‘Trống’ nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Bài cuối

Trăn trở với đề án phát triển 3.514 thôn bản khó khăn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chia sẻ, tới đây, Bộ sẽ phối hợp với các trường nông lâm nghiệp để đưa sinh viên, kỹ sư về đây giúp người dân triển khai mô hình sinh kế.

Bài cuối: Vượt khó cho giai đoạn 2021 - 2025

Quảng Trị có 10 xã, 93 thôn thuộc phạm vi Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020 (gọi là Đề án 1385 - PV), phấn đấu đến năm 2020, có từ 40% - 50% số thôn, bản thuộc phạm vi Đề án được công nhận đạt chuẩn NTM, tương đương từ 37 - 47 thôn, bản.

Chú thích ảnh
Đến các xã vùng biên của Quảng Trị những ngày này, đã có thể thấy những đổi mới từ diện mạo nông thôn như điện, đường. Ảnh: L.S

Nguồn vốn được Quảng Trị phân bổ để thực hiện xây NTM và giảm nghèo bền vững tại các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo lên tới hơn 100 tỷ trong 2 năm 2019 và 2020.

Đề án 1385 đã thúc đẩy sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ tỉnh đến các huyện, xã; tập trung huy động lồng ghép các nguồn vốn, tạo ra được một dòng vốn riêng cho các xã, thôn giải quyết một phần các tiêu chí về cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, xây dựng NTM tại các thôn, bản, các xã đặc biệt khó khăn cũng đã huy động được sự đóng góp, vào cuộc của người dân. Tuy là một nguồn kinh phí rất nhỏ (gần 3 tỷ đồng trong hai năm 2019 - 2020) so với tổng nguồn lực để thực hiện chương trình nhưng cũng phần nào đẩy mạnh vai trò chủ thể của người dân, giảm dần sự trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ hoàn toàn của nhà nước.

Trao đổi về công tác xây dựng NTM của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết, địa phương đã cố gắng nỗ lực để bắt kịp đà phát triển chung trong xây dựng NTM, và đã về đích sớm hơn 1 năm so với chỉ tiêu ban đầu về số lượng xã và huyện đạt chuẩn NTM.

Nhờ xây dựng NTM, tốc độ phát triển nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị liên tục tăng cao. Nhiều sản phẩm đã hướng đến thị trường trong nước và nước ngoài để nâng cao giá trị sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định, kiên trì trong tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của nhân dân đồng thời tranh thủ các nguồn lực đầu tư, phát huy hiệu quả việc lồng ghép các nguồn lực từ nông nghiệp, nông thôn vào xây dựng NTM là kinh nghiệm từ địa phương.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho Quảng Trị là, sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM, đến nay các xã chưa đạt chuẩn NTM đều là những địa phương khó khăn, vùng sâu, xa.

Cần ưu tiên vùng khó

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết: Đến hết tháng 5/2020, cả nước có 5.177 xã (58,2%) số xã đạt chuẩn NTM, tăng 371 xã so với cuối năm 2019. Đặc biệt, 2 tỉnh Nam Định và Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020.

Chú thích ảnh
14 năm trồng cao su, nhưng người dân A Dơi, Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn phụ thuộc thương lái, giá cả bấp bênh. Ảnh: L.S

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tiến, kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước dẫn tới khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn một số địa phương còn hạn chế.

Chương trình mục tiêu quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm OCOP" khi triển khai trên diện rộng, nảy sinh nhiều vấn đề mới. Trong đó, một số địa phương có biểu hiện chạy theo phong trào, chưa chú ý đến hiệu quả thực chất.

Từ kinh nghiệm của địa phương, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cần chọn 2 trục phát triển để tập trung ưu tiên nguồn lực, tạo động lực phát triển cho các địa phương đúng hướng.

Thứ nhất là các xã đã đạt chuẩn NTM cần dành nguồn lực nâng cao tiêu chí, tiến tới đạt NTM kiểu mẫu và trở thành đầu tàu hỗ trợ những địa phương khó khăn.

Thứ hai cần ưu tiên nguồn lực cho vùng khó khăn có các xã chưa đạt chuẩn NTM. Làm sao tính toán chuyển đổi sinh kế, chuyển dịch trong lao động nông thôn từ lao động nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp để giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập.

Video ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ về quyết tâm xây dựng NTM ở vùng khó:

Cũng với trăn trở này, đại diện Văn phòng NTM tỉnh Hà Giang thì cho biết, địa phương vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn, kém phát triển nhất so với cả nước. Toàn tỉnh có 7 huyện biên giới thì có tới 6 huyện nghèo được hưởng chính sách chương trình 30a. Hà Giang hiện có 141 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn với 32 xã vùng biên giới.

Sau gần 10 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, Hà Giang có 38 xã được công nhận đạt chuẩn. Các xã thuộc huyện 30a trung bình đạt 10,9 tiêu chí/xã.

Tỉnh Hà Giang đánh giá, mặc dù đã rất nỗ lực, vượt khó, nhưng chương trình xây dựng NTM của địa phương còn vô vàn khó khăn, bất cập. Điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của người dân hạn chế, ngay trong tỉnh, sự chênh lệch đã dần xuất hiện và tạo ra khoảng cách trong hiệu quả xây dựng NTM.

Hiến kế điều chỉnh bộ tiêu chí

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Trần Thanh Nam cho rằng, vấn đề xuyên suốt và quan trọng hiện nay là tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để tham gia chung tay xây dựng NTM. Bên cạnh đó, phải tìm cách huy động mọi nguồn lực để triển khai chương trình. Trong đó, việc phát huy nội lực trong chính người dân, địa phương là yếu tố then chốt dẫn tới thành công.

Chú thích ảnh
Vai trò của già làng, trưởng bản luôn được đề cao trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: L.S

“Đặc biệt là vai trò của cấp ủy, chính quyền. Điển hình như chương trình OCOP, cấp xã phải phát huy vai trò của mình. Không có vai trò của cấp xã, chương trình sẽ mất đi khung xây dựng, thiếu bền vững. Số lượng là một vấn đề, nhưng đảm bảo chất lượng, thương hiệu lại là vấn đề khác, quan trọng hơn”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Đối với các xã vùng khó khăn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương rà soát ngay lại 45 huyện còn xã “trắng” tiêu chí NTM. Từ đó, tìm ra nguyên nhân, các vấn đề tồn tại, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để tập trung hỗ trợ.

Với 17 tỉnh chưa có huyện đạt chuẩn NTM, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị rà soát, định hướng kế hoạch phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020. “Chúng ta phấn đấu, tuy nhiên các địa phương cần lưu ý là không chạy theo số lượng. Nếu địa phương nào thấy chưa đạt thì phải tiếp tục phấn đấu. Xây dựng là phải thực chất, chạy theo chỉ tiêu là không nên”.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, rất mong muốn các địa phương hiến kế thêm, cố gắng hoàn thành đề án 3.514 thôn, bản khó khăn. Tới đây, sẽ phối hợp với các trường để đưa sinh viên, kỹ sư về các vùng khó, triển khai mô hình sinh kế cho người dân.

"Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ chính vẫn là nâng cao thu nhập, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân. Khi đời sống của người dân được nâng cao, no đủ, chương trình xây dựng NTM chắc chắn thành công", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

L. Sơn/Báo Tin tức
Xây dựng nông thôn mới giúp nhiều huyện có mức thu nhập cao, hộ nghèo giảm mạnh
Xây dựng nông thôn mới giúp nhiều huyện có mức thu nhập cao, hộ nghèo giảm mạnh

Trong xây dựng nông thôn mới, các huyện của Hà Nội đã hình thành nhiều vùng chuyên canh, chuyên cư, cơ cấu cây trồng vật nuôi phát triển tích cực... Qua đó, nhiều huyện đã có mức thu nhập cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN