải được in đúng quy cách và được thực hiện bởi bên thứ 3. Thông thường một tem tiêu chuẩn "QR code" sẽ có thông tin của doanh nghiệp và đơn vị truy xuất nguồn gốc để đảm bảo đúng, chính xác việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Một hệ thống truy xuất nguồn gốc cần có sự liên kết giữa các mắt xích, các đơn vị trong chuỗi để mang lại lợi ích cho các bên tham gia, tăng tính minh bạch, qua đó nâng cao uy tín của các sản phẩm trên thị trường.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình thực hiện truy xuất nguồn gốc có thể sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc. Với phương pháp này, các công ty sẽ thiết kế một phần mềm giúp ghi nhận lại toàn bộ quá trình sản xuất, vận chuyển, chế biến cho tới khi sản phẩm được phân phối đến tay người tiêu dùng. Người dùng chỉ cần sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc là có thể tìm được thông tin sản phẩm. Bên cạnh đó, có thể sử dụng app ứng dụng truy xuất nguồn gốc, người dùng có thể tải các app ứng dụng có sẵn trên thị trường. Thông thường các app này sẽ khá chung chung và chỉ có tác dụng quét mã vạch và cho ra một số thông tin cơ bản về sản phẩm do phía nhà sản xuất nhập liệu. Ngoài ra, có thể truy xuất nguồn gốc bằng mã sạch, tem truy xuất nguồn gốc thông tin sản phẩm, với phương thức này hàng hóa sẽ được gán tem giúp người dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra xem sản phẩm mình mua có phải hàng thật hay hàng giả.
Kết nối - chia sẻ dữ liệu truy xuất
Việc truy xuất nguồn gốc có thể thực hiện linh hoạt, đa dạng, sử dụng đa nền tảng để đáp ứng yêu cầu với nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ, cũng như các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc. Do đó, rất cần triển khai các hoạt động kết nối, truyền thông để chia sẻ, lan tỏa thông tin rộng rãi, kết nối mạng lưới thanh niên, tổ chức các cuộc thi nhằm cập nhật kiến thức mới, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc để đạt hiệu quả cao nhất.
Tại hội thảo "Truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt" mới đây giới thiệu hệ thống truy xuất nguồn gốc iTrace247 do Bộ Công thương phát triển. Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Phiên bản 2.0 của ứng dụng này đã được cải tiến hơn sau thời gian thí điểm giai đoạn 1. Trong thời gian tới, phiên bản này sẽ được giới thiệu không chỉ tới doanh nghiệp, mà còn đối với các tổ chức về cung ứng dịch vụ truy xuất nguồn gốc khác. Hệ thống này cũng sẵn sàng kết nối, trở thành một phần của Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số trong lưu thông hàng hóa cũng sẽ là một bước tiến cần có cho các hàng hóa, sản phẩm Việt Nam, đó là hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. Hệ sinh thái này là kết cấu hạ tầng mềm trong thương mại do Chính phủ đầu tư, phát triển gồm các nền tảng cơ bản dùng chung cho nền kinh tế như: Hội chợ, triển lãm số, kết nối giao thương thông minh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại, tư vấn - huấn luyện trực tuyến… Đặc biệt, liên quan đến những tiêu chí trong hoạt động thương mại và xuất khẩu hàng hóa như truy xuất nguồn gốc cũng sẽ được tích hợp trong hệ sinh thái này.
Về giải pháp, công nghệ số - chuyển đổi số sẽ giúp ích nhiều cho truy xuất nguồn gốc, có thể ghi chép đa phương tiện, lưu trữ không giới hạn, kết nối không biên giới,… giúp truy xuất nguồn gốc nhanh, thuận tiện hơn, dễ dàng minh bạch và hỗ trợ kịp thời cho các chủ cơ sở trong chuỗi cung ứng, tránh rủi ro. Nhà nước cần có khung chính sách sát thực, cụ thể, kiểm soát nghiêm ngặt việc tuân thủ quy định truy xuất nguồn gốc. Người dân, cán bộ quản lý cần nâng cao nhận thức, thực hiện trách nhiệm theo quy định. Cần có những công cụ số phù hợp, dễ ứng dụng với từng loại sản phẩm ngành hàng để người dân/doanh nghiệp dễ thực hiện ghi chép đa phương tiện và minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm.
Ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện nay dữ liệu truy xuất nguồn gốc còn phân tích do chưa kết nối, chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị cung cấp giải pháp. Vì vậy, thông tin truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng "các nguyên tắc truy xuất nguồn gốc" như: Không đủ các bên tham gia chuỗi cung ứng, thông tin không chính xác.... Ngoài ra, người dùng có thể phải cài đặt cùng lúc nhiều phần mềm do đơn vị cung cấp giải pháp chỉ cho phép dùng phần mềm nội bộ truy cập thông tin.
Thực hiện Đề án về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia đang xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia đưa vào sử dụng trong năm 2022 với mục tiêu kết nối – chia sẻ và bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Bài 3 - Tiêu chuẩn bắt buộc, nền tảng hội nhập