Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Lấy ổn định vĩ mô làm trọng

Chiều 21/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì phiên họp thường kỳ quý IV/2016 của Hội đồng.

Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao các kết quả trong ổn định kinh tế vĩ mô, việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ và sự phối hợp giữa hai chính sách này trong mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng. Kết quả này đáng quý trong điều kiện kinh tế, chính trị thế giới có những diễn biến khó đoán định như Brexit, Fed tăng lãi suất vào cuối năm...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước phải rất linh hoạt để điều chỉnh chính sách tỷ giá kịp thời. Tỷ giá luôn là vấn đề nhạy cảm, ứng xử với tỷ giá phải thận trọng, không thể có bước đi vội vàng.

Nhìn nhận, đến nay, tỷ giá cơ bản ổn định là thành công đáng ghi nhận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng những kết quả đạt được trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ không chỉ là nỗ lực của Chính phủ mà trong đó có vai trò của các ngành tài chính, ngân hàng và các bộ, ngành liên quan, vai trò của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Các thành viên hội đồng đều nhất trí đề nghị Chính phủ quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo 5 lĩnh vực trọng tâm là cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, thu chi ngân sách gắn với bảo đảm an toàn nợ công và cơ cấu lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập. Với việc tái cơ cấu 5 lĩnh vực này, sẽ giúp khắc phục các yếu kém của nền kinh tế, tạo thêm động lực cho nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên trong năm 2016, tốc độ tăng trưởng thấp hơn mục tiêu đặt ra là 6,7%, chủ yếu do sụt giảm tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, nhưng động lực tăng trưởng tiếp tục được duy trì và hoàn toàn có khả năng đạt được mức tăng trưởng 6,3%.

Về tài khóa, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng cũng sẽ đều đạt dự toán Quốc hội giao kể cả ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương. Lạm phát có xu hướng tăng, chủ yếu do điều chỉnh chủ động của nhà nước về một mặt hàng nhà nước cần nắm giá, đến nay cơ bản giữ được mức lạm phát 5%. Năm 2016, xuất khẩu tăng 8,6% so với năm 2015 (176 tỷ USD), cả năm xuất siêu 2,68 tỷ USD.

Các thành viên Hội đồng lưu ý các vấn đề về tăng trưởng toàn cầu, thương mại quốc tế cộng với xu hướng bảo hộ thương mại, chủ nghĩa dân tộc dân túy, chính sách giảm giá đồng tiền quốc gia sẽ có tác động tiêu cực tới tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2017. Tiếp nữa là những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp khó khăn, dư địa cho chính sách tiền tệ và tài khóa còn rất hạn hẹp, có thể khó khăn hơn so với cả năm 2016, cũng là gánh nặng cho điều hành vĩ mô của Chính phủ năm tới.

Để điều hành hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ trong thời gian tới, các thành viên Hội đồng kiến nghị Chính phủ điều hành tài khóa theo kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính hàng năm, trọng điểm là cơ cấu lại thu chi ngân sách và nâng cao hiệu quả đầu tư công, chi tiêu công, khai thác được các nguồn lực xã hội.

Đối với chính sách tiền tệ, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện thận trọng, linh hoạt và đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, tăng cường niềm tin vào đồng tiền Việt Nam, phối hợp chặt chẽ hơn chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Đồng thời, tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Hội đồng tiếp tục theo sát và đánh giá kỹ tình hình kinh tế trong nước và thế giới để có ý kiến góp ý tới lãnh đạo Chính phủ và Chính phủ khi điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.


Bộ Tài chính cần đánh giá sâu hơn chính sách tài khóa và tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước có chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, bám sát các biến động của thị trường, phản ứng nhanh nhạy với các cú sốc. Tỷ giá phải đa mục tiêu, vẫn phải lấy ổn định vĩ mô làm trọng. Cần tính toán tín dụng cung tiền có mức độ phù hợp với diễn biến kinh tế và các mục tiêu chính sách của Chính phủ; phân biệt rành rọt chính sách tín dụng và tài khóa trong điều hành.

Lưu ý kiểm soát linh hoạt hơn trong tăng trưởng tín dụng, tinh thần nới lỏng dần ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đặc biệt lưu ý cơ cấu chất lượng tín dụng, tín dụng bất động sản và những khách hàng có số dư lớn.

Cảnh báo một số nhà đầu tư lớn có tình trạng mở dự án liên tục, phân khúc nhà chất lượng cao, biệt thự biển quá nhiều và tiến hành bán cho công ty con để tiếp tục vay vốn mà thực chất là chưa thanh khoản được, mua trên hợp đồng tín dụng, Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo những dự án vay vốn tín dụng từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng phải được kiểm soát.

Phó Thủ tướng cho rằng khuyến nghị của các thành viên về việc Chính phủ đang thực hiện cơ cấu lại 5 lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế hiện nay góp phần khơi thông nguồn lực phát triển về thể chế và cả nguồn lực kinh tế cho quốc gia.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hội đàm với Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hội đàm với Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam

Chiều 13/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo các Bộ, ngành đã có cuộc hội đàm bàn tròn với ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và các chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng này trong khu vực châu Á về cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN