Để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán và mặn xâm nhập trong mùa khô, nhiều nông dân ở các địa phương của tỉnh Sóc Trăng như Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Châu Thành… đã chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng. Trong đó, việc đưa cây màu xuống chân ruộng, đặc biệt là cây dưa hấu đã và đang khẳng định được hiệu quả kinh tế, không chỉ giúp người nông dân giải quyết được áp lực nước tưới tiêu mùa hạn mặn mà còn tạo được công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân trong những tháng nông nhàn mùa khô hàng năm.
Đang tưới nước cho cây dưa hấu được trồng trên đất ruộng lúa với hơn 4.500m2, anh Thạch Quốc Trung ở ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ, bây giờ nước mặn bủa vây khắp nơi, trồng lúa vụ 3 vào mùa nắng thì rất rủi ro, nên năm nào anh cũng trồng dưa hấu dưới chân ruộng.
Cũng theo anh Trung, dưa hấu là cây màu ngắn ngày, không sử dụng nước nhiều như lúa, nên rất phù hợp sản xuất vào mùa hạn mặn, còn nếu so sánh lợi nhuận kinh tế thì cũng thu về gấp nhiều lần so với trồng lúa. Hiện mỗi công (1.000 m2), nếu thu về khoảng 3-4 tấn trái dưa hấu, cùng bán với giá hiện tại khoảng trên 4.000 đồng/kg thì trong vụ dưa hấu mùa khô năm nay, gia đình sẽ thu về khoảng 10 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí.
Theo chia sẻ của các hộ dân trồng dưa hấu dưới chân ruộng, sở dĩ, trong những tháng mùa khô, bà con thường chọn cây trồng này vì bên cạnh hiệu quả kinh tế, thì đây là mô hình bền vững, vốn đầu tư ít, thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm nào mà giá thấp hoặc họa hoằn mất mùa thì người trồng cũng có thể huề vốn, chứ còn làm vụ 3, hạn mặn là coi như mất trắng.
Để trồng dưa mùa hạn, theo ghi nhận, trên đất ruộng, nông dân chỉ cần đào rãnh để lấy nước vào tưới cho dưa hấu và trồng trực tiếp trên bề mặt đất ruộng mà không cần lên liếp hay luống để bớt phần chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, thời gian sinh trưởng của dưa hấu ngắn ngày, chỉ khoảng 55 ngày là có thể thu hoạch. Nhờ ngắn ngày, mức đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao nên dưa hấu dưới chân ruộng luôn được nông dân Sóc Trăng, đặc biệt là các hộ dân đồng bào dân tộc Khmer chọn là cây phát triển kinh tế, vừa hạn chế được tình trạng đi làm ăn xa, vừa đảm bảo được thu nhập.
Anh Thạch Chanh Đara cùng ở xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên) mùa khô này trồng khoảng 5.000m2 dưa hấu trên đất ruộng cho biết, trồng lúa hiện nay thì quá áp lực, vì nước bị nhiễm mặn, tại các con kênh thủy lợi thì nước không đủ tiêu cho thời gian dài của cây lúa, nhưng đối với cây dưa hấu thì không sao, bởi mỗi ngày chỉ tưới một đến hai lần nước. Mấy ngày nay dù nước tại các con kênh nội đồng có giảm, nhưng vẫn đủ để anh cùng bà con xung quanh tưới tiêu cho cây dưa hấu cho đến ngày thu hoạch.
Anh Đara cho biết thêm, nếu trồng trên luống rẫy thì tốn nhiều nước lại gặp gió nhiều, cây sẽ phát triển không tốt. Còn anh trồng trên ruộng thì tưới rất ít vì ruộng thấp, giữ được nước. Năm nào, nếu trúng thì cũng lãi được vài chục triệu đồng.
Ông Sơn Thái Phe, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên cho biết, bước vào mùa khô hạn hàng năm, dù các con kênh thủy lợi trên địa bàn xã đã có cống ngăn mặn, nhưng lượng nước ngọt tích trữ phục vụ cho việc sản xuất, nhất là lúa vụ 3 thì không thể đáp ứng đủ. Do vậy, xã Thạnh Phú đã vận động nông dân chọn cây màu ngắn ngày đưa xuống chân ruộng để thay cho cây lúa.
Ông Sơn Thái Phe cho biết thêm, mùa khô năm nay, thực hiện chuyển đổi đưa cây màu xuống chân ruộng tại Thạnh Phú được nông dân gieo trồng hơn 170 ha; trong đó, nhiều nhất là cây dưa hấu. Để đủ nước tưới tiêu cho cây màu thì Thạnh Phú cũng đã tiến hành nạo vét các con kênh thủy lợi trên địa bàn xã để người dân yên tâm sản xuất.
Còn tại xã An Ninh (huyện Châu Thành), một trong những địa phương có truyền thống đưa cây màu xuống chân ruộng mùa khô từ khoảng 10 năm qua, các ruộng dưa hấu của nông dân đang phát triển rất tốt, hứa hẹn một vụ mùa thành công về năng suất lẫn giá bán. Năm nay, nông dân xã An Ninh xuống giống được hơn 40 ha, rải đều ở các cánh đồng trong xã.
Theo bà Trần Thị Xiêm ở ấp Châu Thành (xã An Ninh), năm nay, thời tiết thuận lợi nên vụ dưa trên 3.000 m2 của gia đình phát triển rất tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch trong vài ngày tới.
Bà Trần Thị Xiêm ước tính, nếu được giá tốt và năng suất mỗi công (1.000 m2) đạt từ 3 tấn trở lên thì sau khi trừ chi phí, vụ dưa hấu dưới chân ruộng năm nay, bà thu lãi trên chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng thông tin, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền các cấp và bà con nông dân trong việc thực hiện chuyển đổi cây trồng tại các vùng lúa kém hiệu quả sang cây màu hoặc cây ăn trái và thủy sản.
Trong năm 2019 đã có hơn 2.000 ha được chuyển đổi và những tháng đầu năm 2020 đã có trên 600 ha đất được chuyển đổi sang trồng màu, cây ăn trái… Đặc biệt, trong thời gian qua thì mô hình trồng dưa hấu dưới chân ruộng đã khẳng định được sự hiệu quả về kinh tế cho bà con nông dân chuyển đổi từ đất 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa, một vụ màu.
Bên cạnh đó, trong kỹ thuật canh tác, nông dân trên địa bàn tỉnh đã hạn chế việc sử dụng phân thuốc hóa học thay thế bằng các loại phân hữu cơ, từ đó, nâng dần chất lượng sản phẩm và được thị trường đón nhận rất tốt.
Từ lo lắng vì áp lực của hạn mặn, hiện nay, nông dân trồng dưa hấu tại Sóc Trăng đang phấn khởi và kỳ vọng ở một mùa dưa hấu bội thu cả về năng suất lẫn lợi nhuận. Với những đặc tính về sinh trưởng ngắn ngày, sử dụng nước tưới không nhiều, cùng hiệu quả kinh tế được khẳng định từ nhiều năm nay, dưa hấu được xem là cây trồng thích hợp cho việc sản xuất nông nghiệp mùa khô trên đất trồng lúa.
Đặc biệt hơn, dưa hấu dưới chân ruộng nay đã khẳng định được vị thế về kinh tế, có thể thay thế sản xuất lúa vụ 3 khi mà vụ sản xuất lúa vụ 3 luôn đứng trước khả năng thiếu nước, hồi hộp trong cả vụ sản xuất, thậm chí là mất trắng khi thiếu nước, chưa kể là trong tình hình thiếu nước tưới do hạn hán và mặn xâm nhập ngày càng khốc liệt như hiện nay.