Báo cáo do Chủ tịch UBND tỉnh Lý Thái Hải trình bày đã nhấn mạnh: Năm 2016, Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo thực hiện bốn nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, đó là phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường; nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN |
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh được giữ vững, 22/25 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Năm 2016, tổng giá trị gia tăng trên địa bàn (GRDP) đạt 5.785 tỷ đồng, bằng 101,1% kế hoạch, tăng 6,33% so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người năm 2016 ước đạt 26,6 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với năm 2015, đạt 100% kế hoạch.
Năm 2016 toàn tỉnh trồng mới được 7.023 ha rừng, đạt 100,33% kế hoạch. Tổng diện tích rừng đã trồng đang trong thời kỳ chăm sóc 28.922 ha. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 70,8%. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Bắc Kạn có 2 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Số tiêu chí nông thôn mới bình quân là 8,26 tiêu chí/xã, tăng 0,26 tiêu chí so với năm 2015.
Tỉnh đã tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp để triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và triển khai cam kết của UBND tỉnh với VCCI về hỗ trợ doanh nghiệp. UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 14 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 1.500 tỷ đồng.
Năm 2016, Bắc Kạn có 92 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 230 tỷ đồng, tăng 17 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2015; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động là 40 doanh nghiệp, tăng 7 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.
Đến hết năm 2016, có 20 hợp tác xã thành lập mới, trong đó có 16 hợp tác xã nông, lâm nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã đã và đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh lên 81 hợp tác xã.
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành nhìn nhận mặc dù có nhiều nỗ lực song Bắc Kạn vẫn còn là tỉnh khó khăn, thu ngân sách chỉ đạt 520 tỷ đồng năm 2016. Tỉnh cần xác định rõ các tiềm năng lợi thế để phát triển.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, là tỉnh nằm ở khu vực thượng nguồn sông Cầu, muốn Bắc Kạn giữ được môi trường cho cả nước thì phải được đầu tư thích đáng. Thời gian qua, tỉnh đã chú trọng trồng rừng, giữ nước, bảo vệ cảnh quan, kiên quyết không phá rừng để khai thác khoáng sản. Bộ trưởng đề nghị Bắc Kạn cần chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường.
Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, Bắc Kạn là tỉnh khó khăn, việc đầu tư cho hạ tầng để thúc đẩy phát triển là cần thiết. Trước mắt, tỉnh nên tập trung đầu tư quốc lộ 3B, tránh đầu tư dàn trải.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận năm 2016 Bắc Kạn đã phát triển khá toàn diện, hầu hết đều đạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Đây là một trong hai tỉnh giải ngân vốn đầu tư công cao. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, địa bàn rộng, quy mô dân số ít, đa phần là đồng bào dân tộc nên Bắc Kạn còn nhiều khó khăn, ngoài sự nỗ lực của tỉnh, sự hỗ trợ của các bộ, ngành là động lực quan trọng để tỉnh phát triển.
Phó Thủ tướng ghi nhận Bắc Kạn đã bảo vệ an toàn lưu vực sông Cầu. Tỉnh có trữ lượng khoáng sản lớn nhưng quyết tâm không khai thác khoáng sản bằng bất cứ giá nào, thể hiện rõ qua tỷ lệ che phủ rừng của Bắc Kạn cao nhất cả nước. Phó Thủ tướng đề nghị Bắc Kạn xây dựng kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng, có đề án về phát triển kinh tế rừng và bảo vệ tài nguyên rừng để giữ cho lưu vực sông Cầu, với những cơ chế, chính sách cụ thể.
Đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh, Phó Thủ tướng đề nghị Bắc Kạn rà soát lại, xây dựng đề án quy hoạch khu du lịch quốc gia Ba Bể trình Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở quy hoạch đã có.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh quan tâm nhiều hơn nữa đến cải thiện môi trường đầu tư và cải cách hành chính, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp bởi có phát triển được doanh nghiệp mới tăng thu ngân sách. Phó Thủ tướng cũng cơ bản đồng ý một số đề xuất của tỉnh, đề nghị các bộ, ngành xem xét.