TP Hồ Chí Minh nỗ lực giảm ùn tắc giao thông - Bài 1: 'Nghẽn' nguồn lực

Trong giai đoạn 2016 – 2019, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình trọng điểm đưa vào khai thác đã giúp kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn. Tuy vậy, nguồn lực đầu tư hạn chế, chỉ đạt khoảng 24% kế hoạch đề ra khiến mục tiêu “đột phá” gặp khó khăn.

Chú thích ảnh
Phương tiện nối đuôi nhau xếp hàng dài trên đường Phạm Văn Đồng, hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Hiệu quả từ các công trình

Trong năm 2019, TP Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thành đưa vào sử dụng 8 công trình, hạng mục giao thông tại các quận Gò Vấp, Thủ Đức, quận 2, quận 4, quận 6, quận 7, Quốc lộ 1…; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm như nâng cấp mở rộng cầu Chữ Y, cầu Thủ Thiêm 2, nút giao thông Mỹ Thủy, nút giao thông Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh… để tập trung hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn.

Cùng với đầu tư các công trình trọng điểm, để hạn chế ùn tắc giao thông, khắc phục nhanh các sự cố giao thông, TP Hồ Chí Minh đã đưa vào khai thác Trung tâm điều hành giao thông thông minh hiện đại. Với trung tâm này, Thành phố hiện có hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt tại 216 chốt theo tình hình giao thông thực tế và các thời điểm trong ngày, thông qua việc thu thập dữ liệu liên tục từ 100 thiết bị cảm biến lắp đặt trên đường.

Ngoài ra, Cổng thông tin giao thông kết hợp với 70 bảng thông tin giao thông điện tử (VMS) thường xuyên cập nhật, cung cấp trực tuyến cho người dân các thông tin liên quan về tình hình giao thông, tiếp nhận và xử lý các phản ánh của người dân về các sự cố hạ tầng giao thông.

Trong khi đó, mô hình mô phỏng, dự báo nhu cầu giao thông được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2019 phục vụ đánh giá tác động các dự án ngành giao thông trước khi triển khai thực hiện, dự báo các kịch bản phát triển của hệ thống giao thông vận tải thành phố, góp phần hỗ trợ trong việc xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển ngành trong giai đoạn trung hạn và dài hạn.

Theo Ban An toàn Giao thông TP Hồ Chí Minh, năm 2019, thành phố đã có kế hoạch phối hợp xử lý, kiểm soát đối với 28 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, đảm bảo ngăn chặn bước đầu không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, nhất là hai khu vực trọng điểm là sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái. Chính nhờ các giải pháp quyết liệt đó, các vụ ùn tắc giao thông đã giảm nhiều.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2019, Thành phố có 15/28 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông chuyển biến tốt, 7 điểm chuyển biến nhưng còn phức tạp và 6 điểm chưa có chuyển biến. Mặc dù tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ vẫn còn trong thời gian cao điểm ở một số tuyến đường, nhưng trên địa bàn Thành phố không xảy ra ùn tắc giao thông trên 30 phút.

Trong năm 2020, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hạn chế tối đa ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn thành phố và cải thiện tình hình giao thông tại các điểm nguy cơ ùn tắc giao thông; giảm tối thiểu 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2019.

Đầu tư thêm các công trình trọng điểm

Chú thích ảnh
Dự án Nút giao thông Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng giúp giảm tình trạng ùn tắc giao thông cửa ngõ phía Đông.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện nay, tổng chiều dài cầu đường Thành phố là 4.391 km và diện tích đất dành cho giao thông là 91,52 triệu m2, mật độ đường giao thông đạt 2,1 km/km2 và tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị đạt 9,23% (theo Quy hoạch là 22,3%).

Năm 2020, Thành phố phấn đấu làm mới đưa vào sử dụng 81 km đường bộ và 18 cây cầu; mật độ đường giao thông đạt 2,2 km/km2; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất xây dựng đô thị. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị theo kế hoạch đáp ứng được từ 15% nhu cầu giao thông đô thị (tuy nhiên khả năng đáp ứng thực hiện được khoảng 10% nhu cầu giao thông đô thị).

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, đơn vị sẽ chú trọng đầu tư các dự án, công trình góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông quanh khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái; các dự án công trình góp phần khép kín Vành đai 2, xây dựng Vành đai 3 và các đường cao tốc liên vùng (trước mắt là tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài). Ngoài ra, đơn vị tập trung đầu tư các dự án hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nội thị, góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố cho biết, Ban sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, giải ngân đạt tỷ lệ trên 95% nguồn vốn kế hoạch được giao năm 2020. Ngoài các nhóm dự án trên, Ban cũng sẽ triển khai các dự án thuộc các nhóm các công trình nạo vét luồng đường thủy, kè bờ và nạo vét luồng Soài Rạp; các công trình chỉnh trang kênh rạch, thu gom, xử lý nước thải lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ; nhóm các dự án, công trình góp phần phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.

Theo Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020, TP Hồ Chí Minh có 172 dự án hạ tầng giao thông ưu tiên tập trung với nhu cầu vốn đầu tư là 323.997 tỷ đồng. Thành phố đặt mục tiêu đầu tư xây dựng 272 km đường bộ, xây dựng mới 76 cây cầu. Dù vậy, nguồn lực đầu tư cho các công trình này không đạt được, ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu đề ra của ngành giao thông.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh thừa nhận, một số công trình trọng điểm bị ảnh hưởng do nguồn lực đầu tư hạn chế. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, Thành phố dự kiến là 172 công trình, với khoảng 323.000 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này (bao gồm nguồn vốn chuẩn bị cho năm 2020), tổng chỉ đạt 76.000 tỷ đồng (chiếm 24%). Dù đặt ra một chương trình với sự kỳ vọng ngay từ đầu, nhưng nguồn lực hạn chế nên gặp khó khăn.

Lý giải một phần nguyên nhân, theo ông Trần Quang Lâm, ngay từ đầu nhiệm kỳ, việc tính toán nguồn vốn cho các công trình giao thông dựa trên việc TP Hồ Chí Minh đang được Trung ương điều tiết, giữ lại 23% nguồn thu ngân sách, nhưng hiện chỉ còn 18% nên ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình xây dựng, đầu tư phát triển. Hiện thành phố đang xây dựng đề án để trình Quốc hội, Chính phủ tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách.

Để khắc phục những khó khăn về thiếu nguồn lực đầu tư trong bối cảnh vẫn quyết tâm kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, TP Hồ Chí Minh đang hướng tới triển khai nhiều giải pháp linh động, vừa phát triển giao thông thủy, vận tải hành khách công cộng với kiểm soát xe cá nhân, thành phố sẽ nghiên cứu điều chỉnh thời gian vận tải hàng hóa phù hợp với thực trạng giao thông trên địa bàn.

Bài cuối: Kết hợp giải pháp 'khơi thông'

Bài và ảnh: Tiến Lực (TTXVN)
Hà Nội lên phương án xử lý 10 điểm đen ùn tắc giao thông
Hà Nội lên phương án xử lý 10 điểm đen ùn tắc giao thông

Do phương tiện giao thông tăng cao trong khi tốc độ phát triển hạ tầng giao thông không theo kịp; ý thức chấp hành luật lệ của người tham gia giao thông còn hạn chế; công trường thi công chiếm dụng mặt đường là nguyên nhân cơ bản làm phát sinh thêm nhiều điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN