Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ở Bắc Kinh. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, Cục Quản lý giám sát tài chính quốc gia Trung Quốc cũng sẽ triển khai 8 chính sách hỗ trợ mới.
Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn lời Thống đốc Phan Công Thắng nêu rõ 3 loại chính sách mới của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc gồm: Chính sách định lượng (tăng cung thanh khoản trung - dài hạn thông qua việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) để đảm bảo thanh khoản thị trường dồi dào); Chính sách định giá (hạ lãi suất chính sách, gồm lãi suất công cụ tiền tệ có mục tiêu như tái cấp vốn và lãi suất cho vay từ quỹ công); và Chính sách theo cơ cấu (hoàn thiện các công cụ tiền tệ cấu trúc hiện có, sáng tạo công cụ mới để hỗ trợ đổi mới công nghệ, mở rộng tiêu dùng và tài chính phổ cập).
Dựa trên 3 chính sách này, PBoC sẽ đưa ra 10 biện pháp cụ thể, gồm: Hạ RRR (tỷ lệ dự trữ bắt buộc) 0,5 điểm phần trăm, cung ứng khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 137 tỷ USD) thanh khoản dài hạn cho thị trường; Tạm thời hạ RRR của công ty tài chính ô tô và công ty cho thuê tài chính từ 5% xuống 0% nhằm giảm gánh nặng vốn; Hạ lãi suất chính sách 0,1 điểm phần trăm, đưa lãi suất nghiệp vụ thị trường mở (dưới 7 ngày) từ 1,5% xuống 1,4% để kéo giảm LPR tương ứng; Hạ lãi suất các công cụ tiền tệ cấu trúc 0,25 điểm phần trăm, gồm đưa lãi suất tái cấp vốn cho nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ từ 1,75% xuống còn 1,5%, giảm lãi suất PSL (cho vay bổ sung thế chấp) từ 2,25% xuống còn 2%; Hạ 0,25 điểm phần trăm lãi suất cho vay từ Quỹ công nhà ở, bao gồm lãi suất vay mua nhà đầu tiên trên 5 năm từ 2,85% xuống còn 2,6%, các kỳ hạn khác cũng điều chỉnh tương ứng; Tăng hạn mức tái cấp vốn cho đổi mới công nghệ và cải tiến kỹ thuật thêm 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41,1 tỷ USD); Thiết lập hạn mức 500 tỷ nhân dân tệ (68,5 tỷ USD) tái cấp vốn cho tiêu dùng dịch vụ và dưỡng lão, dẫn dắt tín dụng vào hai lĩnh vực trên; Tăng 300 tỷ nhân dân tệ (41,1 tỷ USD) tái cấp vốn cho nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ, kết hợp với chính sách giảm lãi suất để hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và tư nhân; Tối ưu 2 công cụ tiền tệ hỗ trợ thị trường vốn, gộp 500 tỷ nhân dân tệ (68,5 tỷ USD) chứng khoán, quỹ và công ty bảo hiểm hoán đổi và 300 tỷ nhân dân tệ (41,1 tỷ USD) mua lại cổ phiếu và tăng cường cho vay, sử dụng tổng số tiền của hai công cụ này ở mức 800 tỷ nhân dân tệ (109,6 tỷ USD); Tạo lập công cụ chia sẻ rủi ro trái phiếu đổi mới công nghệ, tái cấp vốn giá rẻ mua trái phiếu này và cùng với các địa phương, tổ chức tín dụng hợp tác chia sẻ rủi ro vỡ nợ thông qua bảo lãnh chung, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ và tổ chức đầu tư phát hành trái phiếu dài hạn với chi phí thấp.
Mới đây PBoC và Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã phối hợp ban hành thông báo liên quan đến việc hỗ trợ phát hành trái phiếu đổi mới khoa học công nghệ nhằm mở rộng kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, định hướng dòng vốn thị trường trái phiếu đầu tư sớm, đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp nhỏ và vào các lĩnh vực công nghệ lõi. PBoC và CSRC cũng đã đề xuất một số biện pháp hỗ trợ phát hành trái phiếu đổi mới công nghệ như đa dạng hóa hệ thống sản phẩm, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ đi kèm.
Các chủ thể phát hành sẽ là các tổ chức tài chính, doanh nghiệp công nghệ, quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm. Các đơn vị phát hành có thể linh hoạt thiết lập điều khoản trái phiếu phù hợp với đặc điểm và nhu cầu sử dụng vốn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, PBoC và CSRC cũng tối ưu hóa quản lý phát hành trái phiếu, đơn giản hóa yêu cầu công bố thông tin, đổi mới hệ thống xếp hạng tín dụng và hoàn thiện cơ chế phân tán, chia sẻ rủi ro.
Trước đó, PBoC cũng đã phối hợp với CSRC và Cục Quản lý Giám sát Tài chính thuộc Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc… chuẩn bị cho việc ra mắt “Bảng công nghệ” trong thị trường trái phiếu. Hiện có gần 100 tổ chức lên kế hoạch phát hành trái phiếu đổi mới công nghệ với tổng trị giá hơn 300 tỷ nhân dân tệ (41,1 tỷ USD) và trong tương lai có thể sẽ có thêm nhiều đơn vị khác tham gia.
Cùng ngày, ông Lý Vân Trạch - Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát Tài chính Quốc gia Trung Quốc - cam kết cơ quan này sẽ tăng cường thực thi các chính sách đã đề ra, đẩy nhanh xây dựng thêm chính sách mới, hoàn thiện các phương án ứng phó và dốc toàn lực củng cố nền tảng để có thể phục hồi nền kinh tế theo chiều hướng tích cực. Trong thời gian tới, Cục sẽ triển khai 8 chính sách hỗ trợ mới.
Thứ nhất là đẩy nhanh ban hành hệ thống tài chính phù hợp với mô hình phát triển bất động sản mới, củng cố xu thế ổn định của thị trường bất động sản. Thứ hai là mở rộng phạm vi thí điểm đầu tư dài hạn của các quỹ bảo hiểm để đưa thêm nguồn vốn mới vào thị trường. Thứ ba, điều chỉnh và tối ưu hóa quy định giám sát, tiếp tục hạ thấp hệ số rủi ro đầu tư cổ phiếu của các công ty bảo hiểm, hỗ trợ ổn định và kích hoạt thị trường vốn. Thứ tư, nhanh chóng có gói chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và tư nhân, thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp và kinh tế ổn định.
Thứ năm, xây dựng và thực thi các chính sách ngành ngân hàng - bảo hiểm hỗ trợ phát triển ngoại thương, cung cấp dịch vụ chính xác cho các chủ thể bị ảnh hưởng nặng bởi thuế quan, ổn định hoạt động và mở rộng thị trường. Thứ 6, sửa đổi và ban hành quy định quản lý khoản vay sáp nhập, thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp ngành công nghiệp. Thứ bảy, cho phép các ngân hàng thương mại đủ điều kiện được thành lập công ty đầu tư tài sản tài chính, tăng đầu tư cho các doanh nghiệp khoa học - công nghệ. Thứ tám, xây dựng ý kiến chỉ đạo phát triển bảo hiểm khoa học - công nghệ chất lượng cao, phát huy vai trò chia sẻ và bù đắp rủi ro đảm bảo mạnh mẽ cho đổi mới khoa học - công nghệ.
Theo ông Lý Vân Trạch, từ đầu năm đến nay, Cục đã tăng cường phòng ngừa rủi ro, mở rộng chính sách, chủ động đối phó với các tác động bên ngoài, tăng cường giám sát và thúc đẩy phát triển. Các hoạt động tài chính nhìn chung diễn ra ổn định và hiệu quả; chính sách giám sát ngày càng phát huy tác dụng và chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng lên. Hiện nay các hoạt động ngân hàng và bảo hiểm được triển khai ổn định với các chỉ số giám sát đều ở mức an toàn. Các tổ chức tài chính lớn giữ vững nền tảng, trong khi việc cải cách và xử lý rủi ro ở các tổ chức tài chính vừa và nhỏ cũng đạt các kết quả quan trọng.
Trong 4 tháng đầu năm nay, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng và khả năng thanh toán của các công ty bảo hiểm duy trì xu hướng tích cực. Tỷ lệ nợ xấu giảm khoảng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ dự phòng tăng 10 điểm phần trăm. Ngành ngân hàng và bảo hiểm cung cấp khoảng 17.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 2.328,8 tỷ USD) cho nền kinh tế thông qua các hình thức cho vay, trái phiếu...
Ông Lý Vân Trạch cho biết việc bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại lớn đang được đẩy nhanh, trong khi việc bổ sung vốn cho các tập đoàn bảo hiểm lớn đã được lên lịch trình. Các địa phương cũng đang bổ sung vốn cho các tổ chức tài chính vừa và nhỏ thông qua nhiều kênh khác nhau. Những biện pháp này sẽ giúp tăng cường sức chống chịu của hệ thống tài chính và nâng cao năng lực phát triển chất lượng cao.