Ông Keith Jefferis, nguyên phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Botswana (Bốtxoana) và đồng thời là Giám đốc điều hành Econsult Botswana (Pty) Ltd, nhận định Trung Quốc là nguồn cung cấp tài chính và vốn đầu tư quan trọng mà các nước châu Phi cần để khai thác tài nguyên và phát triển cơ sở hạ tầng.Trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa Xã, ông Jefferis không đồng ý với quan điểm cho rằng hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi mang màu sắc thực dân mới hay "cướp bóc tài nguyên thiên nhiên". Ông cho rằng đây là hoạt động kinh tế hơn là chính trị, bởi là điều hoàn toàn bình thường đối với các công ty Trung Quốc khi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài trong bối cảnh bùng nổ kinh tế.
Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và châu Phi đã phát triển nhanh chóng, với giá trị trao đổi thương mại song phương năm 2011 đạt 166,3 tỷ USD, tăng tới 83% so với năm 2009. Cùng kỳ, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào lục địa Đen tăng 60% lên 14,7 tỷ USD.
Trụ sở của một doanh nghiệp khai khoáng Trung Quốc được xây dựng tại Nigeria. Ảnh: BBC |
Nhu cầu của Trung Quốc đối với các hàng hóa/nguyên vật liệu đã làm đảo ngược xu hướng sụt giảm trong dài hạn của giá hàng hóa trên thị trường thế giới. Và kết quả là châu Phi được hưởng lợi, với hoạt động xuất khẩu của châu lục tăng cả về khối lượng và giá trị.
Trung Quốc đã hỗ trợ các nước châu Phi trong những dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng thông qua các khoản viện trợ, cho vay với lãi suất thấp hoặc lãi suất 0%. Các công ty xây dựng Trung Quốc phát triển nhanh tại thị trường châu Phi nhờ chiến lược "chất lượng + giá thấp". Theo ông Jefferis, các công ty xây dựng Trung Quốc thống lĩnh thị trường xây dựng tại Botswana vì Chính phủ Botswana chắc sẽ trả gấp đôi hoặc hơn đối với các dự án do các công ty phương Tây hay Nam Phi thực hiện.
Trung Quốc và châu Phi là "cặp đôi" bổ sung cho những nhu cầu của nhau. Trong tương lai gần, hai bên có nhiều cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như nông nghiệp. Theo ông Jefferis, xúc tiến phát triển nông nghiệp là chìa khóa đẻ giảm đói nghèo tại nhiều nước châu Phi. Khoảng 60% đất nông nghiệp bỏ hoang của thế giới hiện đang nằm tại châu Phi, nơi có mật độ dân số thấp. Cơ hội để tăng năng suất và sản lượng bằng việc sử dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và hệ thống tưới tiêu hiện đại là rất lớn.
Hương Giang (Theo THX)