Trong khi Chính phủ, các bộ, ngành đang rốt ráo đưa ra những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) thì, nhiều DN đã chủ động tìm mọi cách tích cực để chuyển mình sao cho thích ứng với tín hiệu của thị trường.
Cơ cấu lại kế hoạch kinh doanh
Theo các chuyên gia kinh tế cũng như ý kiến của một số DN, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng không phải tất cả là màu xám. Bên cạnh hàng nghìn DN phá sản vẫn còn những DN sống khỏe, nhiều DN thành lập mới vì họ đã và đang tìm được cho mình một chỗ đứng để tồn tại, đồng thời nắm bắt những cơ hội trong thời kỳ khủng hoảng.
Ngày 12/10, UBND tỉnh Quảng Trị đã trao bằng khen cho các doanh nghiệp và doanh nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Trong thời điểm hiện nay, muốn trụ vững được phải có niềm tin, phải xác định được con đường đi đúng. Mỗi doanh nhân phải nhìn lại mình, định vị và xác định lại chiến lược, cơ cấu lại quản trị, hướng sự phát triển theo trào lưu chung của nền kinh tế Việt Nam và thế giới, đó là hướng tới sự phát triển bền vững”. Theo đại diện VCCI, hiện nay có khoảng 1/3 số DN đăng ký kinh doanh từ trước tới nay đã rời khỏi thị trường vì khó khăn. Trong thời gian tới, số lượng DN rời thị trường sẽ càng lớn hơn. Vì vậy, thúc đẩy sự liên kết các DN, tăng cường mua bán, sáp nhập cũng là một cách giúp các DN có thể tái cơ cấu để phát triển.
Theo bà Hoàng Thị Hồng - Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch và thương mại Hải Bình, việc các ngành xây dựng, bất động sản bị đóng băng như hiện nay đã ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất ngành xi măng, thép, kính, nhiệt điện và DN Hải Bình cũng không phải là ngoại lệ. Trước tình hình này, Hải Bình đã cơ cấu lại DN và thay đổi lại chiến lược kinh doanh, ví dụ như rút bớt vốn đầu tư của một dự án trung tâm thương mại để chờ kinh tế phục hồi ổn định.
Đại diện Công ty cổ phần Thanh Hà chia sẻ: “Khác với những năm trước, công ty chỉ thông qua hệ thống bán hàng thì nay trực tiếp tới tận người tiêu dùng để nắm bắt nhu cầu và đưa ra những phương án tốt nhất cho sản phẩm”, lãnh đạo Thanh Hà nói.
Theo ông Đặng Đức Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Thành phố Hồ Chí Minh, để vượt qua thời kỳ khủng hoảng thành công, có 5 vấn đề DN cần tập trung là: Thay đổi tư duy lãnh đạo; nâng cao tinh thần trách nhiệm cá nhân; đối mặt với những khó khăn, không né tránh đùn đẩy cho người khác; xây dựng thương hiệu cá nhân; xây dựng chiến lược kinh doanh trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
“Khủng hoảng vừa là tình thế khó khăn nhưng cũng là cơ hội để lãnh đạo DN rà soát, xác định chiến lược kinh doanh, tổ chức và tái cấu trúc DN với những tính năng thích nghi, linh hoạt, ứng phó nhanh, bản lĩnh trước những vấn nạn, bất trắc trong kinh doanh, hướng đến những giá trị trụ vững và lâu bền nơi khách hàng”, ông Thành nhấn mạnh.
Hiện thực hóa việc liên kết, tiêu thụ hàng
Để tạo điều kiện cho DN sản xuất cũng như tiêu thụ hàng hóa, nhất là dịp cuối năm, Bộ Công Thương đã đề nghị các Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho các DN sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tạo điều kiện cho các DN đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chủ trì tổ chức lễ ký kết của 16 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương thỏa thuận mua bán sử dụng sản phẩm của nhau với mục đích hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và góp phần đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho. Theo đó, có 16 tập đoàn, tổng công ty ký thỏa thuận chung và 11 tập đoàn, tổng công ty đã “bắt tay” ký kết song phương tiêu thụ sản phẩm.
Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Qua tìm hiểu, nhu cầu mua sắm, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hàng năm của các đơn vị là rất lớn, đa dạng. Như: Tập đoàn điện lực Việt Nam có nhu cầu mua than, điện, nhiên liệu, thiết bị điện và nhu cầu tiêu thụ điện, máy biến áp, thiết bị điện, dây cáp điện; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có nhu cầu mua than, giấy các loại, quần áo bảo hộ lao động và tiêu thụ săm lốp ô tô, xe máy, máy kéo các loại, hóa chất các loại, que hàn, phân bón... “Vụ Thị trường trong nước đã tích cực triển khai công việc, phối hợp với các cục, vụ có liên quan gửi văn bản tới các DN đề nghị nêu rõ cơ cấu số lượng hàng hóa dịch vụ cần và muốn bán, dự kiến bán cho ai… "Hàng hóa đưa vào danh mục trao đổi giữa các DN phải có tính cạnh tranh, chứ không ép DN buộc phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau”.
Động thái này được đánh giá là vô cùng có ý nghĩa, trong bối cảnh các DN đang gặp khó khăn về vốn và tồn kho hàng hóa nhiều, thì những liên kết về tiêu thụ sản phẩm của nhau sẽ giúp từng DN “vượt khó”; đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế.
Minh Phương - Hoàng Tuyết