Biến tướng kinh doanh đa cấp"

Trục lợi bất chính

Là một phương thức kinh doanh tiến bộ, hiện đại ở ngước ngoài nhưng khi “du nhập” vào Việt Nam, loại hình kinh doanh đa cấp đã biến tướng thành hành vi lừa đảo, lôi kéo dụ dỗ nhiều người tham gia để trục lợi bất chính, thay vì gia tăng bán sản phẩm. Đã đến lúc Việt Nam cần siết chặt hoạt động kinh doanh đa cấp, nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch và hiệu quả.

Nhiều mánh khóe tinh vi 

Loại hình kinh doanh đa cấp đã bị "biến tướng" ở nước ta với nhiều chiêu thức, mánh khóe tinh vi. Đặc biệt, lợi nhuận của các công ty đa cấp không đến từ việc bán sản phẩm mà phụ thuộc vào số lượng người tham gia. Vì thế, các công ty đa cấp bất chính xuất hiện phổ biến, trải rộng ở hầu hết các địa phương trên địa bàn cả nước và ai cũng có thể trở thành nạn nhân.

Các đối tượng mặc quân phục nhằm tạo lòng tin với người tham gia Công ty Liên kết Việt.Ảnh: VOV.VN

Liêp tiếp gần đây, các mô hình bán hàng đa cấp biến tướng để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân đã bị các cơ quan pháp luật xử lý hình sự trong thời gian vừa qua như: Vụ việc MB 24, Colony Invest, Tâm mặt trời... Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Xuân Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (gọi tắt Công ty Liên kết Việt) và Nguyễn Thị Thúy - Phó Tổng Giám đốc công ty, cùng 5 người khác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan công an ước tính đã có khoảng 45.000 người tham gia, nộp khoảng 1.900 tỷ đồng vào mạng lưới đa cấp của Công ty Liên kết Việt. Đây là những vụ việc gây hậu quả lớn đối với cộng đồng xã hội. Hậu quả kinh tế và xã hội mà chúng gây ra khó có thể phục hồi.

Theo các trinh sát phá án đường dây đa cấp Công ty Liên kết Việt, thủ đoạn của doanh nghiệp là “đánh” vào lòng tham của người dân. Các thành viên chỉ cần một khoản chi phí ban đầu để được tham gia hệ thống, sau đó, nếu càng rủ rê, lôi kéo nhiều người tham gia thì số tiền được hưởng càng lớn. Lúc đầu chỉ là tiền triệu, mấy tháng sau chục triệu và một năm sau sẽ là tiền tỷ đồng. Những món lợi nhuận khổng lồ này có thể đánh ngã lòng tham của bất kì ai.

Ngoài ra, kinh doanh đa cấp không chỉ giới hạn trong hình thức bán hàng trực tiếp, mô hình bán hàng đa cấp, mà còn núp bóng sàn giao dịch thương mại điện tử: Những website ảo trên mạng, những món hàng ảo, giá trị ảo... nhưng tổn hại về vật chất và tinh thần là thật. Các phương tiện truyền thông đã nói quá nhiều về thủ đoạn lừa đảo của các công ty kinh doanh đa cấp, rằng chẳng có một hình thức kinh doanh nào mang lại siêu lợi nhuận như thế, nhưng vì lòng tham, nhiều người vẫn mắc những vố lừa đau đớn.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (Xuân Thủy, Cầu Giấy) chia sẻ: “Một lần, nghe bạn bè ở lớp đại học rủ rê, mình mạnh dạn dùng tiền tiết kiệm được và vay mượn thêm, đầu tư 8 triệu đồng mua một gói sản phẩm. Tin tưởng bạn bè lại muốn kiếm tiền nhanh, mình đã bị lừa vào con đường đa cấp. Sau đó, mình tích cực kêu gọi thêm nhiều người mới, để lấy lại số tiền đã bỏ ra. Nhưng khi nhận ra sự xa lánh, ghét bỏ của mọi người xung quanh, mình đã bỏ cuộc, chấp nhận mất tiền và xem như đấy là một bài học để trưởng thành”.

Hệ lụy khó lường

Những chiêu trò lừa đảo kinh doanh đa cấp khiến môi trường kinh doanh bị nhiễu loạn. Người dân bị lung lay lòng tin, không tin tưởng vào những hoạt động bán hàng đa cấp, gây ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của các công ty hoạt động hợp pháp trong việc gia tăng doanh số bán hàng. Bên cạnh đó, trật tự an ninh địa phương cũng là vấn đề đáng lo ngại. Những nhân viên bán hàng đa cấp với áo vest, giày da, cặp táp... không những thực hiện công việc “tẩy não” khách hàng ngay tại trụ sở công ty, mà còn len lỏi vào các hộ dân, khu dân cư để mở rộng địa bàn lừa đảo khiến nhiều người dân bức xúc. Lưu lượng người ra vào các công ty đa cấp lớn, gây ảnh hưởng đến an ninh đường phố, khu dân cư. Không thiếu trường hợp, người dân bị lừa tiền tìm đến công ty để đòi công bằng gây mất trật tự, buộc phải có sự can thiệp của cơ quan chức năng để duy trì an ninh trật tự.

Không phải nạn nhân nào cũng vô tình mắc bẫy đa cấp. Nhiều người biết đó là bẫy nhưng vẫn tham gia vì nhìn thấy nguồn lợi vật chất trong đó. Điểm thành công của những kẻ cầm đầu các đường dây đa cấp bất chính là đánh trúng và rất mạnh vào tâm lý này ở người trẻ. Cho tới khi nạn nhân nhận ra đã bị lừa thì do sợ mất tiền, họ lại chấp nhận đi lừa người khác. Dùng tiền nhà chưa đủ, họ còn vay mượn của người thân, bạn bè, vay nóng với lãi suất cao để gom tiền đầu tư và khi các đối tượng lừa đảo ôm một khoản tiền khá lớn bỏ trốn, họ chỉ còn biết ôm mặt khóc. Nhiều gia đình tan cửa nát nhà, khóc ngất vì những khoản đầu tư không hoàn lại, thậm chí có người tự tử vì tiếc của, vì không thể có tiền trả nợ...

Trong khi Công ty Liên kết Việt đang bị Cơ quan Công an điều tra, vạch trần thủ đoạn lừa đảo, thì hàng nghìn người ngồi trên đống lửa bởi 1.900 tỷ đồng họ đầu tư vào công ty có nguy cơ mất trắng. Không thể kể hết được nỗi đau của những nạn nhân của các công ty đa cấp lừa đảo bởi con số nạn nhân quá lớn, chưa ai có thể thống kê chính xác những thiệt hại mà họ phải chịu.

Bài 2: Siết chặt hoạt động biến tướng
Nguyễn Thắng - Hà An
Điều tra Trung tâm hỗ trợ người nghèo kinh doanh đa cấp
Điều tra Trung tâm hỗ trợ người nghèo kinh doanh đa cấp

UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra và dừng hoạt động của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới tại các địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN