Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 20.800 hộ gia đình bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, phần lớn tập trung ở vùng nông thôn. Tỉnh xác định có 4 nhóm hộ gia đình thiếu nguồn nước ngọt để đề xuất các giải pháp hỗ trợ.
Cụ thể, nhóm 1 có 6.184 hộ ở khu vực gần công trình cấp nước nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng. Nhóm 2 có 4.193 hộ ở khu vực dân cư thưa thớt, phân tán. Nhóm 3 có 6.384 hộ ở khu vực có hệ thống nước nối mạng bị xuống cấp, không đủ nước cung cấp và nhóm 4 có 4.090 hộ ở khu dân cư tập trung nhưng chưa có công trình cấp nước.
Đối với nhóm hộ dân ở nhóm 1, Sở đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo cho triển khai thực hiện công trình mở rộng, kéo dài tuyến ống cấp nước và các giếng khoan hiện có. Cụ thể, tổng chiều dài tuyến ống hơn 270 km, với kinh phí dự kiến đầu tư khoảng 26 tỷ 400 triệu đồng, thời gian thực hiện mỗi công trình từ 5 đến 30 ngày. Trước mắt, thực hiện lắp nối trên mặt đất và lắp các vòi nước công cộng, mỗi vòi cách nhau 500m để người dân lấy nước sử dụng ngay, sau đó sẽ từng bước hoàn thiện toàn bộ công trình theo kế hoạch.
Với các hộ dân ở nhóm 2, triển khai hỗ trợ dụng cụ chứa nước. Trước mắt cần hỗ trợ cho khoảng 2.732 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách và hộ đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ miễn phí 1 bồn nhựa trữ nước loại 1m3 và 4 can nhựa loại 20 lít để vận chuyển và trữ nước sử dụng trong mùa khô. Các hộ dân còn lại tự trang bị dụng cụ chứa nước. Về lâu dài, Sở chỉ đạo các địa phương xây dựng thí điểm và giới thiệu, vận động thực hiện mô hình trữ nước mưa theo công nghệ hầm nuôi tôm công nghiệp, nhằm để chủ động nguồn nước ngọt sử dụng trong những tháng mùa khô hàng năm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đề xuất giải pháp lâu dài trong việc hỗ trợ nước sinh hoạt cho 6.384 hộ dân ở nhóm 3. Trong đó, Sở dự kiến kinh phí đầu tư nâng cấp, cải tạo, đấu nối hòa mạng 11 công trình cấp nước tập trung với kinh phí khoảng 198 tỷ đồng. Cùng với đó cần khẩn trương triển khai khoan 6 giếng nước tập trung tại các xã Khánh Hòa (huyện U Minh), xã Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời), xã Thanh Tùng, xã Tân Trung và xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), với kinh phí khoảng 6 tỷ đồng để đáp ứng nu cầu sử dụng nước sinh hoạt của hơn 4.000 hộ dân ở khu tập trung dân cư, nhưng lại chưa có công trình cấp nước. Sau đó, các địa phương sẽ từng bước hoàn thiện các hạng mục còn lại như nhà trạm, hệ thống xử lý nước, thiết bị bơm, mạng đường ống phân phối.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai; đầu tư bồn nhựa chứa 10m3, túi nhựa dẻo 15-30m3 đặt tại địa điểm tập trung như UBND xã, nhà văn hóa xã để cung cấp cho người dân hoặc chuẩn bị huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt về phục vụ người dân ở tận vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo của tỉnh.
Hạn hán diễn biến phức tạp không chỉ gây nên tình trạng thiếu nước ngọt, mà còn làm cho độ mặn trong nước tăng cao, kéo theo hàng loạt yếu tố liên quan đến môi trường bị biến động gây bất lợi cho sinh trưởng của gia súc, gia cầm và thủy sản; nguy cơ phát sinh dịch bệnh tả lợn châu Phi, lợn tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm... là rất cao.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống thủy lợi, hệ thống cấp nước tập trung ở nông thôn; qua đó chủ động trong việc tạo nguồn trữ ngọt nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt. UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí cho tỉnh triển khai công tác phòng, chống hạn hán, tạo nguồn dự trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong mùa khô 2019-2020 và những năm tiếp theo.