Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Văn Quang, Cục trưởng Cục kiểm định Hải quan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tại Cảng Cái Mép - Thị Vải để cải cách thủ tục hành chính cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng, nhằm mục đích hỗ trợ phát triển nhanh, hiệu quả hệ thống cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu. Cùng với Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2025.
Việc thành lập Chi cục Kiểm định hải quan khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải thực hiện về quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định, phân tích phân loại, giám định phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu góp phần vào việc thu đúng, thu đủ thuế xuất nhập khẩu cho ngân sách nhà nước.
Cùng đó, Chi cục còn tham gia kiểm tra về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển cảng biển là một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó đặt ra mục tiêu là tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, kết nối liên vùng và khu vực hình thành hệ sinh thái logistic, xây dựng Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại khu vực Cảng Cái Mép – Thị Vải nhằm tăng năng lực khai thác Cụm cảng, đưa cảng Cái Mép – Thị Vải thực sự là cảng trung chuyển hàng hoá quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã đặt ra kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025 tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đạt khoảng 375 triệu tấn, bình quân khoảng 75 triệu tấn/năm; tổng doanh thu dịch vụ cảng đạt khoảng 20.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tổng doanh thu dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải, dịch vụ hậu cần cảng đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng chung của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và của Quốc gia. Do đó, yêu cầu về thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu thuận tiện là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng.
Với việc hình thành và đưa vào hoạt động Chi cục kiểm định Hải Quan tại khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải khẳng định sự hỗ trợ tích cực của Bộ Tài chính, Tổng Cục Hải quan, Cục Kiểm định Hải quan theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ các Thông báo số 386/TB-VPCP ngày 21/8/2017, Thông báo số 61/TB-VPCP ngày 25/3/2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và mới đây nhất là Thông báo số 3/TB-VPCP ngày 06/01/2022 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mong muốn và tin tưởng rằng, từ cơ sở này, Chi cục Kiểm định Hải quan khu vực Cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ thực hiện tốt và hiệu quả chức năng về kiểm định, phân tích, giám định để phục vụ công tác phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm giúp người dân, doanh nghiệp và cơ quan Hải quan giảm bớt các thủ tục, chi phí, rút ngắn thời gian thông quan tại khu vực cảng, góp phần hỗ trợ phát triển nhanh, hiệu quả hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải và Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai.
Về phía tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các cơ quan của tỉnh sẽ luôn luôn phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi nhất, kết nối tổ chức để Chi cục Kiểm định Hải quan khu vực Cảng Cái Mép – Thị Vải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trên địa bàn.
Được biết, Chi cục Kiểm định Hải quan khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải thuộc Cục Kiểm định Hải quan trực thuộc Tổng cục Hải quan được thành lập theo Quyết định 223/QĐ-BTC Ngày 1/3/2022 của Bộ Tài Chính.
Ngay sau khi có quyết định thành lập Chi cục Kiểm định Hải quan khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với Cục Kiểm định Hải quan lựa chọn địa điểm và giao cho Ban Quản lý dự án chuyên ngành Dân dụng và Công nghiệp làm chủ đầu. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh, gồm các hạng mục: khối nhà làm việc, khu vực bảo vệ, nhà phát điện, trạm kiểm định.