Ghi nhận tại các điểm có thu phí đỗ xe ô tô theo giờ trên đường tại quận 1, quận 5, quận 10... vì mức phí thu quá cao và bất tiện về công nghệ nên lượng xe ô tô đỗ tại các điểm này đã giảm rất nhiều so với thời điểm trước đó.
Theo đó, từ ngày 1/8, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô với mức phí mới theo nghị quyết của HĐND TP Hồ Chí Minh trên 20 tuyến đường thuộc các quận 1, 5 và quận 10.
Theo đó, tuỳ theo loại phương tiện, mức phí mới tối thiểu từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/giờ thay vì 5.000 đồng/giờ như trước đây. Mức phí sẽ tăng dần theo khung giờ. Theo đó, đến giờ thứ ba, mức phí là 30.000 đồng và tăng lên 35.000 đồng vào giờ thứ tư. Như vậy, nếu đỗ xe từ sáng tới chiều, một chiếc ô tô có thể sẽ mất từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng phí đỗ xe.
Nói về mức phí đỗ xe ôtô được tính tăng lũy tiến theo giờ, anh Nguyễn Thanh Tâm (ngụ tại quận 9) cho rằng, mức phí này là quá cao. Anh cho biết, mỗi lần có dịp đi làm việc, gặp gỡ khách hàng ở khu vực trung tâm quận 1, anh thường đỗ xe khoảng 3-4 tiếng đồng hồ. Sau khi có biểu phí này, chi phí đỗ xe cao hơn chi phí anh đi xe máy hoặc đi taxi nên thay vì đi xe ô tô như trước, khi nào có việc vào trung tâm thành phố, anh chuyển sang đi xe máy hoặc đi xe taxi.
Trong khi đó, theo một số nhân viên giữ xe, việc áp dụng thu phí theo giờ các nhân viên giữ xe thường chỉ thu được tiền trong giờ đầu tiên. Còn với trường hợp quá giờ họ không gia hạn thêm, nhân viên chỉ có thể xác định là ô tô vi phạm giờ gửi, chụp ảnh để lưu giữ, báo cáo. Thậm chí có xe đặt chỗ gửi 1 giờ nhưng gửi đến 5 giờ và không đồng ý trả thêm tiền, dẫn đến thất thoát nguồn thu.
Ngoài tình trạng vắng vẻ do phí cao, nhiều tài xế còn phàn nàn về việc “ngại” sử dụng công nghệ, do thời gian tải app quá lâu và phức tạp.
Theo quy định, để đỗ xe ở các tuyến đường có thu phí, người sử dụng xe ô tô phải cài đặt và sử dụng ứng dụng My Parking. Quan sát tại các điểm đỗ xe có thu phí ở quận 1, trong những ngày này, các nhóm nhân viên Viettel, đơn vị phát triển ứng dụng đỗ xe trên điện thoại thông minh, luôn có mặt để hướng dẫn cho tài xế cách sử dụng ứng dụng My Parking. Trong trường hợp tài xế không sử dụng điện thoại thông minh, những nhân viên Viettel sẽ dùng điện thoại của mình để hỗ trợ đăng ký đặt xe, sau khi kết thúc việc đỗ xe, tài xế thanh toán phí bằng cách soạn tin nhắn và gửi đến đầu số 1008.
Tuy nhiên, hầu hết người tới gửi và thậm chí cả nhân viên giữ xe tại những bãi đỗ này cho biết đều cảm thấy bất tiện trong việc cài đặt và sử dụng phần mềm thanh toán nói trên.
Ngoài ra với việc chưa quen cách cài đặt ứng dụng, nhiều tài xế đã quay đầu xe bỏ đi vì thời gian cài đặt quá lâu. Một nhân viên trông giữ xe tại bãi xe trên đường Hai Bà Trưng (quận 1) cho biết, từ ngày triển khai dịch vụ này, lượng khách tới gửi giảm 2 -3 lần. Nguyên nhân một phần là do mức thu phí mới cao, một phần cài đặt phần mềm thanh toán phức tạp và mất thời gian. Thậm chí có trường hợp tài xế cài phần mềm cả nửa tiếng đồng hồ không được dù có nhân viên hướng dẫn nên cũng đành bỏ đi, không đỗ xe.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, sau 20 ngày áp dụng thu phí đỗ ô tô theo giờ trên địa bàn quận 1, 5 và 10 đã hạn chế được tình trạng xe đỗ cả ngày ở các bãi đỗ. Tuy nhiên, hình thức thu phí theo giờ còn nhiều bất cập, như: Phần mềm thu phí còn trục trặc, thiết bị trang bị cho các đơn vị thu phí hay xảy ra sự cố, công tác phối hợp giữa đơn vị thu phí và lực lượng hướng dẫn còn chưa đồng bộ, đơn vị thu vẫn làm theo cách cũ là làm việc trong giờ hành chính. Trong khi đó theo Nghị quyết HĐND TP Hồ Chí Minh, việc thu phí diễn ra từ 6 giờ đến 24 giờ nên chưa đảm bảo thời gian thu; một số ngày cuối tuần, một số thời điểm ở một số vị trí không thu phí được nên đang gây ra tình trạng thất thoát nguồn thu.
Theo đó, dù đã qua 20 ngày triển khai nhưng hiệu quả không đạt theo yêu cầu. Các đơn vị chức năng chỉ thu được 220 triệu đồng, tức là mỗi ngày thu khoảng 11 triệu đồng, tương đương với mức phí thu theo lượt (5.000 đồng) như trước, tỷ lệ thất thoát nguồn thu hơn 50%.