Ngày 21/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2014: đối phó với việc bình thường hóa chính sách tại các nước thu nhập cao”.
Phát biểu tại hội thảo, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam 2014 -2015 cần gắn liền với nhiệm vụ dài hạn mà các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế phải giải quyết để tạo ra mô hình tăng trưởng mới. Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, để các nguồn lực chính như: doanh nghiệp Nhà nước, ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn. Tái cấu trúc còn để chống chọi, thích ứng được với môi trường, biến đổi khí hậu…
Các chuyên gia quốc tế dự đoán nền kinh tế toàn cầu 2014 có chiều hướng tăng trưởng cao sau khủng hoảng; cho dù nền kinh tế Mỹ và Châu Âu vẫn tăng trưởng thấp. Những lực đẩy tích cực có thể đến từ những thị trường mới trỗi dậy, đặc biệt là Trung Quốc. Bên cạnh đó, gần đây các nước đang phát triển cũng lấy lại đà phát triển và mở rộng đúng với tiềm năng của mình nhưng áp lực lãi suất tăng do chính sách kinh tế vĩ mô bình thường hóa trở lại tại các nước thu nhập cao và bong bong tín dụng tại một số nước vẫn còn gặp nhiểu rủi ro.
Ông Andrew Burns ( WB ) cho biết, tăng trưởng toàn khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ giữ ở mức 7,2% năm 2014 và giảm nhẹ đôi chút xuống 7,1% năm 2015 và 2016. Như vậy, mức tăng trưởng này sẽ kém 2 điểm phần trăm so với thời kỳ trước khủng hoảng nhưng phù hợp với tiềm năng khu vực. Nếu mức tăng trưởng thực đạt mức tiềm năng năm 2014 sẽ làm giảm mức độ tổn thương tích tụ trong những năm phát triển quá nhanh tại một số nền kinh tế lớn có mức thu nhập trung bình.
Các chuyên gia kinh tế khác cho rằng, viễn cảnh kinh tế còn phụ thuộc vào các rủi ro trong nước và bên ngoài. Nếu tình hình tài chính quốc tế đột ngột thắt chặt sẽ làm giảm luồng vốn và gây áp lực lên các nước trong khu vực.
Phục hồi kinh tế tại các nước thu nhập cao sẽ thúc đẩy tăng trưởng tại các nước đang phát triển; hiệu ứng tích cực sẽ bị giảm sút một phần do tác động của tình hình tài chính thắt chặt và giá hàng hóa bị giảm. Cho đến nay, tuy có đạt được tiến bộ tích cực nhưng việc cắt giảm lượng tiền vẫn chứa đựng rủi ro, cần cải cách cơ cấu để tăng năng suất lao động, ông Andrew Burns khuyến cáo.
Thúy Hiền