Tuy không đo đếm được, nhưng chính sự đồng thuận của người dân tạo đà cho việc xây dựng NTM thành công ở các địa phương, đồng thời cũng là một thành công mang tính bền vững cho cả chương trình.

Đặt chân tới xóm Bảm, xóm Đồi (xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình), du khách được đi trên con đường bê tông phong quang chạy nối các ngõ. Ngay đầu xóm, cổng làng với dòng chữ “Làng văn hóa, quốc phòng và an ninh xóm Bảm - xã Tây Phong” nghiêm ngắn nhưng cũng rất gần gũi, thân thuộc. Khu chợ đầu mối nông sản tấp nập người mua kẻ bán, hàng hóa phong phú, cho thấy đời sống nơi làng quê ngày càng khởi sắc.

Điều đáng nói, những công trình này đều có sự đóng góp của gia đình ông Bùi Thanh Nhây - Bí thư Chi bộ xóm Bảm - người hiến gần 1.000m2 đất dành chỗ xây dựng các công trình kể trên. Mỗi ngày, ông Nhây lại cùng người dân quây quần ở khu sân bóng chuyền mà ông và bà con làng xóm góp sức xây dựng.

Hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng được kiên cố hóa giúp thủy lợi "về đích" sớm 18 tháng theo tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Còn tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), ông Trần Đức Minh được nhiều người trong vùng biết đến là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với 8.000 m2 chuyên canh sầu riêng đã sẵn sàng hiến trên 6.000 m2 đất để vừa mở rộng kênh rạch giúp người dân có nước tưới, vừa để xã thi công đường ven rạch Ông Khậm và đường Tây Ba Rày, xây dựng nông thôn mới thành công.

Noi gương những tấm gương góp sức xây dựng NTM, ở mọi địa phương, người dân tại mỗi thôn bản tích cực tham gia các hoạt động chung: Quét dọn đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, trồng cây xanh ven đường, giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực gần nhà, trồng cây cải tạo vườn tạp, thi đua lao động sản xuất… tạo thành phong trào sôi nổi chung sức xây dựng NTM. Bằng những hành động thiết thực đó, NTM từ một quyết sách của Chính phủ đã đi vào đời sống người dân, biến những miền quê nghèo trở thành những vùng đất đáng sống.

Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, tất cả đều nhờ người dân đồng lòng.

Tại Nam Định, Hải Hậu là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn với 35/35 xã, thị trấn đạt 19 tiêu chí NTM. Đây cũng là một trong những huyện đầu tiên của cả nước hoàn thành các tiêu chí sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Hiện Hải Hậu đang triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, bền vững.

Nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng NTM tại địa phương này như: “Làm từ đồng về làng, làm từ nhà ra xóm, làm từ xóm lên xã”; “Nhà có số, phố có tên”; “Sông không rác”; “Đường có điện, có hoa”; “Cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận”... trở thành bài học thực tiễn giá trị, được nhân rộng. Đây đều là những phong trào khởi phát từ nhân dân và được nhân dân đồng lòng thực hiện. Đó có lẽ chính là cách làm thiết thực nhất để Hải Hậu nói riêng và toàn tỉnh Nam Định nói chung sớm hoàn thành NTM sớm gần 2 năm so với mục tiêu đề ra là đến năm 2020.

Giờ đây nói đến Hải Hậu là nói đến những con đường bê tông phẳng lì, rộng rãi, liên thông từ quốc lộ, tỉnh lộ về tới tận thôn, xóm, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, buôn bán và đi lại của người dân. Hai bên đường, những thảm hoa nở rực rỡ trong sắc nắng vàng nhẹ của tiết thu khiến những người con xa quê lâu ngày trở về và du khách không khỏi bồi hồi, xao xuyến trước vẻ đẹp yên bình, nên thơ của vùng quê này. Những dòng sông không rác, các tuyến đường tự quản được các tổ chức hội đoàn thể đảm nhận lúc nào cũng sạch sẽ, phong quang...


“Cây đũa thần” sức dân tiếp tục là điểm nhấn trong xây dựng huyện NTM kiểu mẫu tại Nam Đàn (Nghệ An). Huyện đã phân bổ nguồn lực, có các chính sách phù hợp như hỗ trợ xi măng để các xã chỉnh trang, nâng cấp hệ thống đường giao thông, mương thoát nước dân sinh; hỗ trợ kinh phí để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thành lập mới HTX liên doanh, liên kết, hỗ trợ kinh phí để thực hiện một số mô hình về cải tạo và bảo vệ môi trường…

Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 145 km đường hoa, 100% xóm lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng, trong đó có trên 70% số xóm có hệ thống đóng, ngắt tự động; bước đầu hình thành một số vườn chuẩn, vườn mẫu NTM. Nhiều hộ dân đã có ý thức chỉnh trang nhà ở, sân vườn, tường rào, cổng ngõ sạch, đẹp, thường xuyên trồng và chăm sóc hoa, quét dọn vệ sinh môi trường khu vực trước mỗi nhà.

 

 

Tiêu chí quan trọng để đánh giá xây dựng NTM bền vững là tiêu chí tăng thu nhập cho mỗi người dân. Trong 10 năm qua, tại nhiều khu vực nông thôn, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người đã cao hơn cả các khu vực đô thị, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Đó là thành quả rất đáng ghi nhận mà NTM đem lại cho đời sống người nông dân vốn xưa nay gắn với hình ảnh “chân lấm tay bùn”, “một nắng hai sương”...

Trở lại huyện Hải Hậu (Nam Định). Năm 2010, Hải Hậu có 28/35 xã, thị trấn đạt dưới 10 tiêu chí NTM. Tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt trên 20%; thu nhập bình quân đầu người hơn 10 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên 11%...  Sau 10 năm thực hiện NTM, giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất canh tác tăng từ 68 triệu đồng năm 2010 lên 120 triệu đồng năm 2018. Huyện đã thu hút được khoảng 60 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm cho trên 3.000 lao động. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn (năm 2018) đạt 95%. Đáng chú ý, thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ hơn 10 triệu đồng/người năm 2010 lên trên 45 triệu đồng/người năm 2018.

Tại tỉnh Hòa Bình, anh Bùi Văn Đồng xóm Tân Lập, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) đã chọn cho mình con đường khởi nghiệp tại quê hương sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp với tấm bằng khá. Bắt đầu xây dựng vườn ươm với diện tích chưa đầy 200 m2, sang năm thứ 2, khi bắt đầu có nguồn thu từ việc bán cây giổi ghép, anh Đồng đã đầu tư mở rộng vườn. Đến nay sau 4 năm, bên cạnh vườn cây giống tại gia đình, anh trồng thêm hơn 1 ha với trên 200 gốc giổi và 100 gốc trám đen, đồng thời trồng xen các gốc chanh. Vườn giổi của gia đình anh vừa sang năm thứ 3 đã cho quả bói. Trung bình mỗi năm anh Đồng cung cấp cho thị trường từ 5.000 - 6.000 cây giổi ghép và các loại cây giống: trám trắng, trám đen và nhiều loại cây ăn quả khác. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Ông Hà Ngọc Năm, thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ (huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hóa) cho biết, cách đây 5 năm gia đình ông vốn thuộc diện nghèo. Sau khi được cán bộ xã chuyển giao khoa học kỹ thuật, ông đã mua con giống về phát triển chăn nuôi và mở đại lý bán hàng tạp hóa. Tới nay, trang trại của gia đình ông đã có 6.000 con gà, 100 con lợn; gia đình ông có 1 cửa hàng tạp hóa. Tổng thu nhập của gia đình ông Năm là khoảng 800 triệu đồng/năm. Ông còn tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Tại ấp 9, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau), gia đình ông Thái Văn Lý  là một điển hình tiêu biểu mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất trồng đa cây, nuôi đa con, như trồng trúc, mía, lúa kết hợp nuôi tôm, cua, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Từ nguồn thu nhập ổn định của gia đình, ông Lý đã đóng góp tiền mặt, vật chất trị giá trên 1 tỷ đồng vào việc xây dựng cầu, đường và hiến 1.000m2 đất cho xây dựng trường học, tặng 200 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Những phong trào phát triển kinh tế trên con đường xây dựng NTM đi được vào thực chất nhu cầu, tận dụng thế mạnh từng địa phương với phương châm người dân là chủ thể đã trở nên rất thành công khi áp dụng vào thực tế.

Chương trình “Nông dân dệt nông dân”, chương trình “Thêm cây” ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) tận dụng kinh tế vườn đồi. Từ những hộ nhỏ lẻ hợp thành nhóm, thành 58 nhóm, tập hợp 1.800 hộ dân, sản xuất trên 300ha rừng. Những nông dân giỏi lại dạy những người nông dân khác cách canh tác, chăm sóc rừng trồng. Từ đó, người dân tăng thu nhập mỗi năm từ 30 triệu/ha lên tới 100 triệu đồng/ha.

Tại Làng Ngàm (xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa), tận dụng thế mạnh của làng là trồng vầu và nứa, năm 2014, khi điều chỉnh lại đất, mỗi nhà để lại một phần đất sản xuất, đó là diện tích chung tạo thành một khu rừng chung trồng vầu nứa, các hộ thay phiên nhau chăm sóc. Đến mùa thu hoạch khoảng rừng này thu về 1,3 tỷ đồng tiền sản phẩm, là nguồn kinh phí xây dựng 2km đường quanh bản, xây 72 bể nước sạch cung cấp cho các hộ, thậm chí làm cả nhà vệ sinh ở sân thể thao chung.

 

Phong trào thi đua phát triển kinh tế đánh thức được lòng dân, tạo sức mạnh đoàn kết trong dân, hướng tới giá trị cộng đồng. Đó chính là xây dựng con người mới mang yếu tố văn hóa để thành chủ nhân của sự phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.

Từ chủ trương khai thác nội lực từ chính cộng đồng dân cư, các xã, thị trấn, các thôn, xóm và người dân nông thôn đã chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chủ trương này đã giúp Nam Định giải quyết thành công hàng loạt việc lớn, việc khó có tính đột phá trong quá trình xây dựng NTM.

Để phát triển sản xuất quy mô lớn, tạo ra giá trị kinh tế cao, ngay từ năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Chỉ thị về dồn điền đổi thửa. Nhờ sự đồng thuận của toàn dân, chỉ sau 5 năm, toàn tỉnh đã có 2.976/2.986 thôn, đội hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, đạt 99,7%.

 Nam Định đã về đích nông thôn mới sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX đề ra.

Sau dồn điền đổi thửa, các địa phương đã dồn gọn được quỹ đất công ích theo quy hoạch xây dựng NTM và hình thành các cánh đồng lớn. Chính quyền các cấp cũng đã vận động các gia đình tự nguyện hiến, góp hàng nghìn ha đất nông nghiệp để chỉnh trang, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi.

Cùng với đó, Nam Định chú trọng xây dựng các khu đô thị trung tâm thị trấn, thị tứ; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn ngay trên mảnh đất quê hương mình theo phương châm “Ly nông bất ly hương”.

Từ năm 2010 đến nay, Nam Định đã thu hút khoảng 5.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cùng các doanh nghiệp phi nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương và trong vùng. Hiện số hộ có thu nhập ngoài nông nghiệp ở nông thôn chiếm trên 70%. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn Nam Định tăng 3,5 lần so với trước khi xây dựng nông thôn mới. 

Khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, ít ai hình dung được những thành công của chương trình này chỉ sau 1 năm đi vào thực tế.

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Nghệ An hỗ trợ HTX nông nghiệp Sen quê Bác xây dựng sản phẩm chế biến từ sen. Đây là sản phẩm đặc trưng và chủ đạo mà xã Kim Liên đang hướng đến nhằm phục vụ du khách mỗi khi đến thăm quê Bác.

Mới đây, HTX cũng đã kết hợp với trường Đại học Vinh để cho ra sản phẩm mới như bột hạt sen, bột lá sen; chuyển giao công nghệ từ TP Hồ Chí Minh làm ra sản phẩm nhang sen (nguyên liệu từ đài và lá sen). Hiện, củ sen cũng đang được HTX trồng thử nghiệm để cho ra sản phẩm chế biến thức ăn…

Xuân Lộc, một huyện vùng sâu của tỉnh Đồng Nai, nằm ở cửa ngõ phía Đông của TP Hồ Chí Minh thay da đổi thịt với nhiều vùng chuyên canh nông sản nổi tiếng của cả nước. Trước đây, với 10 ha đất rẫy, gia đình ông Thái Văn Nam, xã Xuân Hưng, chỉ trồng tràm vì không có đường vào, canh tác khó khăn. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình ông Nam đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển 10 ha trồng tràm sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Đến nay, vườn thanh long của ông Nam cho thu nhập khoảng 8 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động. Từ một vùng đất nghèo nàn, lạc hậu mang đầy thương tích bom đạn, đến nay Xuân Lộc đã trở thành vùng đất trù phú, trở thành một trong 4 huyện của cả nước được Trung ương chọn thực hiện thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu.

Mỗi xã một sản phẩm là "cú hích" đưa các sản phẩm địa phương trở thành sản vật giúp người dân làm giàu.

Mỗi làng quê đã phát triển đặc sản địa phương thành một sản vật giúp người dân “thoát nghèo” vươn lên “làm giàu bền vững”. Với tiểu vùng khí hậu đa dạng, nhiều tiềm năng phát triển trồng cây ăn quả có nguồn gốc nhiệt đới, á nhiệt đới và một số cây ăn quả ôn đới; cùng với vị trí địa lý thuận tiện ngay sát thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam, khu vực khu vực Miền núi phía Bắc đã hình thành được các vùng cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn. Từ các đặc sản vải thiều (Bắc Giang), nhãn lồng (Sơn La), cam (Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình), bưởi (Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La), chuối (Phú Thọ, Thái Nguyên); na dai núi đá (Lạng Sơn); xoài (Sơn La); mận (Lào Cai, Sơn La)…, các vùng trồng cây ăn quả đã góp phần tạo ra các sản phẩm quả đa dạng, có giá trị kinh tế cao để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Nông sản được phát triển  theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ (vùng rau sạch của Sơn La, Lào Cai, Thái Nguyên. Bắc Giang, Hòa Bình…) theo quy trình VietGAP; xây dựng được một số mô hình nâng cao hiệu quả đất nông nghiệp theo cơ chế phát triển sạch (CDM) và giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (Chứng chỉ CER); nhân rộng các mô hình thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC (Yên Bái, Tuyên Quang).

Phát triển cây chè cổ theo hướng hữu cơ giúp bà con dân tộc ở Bắc Hà (Lào Cai) có thu nhập cao.

 

Các vùng trồng dược liệu tập trung (vùng trồng quế ở Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang; vùng trồng hồi ở Lạng Sơn, Cao Bằng…) được hình thành cho người dân thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng ngay cả khi dược liệu được trồng xen ghép dưới tán rừng (Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Bắc Kạn…). Các giống cây, con đặc sản như gạo nếp Tú Lệ (Yên Bái), gạo Séng Cù (Điện Biên), hoa hồng Sapa (Lào Cai), lợn đen của đồng bào dân tộc (Phú Thọ), bò ở Hà Giang… được xây dựng thương hiệu cho giá trị rất cao.

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ chú trọng phát huy kinh tế biển, diện tích trồng cây dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, sâm cau đỏ, ba kích, quế, đẳng sâm… cũng tăng; Các tỉnh Tây Nguyên chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng từ cây có giá trị thấp như: điều, ngô, lúa,... sang rau, hoa, cây ăn quả, cây công nghiệp. Từ đó, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung như: bơ, sầu riêng, hồ tiêu,… ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum; rau, hoa ở Lâm Đồng, sâm Ngọc Linh ở Kon Tum...

Du lịch cũng trở thành “đặc sản” của nhiều địa phương khi tận dụng lợi thế cảnh quan, đặc trưng bản sắc văn hóa của từng địa phương. Lào Cai với môi trường tự nhiên đa dạng, khí hậu đặc trưng, truyền thống văn hóa độc đáo giàu bản sắc của 25 nhóm ngành dân tộc đã phát triển nhiều mô hình du lịch đặc trưng gắn với xây dựng NTM.

Các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái ở Lào Cai đã hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng như; mô hình trồng các loại hoa phục vụ phát triển du lịch (hoa lan, hoa hồng cổ, hoa đỗ quyên…); mô hình tham quan, trải nghiệm ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa (Sa Pa), ruộng bậc thang tại các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát. Tiếp đến là mô hình du lịch nông trại trồng dâu tây, nấm hương, các loại quả như lê Tai Nung, mận Bắc Hà, quýt Mường Khương hay tham quan tại trang trại nuôi cá tầm, cá hồi…Với mô hình du lịch nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái ở Lào Cai, du khách còn được tham gia trải nghiệm trồng cây, tìm hiểu văn hóa…
 

Những miền quê đáng sống khắp cả nước

 

 

 

Lào Cai cũng là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số với hai mô hình thí điểm tại xã Bản Hồ và San Sả Hồ (Sa Pa). Sau đó, mô hình du lịch cộng đồng được nhân rộng ra các xã Tả Van, Tả Phìn, Thanh Kim (Sa Pa) và các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và Bát Xát… Cho đến nay, du lịch cộng đồng ở Lào Cai đã từng bước khẳng định được thương hiệu. Đặc biệt năm 2016, cụm các cơ sở homestay của huyện Bắc Hà nhận được giải thưởng Homestay của ASEAN. Năm 2017, cụm Homestay Tả Van Giáy 1- thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van (Sa Pa) cũng được trao giải thưởng này. Với mô hình du lịch cộng đồng, ngoài việc tìm hiểu những nét văn hoá độc đáo của người bản địa, du khách còn được tham gia trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng ngày của người dân.

Chính du lịch ở nông thôn đã góp phần tạo ra nguồn thu khác cho người nông dân bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy. Nhiều bản vùng cao phía bắc (Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái...) đã có doanh thu hàng tỷ đồng/năm nhờ cung cấp dịch vụ Homestay và các dịch vụ khác. Thu nhập của nhiều hộ gia đình tại các bản làng làm du lịch đạt 50-60 triệu đồng/năm.

Sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp của các vùng, miền trải dài từ Bắc đến Nam. Có thể kể đến các sản phẩm du lịch điển hình như tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Căng Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); làng rau Trà Quế (Quảng Nam); du lịch canh nông Đà  Lạt (Lâm Đồng); tour tham quan, khám phá đời sống ngư dân, các trang trại sản xuất thanh long ở Bình Thuận. Tỉnh Ninh Thuận có tour tham quan, nghỉ dưỡng tại các vườn nho, vườn táo, trang trại dê, cừu. Tour khai thác các yếu tố gắn với văn hóa, sinh thái sông nước Cửu Long như du lịch miệt vườn, chợ nổi, cù lao ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; thưởng thức văn hóa, đờn ca tài tử ở Bạc Liêu; văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh; lễ hội trái cây, hoa kiểng miền Tây…

Mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của đồng bào Cơ Tu tại Đà Nẵng gắn phát triển du lịch với bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu.

Thông qua mỗi xã một sản phẩm, các làng quê đã thực sự chuyển mình. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, đến nay, cả nước đã có 42/63 tỉnh, thành phố được phê duyệt đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP. Trong đó, các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lào Cai... đã thực hiện Chương trình OCOP đạt hiệu quả khá tích cực. Các địa phương đã xét công nhận cho hơn 200 sản phẩm Chương trình OCOP với các mức “3 sao”, “4 sao” và “5 sao” (sản phẩm từ 1 - 3 sao: Phục vụ thị trường trong nước; sản phẩm từ 4 - 5 sao: Có khả năng cạnh tranh, xuất khẩu).

Mục tiêu về tổng số sản phẩm OCOP  từ 53 tỉnh đã có kế hoạch, đề án được chuẩn hoá chất lượng đến năm 2020 phấn đấu đạt trên 3.500 sản phẩm. Để thực hiện được mục tiêu này, nhiều địa phương đã ban hành cơ chế chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy, tăng cường hoạt động triển khai Chương trình (Quảng Ninh, Quảng Nam, Lâm Đồng, Hà Nam, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình…). Tỉnh Bắc Kan là tỉnh đầu tiên của các nước đã vận động, thành lập Hội doanh nhân OCOP của tỉnh, được các doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất tích cực hưởng ứng.

Để hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Bộ NN&PTNT đã xây dựng 26 tiêu chí đánh giá sản phẩm Chương trình OCOP; quy trình đánh giá và phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP theo 3 cấp (cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương) làm cơ sở cho địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ triển khai tập huấn cho cán bộ từ trung ương đến địa phương trực tiếp tham gia thực hiện chương trình...

Việt Nam cũng tích cực học tập kinh nghiệm về OCOP tại Nhật Bản, Thái Lan, Colombia... để tận dụng kinh nghiệm phát triển sản phẩm, vận động mạng lưới liên kết vào mạng lưới toàn cầu mỗi xã một sản phẩm iOCOP.
 

 

Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đã thực sự trở thành một phong trào ý nghĩa, có tính nhân văn và có sức lan tỏa sâu rộng và được người dân đồng tình hưởng ứng. Theo số liệu điều tra của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nông thôn mới, có trên 56% người dân thuộc các tỉnh khu vực Miền núi phía Bắc hài lòng với Chương trình. Nhận thức của người dân về xây dựng NTM ngày càng được nâng cao, nhất là trong phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, trong bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn của các địa phương.

Cả hệ thống chính trị của các địa phương đã vào cuộc, đặc biệt lãnh đạo cấp tỉnh và cấp huyện đã hết sức quyết liệt, sát sao trong triển khai thực hiện Chương trình, trực tiếp đi thu hút, xúc tiến đầu tư và mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, góp phần tạo nên sự đột phá trong xây dựng NTM của các tỉnh.

Tinh thần tự lực của một số tỉnh được nâng lên rõ rệt, khơi dậy tiềm năng, lợi thế sẵn có. Một số địa phương có đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành NTM đã tạo động lực phấn đấu cho các địa phương khác, cũng như lan tỏa ra toàn vùng. Điều này thể hiện NTM hoàn toàn có thể thành công trên diện rộng ở vùng khó khăn, chứ không chỉ tập trung vào một hay vài xã có điều kiện ưu đãi hơn.  Các Đề án đặc thù đã góp phần hỗ trợ các địa phương để thúc đẩy NTM của vùng.

Cơ giới hóa nông thôn, sản xuất lớn gắn với công nghệ cao là hướng phát triển kinh tế, xây dựng NTM.

 

Tuy nhiên, với những kết quả đạt được trong 10 năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, vẫn phải đánh giá lại, rút kinh nghiệm giai đoạn tới thực hiện hiệu quả, thực chất hơn để phát triển vùng nông thôn xanh sạch, đẹp và đời sống người dân khá về vật chất, phong phú về tinh thần.

Kết quả xây dựng NTM mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhiều địa phương còn khó khăn, đặc biệt là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nên nhìn chung kết quả xây dựng NTM còn khoảng cách chênh lệch khá lớn, có xu hướng nới rộng khoảng cách so với các vùng, miền của cả nước.

Nhu cầu xây dựng NTM của các tỉnh là rất lớn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng nhưng khả năng huy động nguồn lực còn rất hạn chế vì chủ yếu là vùng nghèo, vùng khó khăn, xuất phát điểm thấp, cũng như chưa khai thác, phát huy được các lợi thế về sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy thực hiện chương trình gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, quy mô sản xuất nông hộ còn chiếm đa số.

Trong giai đoạn 2021-2025, các địa phương cần phát huy những kết quả đạt được của giai đoạn 10 năm để đề ra được Chương trình, mục tiêu cụ thể sát với tình hình thực tế, đặc biệt là xây dựng NTM ở các thôn, bản khó khăn; phát động các phong trào thi đua trong xây dựng NTM; xác định tiêu chí, nhiệm vụ cụ thể cần tập trung nâng cao chất lượng, khắc phục những yếu kém, khơi dậy được những tiềm năng, lợi thế phát triển, nâng cao trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở; huy động các nguồn lực để xây dựng chương trình, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trung ương để tạo động lực phát triển; quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra đến 2025.

 

NTM đã đi được những bước đi vững chãi sau 10 năm cả nước chung sức thực hiện. Thành công từ quyết sách của Trung ương có sự đóng góp của toàn dân, toàn quân, từ chính quyền đến địa phương, từ những áp dụng đầy sáng tạo ở từng thôn bản, từ sự chung tay của mỗi con người Việt Nam. Chặng đường sẽ còn nối dài từ mốc son 10 năm nông thôn mới “đơm hoa, kết trái”...

Bài: Lê Sơn
Ảnh: TTXVN, Lê Sơn
Trình bày: Đăng Tuệ Thy

18/10/2019 07:16