Khi được hỏi liệu Trung Quốc có được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ hay không, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang thực hiện "hoạt động hợp tác thông thường" với Tehran trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục "duy trì lập trường khách quan và có trách nhiệm nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran".
Trong khi đó, theo Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Sergei Prikhodko, các lệnh trừng phạt của Mỹ và chính sách chiến tranh thương mại có thể làm phá hủy những nỗ lực của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và gây bất ổn thị trường dầu mỏ.
Phát biểu với báo giới, ông Prikhodko nhấn mạnh: "Thật không may là những hành động gây bất ổn của Mỹ đối với tình hình quốc tế có thể làm chệch hướng những nỗ lực mà các nhà xuất khẩu dầu mỏ tham gia thỏa thuận OPEC+ đang tạo ra nhằm ngăn chặn một đợt tăng giá đột ngột mới và việc gây bất ổn thị trường".
Theo các chuyên gia, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các quốc gia nhập khẩu dầu của Iran đang “đe dọa” sự cân bằng tạm thời của thị trường dầu mỏ, đồng thời có nguy cơ đẩy giá mặt hàng này lên cao hơn.
Nhà phân tích Riccardo Fabiani, thuộc Energy Aspects, nhận định trong những tuần tới mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào hoạt động xuất khẩu của Iran. Theo một số chuyên gia, “đánh” vào ngành dầu mỏ của Iran cũng là “đánh” vào một trong những trụ cột trên thị trường dầu mỏ thế giới, khi quốc gia Hồi giáo này là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba OPEC.
Iran xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 4, thời điểm trước khi Mỹ thông báo về lệnh trừng phạt.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo, thuộc UBS, cho rằng kể cả khi Mỹ đưa ra miễn trừ đối với một số nước, song Washington vẫn yêu cầu giảm đáng kể khối lượng dầu nhập khẩu từ Tehran.