Nghiên cứu thí điểm 'cảng mở' tại cụm cảng container quốc tế Cái Mép

Đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chú thích ảnh
 Tàu container CMA CGM CORTE REAL tải trọng 165.375 DWT, có chiều dài 365,5m cập cảng GERMALINK (nằm tại hạ lưu sông Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)  bốc dỡ hàng hóa. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, tại kết luận lần này là Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan liên quan nghiên cứu cơ chế, chính sách thí điểm “cảng mở” tại cụm cảng container quốc tế Cái Mép, trình cấp có thẩm quyền trong quý II/2022.

Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cùng các cơ quan chức năng của địa phương đề xuất áp dụng cơ chế “cảng mở” đối với 8 bến thuộc của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Theo đánh giá, từ năm 2014 đến nay, tốc độ tăng trưởng khu bến Cái Mép luôn đạt hai con số. Các bến cảng được phân bổ rải rác và hầu hết đều hạn chế về chiều dài cầu tàu (trung bình 600m bến/cảng) trong khi kích cỡ tàu cập cảng khu vực Cái Mép ngày càng tăng, chiều dài tàu lên tới 400m. Mỗi bến cảng chỉ có thể tiếp nhận được 1 tàu mẹ.

Đáng nói, hiện mỗi bến cảng tại Cái Mép là một cửa khẩu nên để chuyển hàng từ cảng này sang cảng khác thì khách hàng, hãng tàu phải hoàn thiện các thủ tục hải quan. Thời gian hoàn thiện thủ tục kéo dài, dẫn đến các hãng tàu còn e dè trong việc quyết định tăng sản lượng hàng trung chuyển tại khu vực Cái Mép.

Mặt khác, nhu cầu kết nối hàng hóa giữa các tàu cập tại các bến cảng khác nhau trong khu cảng Cái Mép là rất cao. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy ngay tại cảng biển, việc các bến trong cùng một cụm cảng hỗ trợ nhau tiếp nhận tàu và xếp dỡ hàng hóa được đặt ra cấp thiết.

“Cơ chế liên kết khai thác và luân chuyển hàng hóa giữa các bến cảng trong khu vực Cái Mép Thị Vải (cơ chế “cảng mở”) sẽ tối ưu hóa công suất khai thác và tận dụng tối đa cầu bến của nhau, giải quyết được các hạn chế về cầu bến, giảm chi phí logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua khu vực.”, đại diện VIMC cho hay.

Theo ước tính của VIMC, nếu hai cảng liền kề liên kết có thể khai thác thêm bến thứ ba ở giữa và tăng thêm 50% công suất của hai cảng khoảng 1,2 triệu TEU/năm. Nếu giải pháp kết nối giữa 2 Công ty TNHH cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) và cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải (TCTT) được thực hiện thành công thì mỗi năm riêng CMIT sẽ tăng doanh thu khoảng 20 triệu USD.

Hàng hóa được kết nối thông suốt giữa các cảng, phương tiện vận tải cũng không phải đợi cầu tàu, tốc độ quay vòng cao. Dự kiến, khi giải pháp cảng mở được thực hiện, chi phí vận chuyển sà lan sẽ giảm khoảng từ 10-15%, mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 15 triệu USD…

Quang Toàn (TTXVN)
Tìm giải pháp tăng kết nối cho cụm cảng Cái Mép
Tìm giải pháp tăng kết nối cho cụm cảng Cái Mép

Cụm cảng Cái Mép là một trong những cụm cảng nước sâu lớn nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng đảm bảo lưu thông hàng hóa khu vực phía Nam với các thị trường lớn trên thế giới như Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á. Việc dịch chuyển luồng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cái Mép đang trở thành xu hướng của tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN