TP Hồ Chí Minh nỗ lực giảm ùn tắc giao thông - Bài cuối: Kết hợp giải pháp 'khơi thông'

Dù đã cải thiện trong thời gian qua, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Nhiều giải pháp được triển khai nhưng một số khu vực gần như không chuyển biến do nhiều nguyên nhân như mật độ xây dựng nhà ở tăng cao, mật độ phương tiện giao thông tăng, áp lực tăng dân số cơ học, hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu; trong đó, nguồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 chỉ ước chỉ đạt khoảng 24% so với mục tiêu, đặt ra cho ngành giao thông thành phố phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện tình hình.

Chú trọng giao thông thủy

Chú thích ảnh
Tàu cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Giờ - Vũng Tàu xuất bến tại ga Bạch Đằng. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy trong năm 2019 chiếm 35,2% so với vận tải bằng đường bộ. Vận tải hàng hóa đường thủy tăng trưởng, đặc biệt Tân Cảng Cát Lái đón Teu thứ 5 triệu và trở thành 1 trong 28 cảng biển lớn nhất thế giới. Đây là một tín hiệu tích cực cho vận tải hàng hóa đường thủy và cũng là nỗ lực đầu tư các hạ tầng giao thông đường bộ phục vụ khu vực quanh cảng Cát Lái.

Tuy nhiên, hiện tỷ trọng đầu tư cho đường thủy tính trong 5 năm gần đây chỉ bằng 5,4% so với đầu tư cho việc xây dựng mạng lưới đường bộ. Các dự án đầu tư về giao thông đường bộ kết nối đặc biệt là đường trục Bắc - Nam kết nối với cảng Hiệp Phước, nút giao Mỹ Thủy, đường Vành đai 2 và các tuyến đường kết nối với cảng Cát Lái chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân.

Thực tế, hệ thống hạ tầng kết nối với các cảng biển chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa khai thác hết tiềm năng của hệ thống cảng biển, đặc biệt là khu cảng biển mới Hiệp Phước, trong khi lượng hàng hóa tập trung về khu cảng Cát Lái càng nhiều. Các tuyến giao thông thủy trọng điểm vướng các công trình vượt sông (đã được xây dựng từ lâu) tĩnh không, khẩu độ không đảm bảo đã ảnh hưởng lớn đến quá trình khai thác vận tải đường thủy.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, thời gian tới, Thành phố sẽ quan tâm phát triển vận tải hành khách công cộng, phục vụ du lịch bằng đường thủy để góp phần giảm ùn tắc giao thông đường bộ và tạo ra các sản phẩm thu hút du lịch cho thành phố. Dự kiến cuối tháng 4/2020, Thành phố sẽ đưa vào khai thác tuyến phà biển vận tải hành khách, hàng hóa từ Cần Giờ đi Vũng Tàu và ngược lại.

Cùng với đó, ngành giao thông sẽ triển khai phát triển tuyến vận tải hành khách, phục vụ du lịch từ TP Hồ Chí Minh đi Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và ngược lại, sau khi cầu bến tại huyện Côn Đảo được đầu tư, nâng cấp để hoàn thành đưa vào khai thác trong giai đoạn 2020 - 2022. Phát triển các tuyến vận tải hành khách cố định đi Côn Đảo, Bình Dương. Ngành phối hợp với các ngành, các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu khởi công cảng Quốc tế Mũi Đèn đỏ (Quận 7).

Sở Giao thông Vận tải cũng sẽ báo cáo và trình UBND TP Hồ Chí Minh ưu tiên vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; sớm đầu tư cảng ICD Long Bình phục vụ di dời khu Cảng Trường Thọ, giảm ùn tắc giao thông khu vực xa lộ Hà Nội; quy hoạch phát triển cảng cạn ICD Củ Chi trên địa bàn huyện Củ Chi; tập trung nguồn lực thực hiện các dự án kết nối hạ tầng với hệ thống cảng biển đối với khu cảng Hiệp Phước và khu cảng Cát Lái...

Đồng bộ nhiều giải pháp

Chú thích ảnh
Hầm hở trên Quốc lộ 1 nằm phía dưới Dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thanh - Suối Tiên. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Tính đến cuối năm 2019, TP Hồ Chí Minh đang quản lý 8.041.252 phương tiện, gồm 755.491 xe ô tô và 7.285.761 xe mô tô; trong năm 2019 tổng số phương tiện đăng ký mới tăng 387.936 phương tiện, gồm 63.834 xe ô tô và 324.102 xe mô tô (bình quân mỗi ngày có khoảng 174 xe ô tô và 888 xe mô tô đăng ký mới).

Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận cơ bản khung giải pháp của Đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”. Về lâu dài, sau khi Đề án được thông qua, Sở Giao thông Vận tải sẽ khẩn trương triển khai các nhóm giải pháp theo từng giai đoạn để từng bước tăng khối lượng vận tải hành khách công cộng, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Tại buổi duyệt kế hoạch năm 2020 của Sở Giao thông Vận tải giữa tháng 2/2020, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đề nghị, Sở nghiên cứu xây dựng đề án hạn chế giao thông ngày và chuyển hướng xây dựng phát triển kinh tế đêm. Điều này nhằm bắt nhịp với xu thế phát triển hiện nay, đồng thời phải giải quyết, giảm áp lực giao thông ban ngày, bởi ban ngày quá nhiều phương tiện ra vào trong khi ban đêm thì gần như không có.

Theo ông Võ Văn Hoan, tuy chi phí nhân công vào ban đêm có tăng nhưng các chi phí khác lại giảm, cụ thể như xăng dầu giảm hẳn, chi phí xã hội cũng sẽ giảm, kẹt xe giảm, giảm chi phí vận chuyển trên đường... Do đó, chúng ta cần tuyên truyền, vận động người dân, các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp dịch vụ ủng hộ chủ trương.

Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải cũng tập trung tổ chức phân luồng khu vực trung tâm Thành phố theo hướng hạn chế xe tải lưu thông ban ngày, cấm xe khách lưu thông một số tuyến đường; cấm xe sơ-mi rơ-móoc lưu thông vào một số tuyến đường vào ban đêm. Xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện các phố đi bộ khu vực trung tâm Thành phố. Sở nghiên cứu đề xuất triển khai việc thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực nội đô Thành phố báo cáo xin chủ trương thực hiện.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ triển khai các giải pháp, đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, kết nối các phương thức vận tải, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, Thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt chẽ điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, nhất là khu vực nội thành.

Thành phố sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng, bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng. Đây là những giải pháp kết hợp nhằm giải quyết bài toán giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế.

Tiến Lực (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh nỗ lực giảm ùn tắc giao thông - Bài 1: 'Nghẽn' nguồn lực
TP Hồ Chí Minh nỗ lực giảm ùn tắc giao thông - Bài 1: 'Nghẽn' nguồn lực

Trong giai đoạn 2016 – 2019, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình trọng điểm đưa vào khai thác đã giúp kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn. Tuy vậy, nguồn lực đầu tư hạn chế, chỉ đạt khoảng 24% kế hoạch đề ra khiến mục tiêu “đột phá” gặp khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN