Bên cạnh đó, thành phố sẽ hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp và tạo thuận lợi trong đăng ký thành lập doanh nghiệp mới hằng năm.
Để đạt mục tiêu trên, ngoài việc nuôi dưỡng nguồn đăng ký thành lập doanh nghiệp, thì chính quyền thành phố đang nỗ lực triển khai các chính sách hỗ trợ mọi mặt để phát triển doanh nghiệp.
Ở TP Hồ Chí Minh có hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể có tiềm năng phát triển lên thành doanh nghiệp, nhưng đa phần họ rất ngại chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp bởi nhiều lý do. Phân vân lớn nhất của các hộ kinh doanh cá thể là ngại thực hiện kê khai thuế và thường xuyên phải đụng chạm đến nhiều loại thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.
“Ngại” thủ tục thuế Nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn lên doanh nghiệp vì "ngại" thủ tục thuế. |
Theo thống kê của Cục thuế TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn có khoảng 36.472 hộ kinh doanh cá thể có thể phát triển lên doanh nghiệp trong thời gian tới. Riêng năm 2017, có khoảng hơn 21.000 hộ kinh doanh được Cục thuế đánh giá là đối tượng tiềm năng mà cơ quan quản lý có thể vận động, hỗ trợ phát triển lên doanh nghiệp.
Đây là những hộ được cơ quan thuế phân chia theo tiêu chí doanh thu ở địa bàn khác nhau, gồm số hộ có doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng ở những quận trung tâm và một số hộ thuộc các quận vùng ven có doanh thu 50 triệu đồng/tháng.
Thống kê cũng cho thấy có khoảng 422 hộ đang sử dụng số lao động trên 10 người, hơn 14.821 hộ đang sử dụng hóa đơn, trong đó có rất nhiều hộ quy mô rất lớn, hằng năm chỉ tính riêng doanh thu xuất hóa đơn đã lên hàng chục tỷ đồng (chưa bao gồm thuế khoán).
Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, hơn một nửa trong số 36.000 hộ kinh doanh cá thể này có doanh số và quy mô lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp các tỉnh thành khác và dư sức thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh này lại không muốn lên doanh nghiệp vì ngại các thủ tục phải khai thuế thay vì khoán thuế như hộ kinh doanh hiện nay.
Qua tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều mà họ cần hỗ trợ lớn nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất thấp, tỷ lệ lạm phát trung bình, ổn định tỷ giá và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng thực sự.
Cùng đó là hàng loạt lý do được viện dẫn như: đội ngũ lao động không ổn định, thường xuyên thay đổi số lượng; trình độ quản lý hạn chế; nguyên liệu đầu vào không có hóa đơn, chứng từ; khó khăn trong kê khai nộp thuế, quản lý sổ sách kế toán; vốn ít hay thị trường tiêu thụ sản phẩm trong phạm vi nhỏ… khiến các hộ kinh doanh chưa sẵn sàng chuyển lên doanh nghiệp.
Không “mặn mà” lên doanh nghiệp Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP Hồ Chí Minh cho rằng, đa số hộ kinh doanh khi chuyển lên hình thức doanh nghiệp thì vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn là một gánh nặng.
Khi còn là hộ kinh doanh họ không mấy quan tâm đến vấn đề này nhưng khi lên doanh nghiệp thì lại trở thành nội dung bắt buộc và các loại phí này chiếm hơn 30% trên quỹ lương. Điều này tạo một áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp mới chuyển đổi. Đó là chưa kể những liên quan đến hồ sơ chính sách thuế, quyết toàn thuế… mà bắt buộc doanh nghiệp phải tham gia.
Cho dù chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp sẽ hoạt động một cách chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khiến các hộ chưa mặn mà. Theo ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, qua rà soát 1.000 hộ kinh doanh có doanh thu từ 2 tỷ đồng/năm trở lên có thể chuyển đổi lên doanh nghiệp thì có khoảng 421 hộ đóng thuế trên 100 triệu đồng/năm với các ngành nghề như: ăn uống, thương mại, dịch vụ.
Qua rà soát, vận động có nhiều hộ kinh doanh sử dụng trên 10 lao động, nhưng không khai trình sử dụng lao động; có doanh thu cao nhưng không thực hiện chuyển đổi. Đa số hộ kinh doanh hoạt động nhỏ lẻ, tự phát, theo truyền thống gia đình; không có khuynh hướng mở rộng quy mô để chuyển lên doanh nghiệp vì ngại các thủ tục hành chính rườm rà phức tạp.
Chưa kể, đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi chuyển sang hoạt động doanh nghiệp phải chuyển đổi giấy phép kinh doanh có điều kiện đi kèm như: giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn xếp hàng sao như khách sạn… trong khi thủ tục xin cấp giấy chứng nhận này rất nhiêu khê.
Theo UBND quận Bình Tân, trên địa bàn có hàng chục ngàn hộ kinh doanh nên khả năng chuyển đổi lên doanh nghiệp là rất lớn. Trong năm 2016, quận Bình Tân có 127 hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển và năm 2017 tiếp tục vận động với mục tiêu phấn đấu thành lập mới trên 3.500 doanh nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu này, hằng tuần UBND quận tổ chức vận động hộ kinh doanh ở các ngành nghề như nhà thuốc, khách sạn, may mặc, nhà hàng, kinh doanh vàng… chuyển sang loại hình doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều hộ rất cần sự hỗ trợ của quận chuyển hồ sơ cho các sở ngành cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện theo lĩnh vực chuyên ngành.
Chia sẻ về những khó khăn, ông Nguyễn Văn Lập - chủ cơ sở sản xuất nhôm kính tại quận Bình Tân cho biết, sau nhiều năm hoạt động, lượng khách hàng của cơ sở cũng rất lớn và quy mô ngày càng mở rộng. Nhiều lần cơ sở cũng muốn phát triển lên doanh nghiệp để dễ dàng giao dịch với khách hàng nhưng ngại nhất vẫn là khâu sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ… và sẽ không tránh khỏi trường hợp cơ quan thuế kiểm tra, bắt lỗi sổ sách thậm chí bị phạt nếu có vấn đề.
Ngoài ra, hằng tháng phải tốn thêm một khoản tiền thuê kế toán cũng là vấn đề khiến hộ kinh doanh này chưa mặn mà để lên doanh nghiệp.
Còn tại quận 7, qua rà soát thì có 680 hộ đưa vào danh sách chuyển đổi giai đoạn 2017 - 2020. Thế nhưng, đa số hộ kinh doanh này có quy mô nhỏ, sử dụng lao động ít, ngành dịch vụ có số lượng hộ kinh doanh nhiều, nhưng chủ yếu tập trung hoạt động cho thuê nhà nên không có ý định chuyển thành doanh nghiệp.