Phát biểu tại họp báo chung với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, ông Pompeo cho biết các nước được tạm thời tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng nằm trong danh sách được miễn.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, hiện hơn 20 nước đã cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran với mức hơn 1 triệu thùng/ngày.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào khu vực tài chính và dầu mỏ của Iran bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/11. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh đây là những biện pháp trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Các biện pháp trừng phạt tác động trực tiếp tới các công ty thuộc các nước thứ ba đang làm ăn với Iran, đặc biệt có thể tác động đến thị trường dầu mỏ thế giới. Theo Bộ Tài chính Mỹ, kể từ ngày 5/11, Washington liệt hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran.
Bộ trên đã phát đi cảnh báo tới mạng kết nối ngân hàng toàn cầu SWIFT về nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu cung cấp dịch vụ cho các thực thể Iran có tên trong "danh sách đen" của Washington.
Hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, được biết đến với tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), ký hồi năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), đồng thời áp đặt trở lại hai vòng trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.
Vòng trừng phạt đầu tiên diễn ra cách đây hai tháng nhằm vào các lĩnh vực như chế tạo ôtô, buôn bán vàng và những kim loại quý hiếm khác. Vòng trừng phạt mới lần này nhằm vào lĩnh vực năng lượng và các giao dịch liên quan dầu mỏ cũng như các giao dịch của Ngân hàng Trung ương Iran.
Ngoài những lệnh trừng phạt trên, chính quyền Mỹ cũng đang tìm mọi cách để cô lập chính quyền Tehran, bất chấp sự không đồng tình của nhiều đồng minh châu Âu.