Nguồn cung dồi dào
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết, nét mới trong công tác chuẩn bị hàng tết và thực hiện bình ổn thị trường năm 2019 là thành phố sẽ triển khai theo tín hiệu thị trường. Nghĩa là sở sẽ theo dõi diễn biến, nhu cầu tiêu dùng từ thị trường để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất cho phù hợp, chứ không bán cái mình có sẵn. Cụ thể đối với mặt hàng hoa tết, thành phố cũng định hướng cho các làng hoa chỉ sản xuất các loại hoa có nhu cầu sử dụng cao trong dịp tết, không đưa hàng về thành phố tràn lan như nhiều năm trước.
Ở nhóm các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, thành phố sẽ tăng lượng hàng đối với các loại thực phẩm được truy xuất nguồn gốc, có nhãn mác, thương hiệu, các sản phẩm đạt chuẩn organic, VietGAP, GlobalGAP… Đồng thời, có cơ chế ưu tiên cho các nhà cung cấp đạt các tiêu chuẩn trên đưa hàng vào hệ thống phân phối của thành phố.
Theo đó, lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019 tăng 13 - 17% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 23 - 36% so với kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị với số lượng lớn, chi phối 32 - 58% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc… Tổng giá trị các nhóm hàng lương thực, thực phẩm được các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng tết là 18.424 tỷ đồng, tăng 612,7 tỷ đồng (3,44%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Mậu Tuất 2018 (17.812,1 tỷ đồng). Riêng các doanh nghiệp khác như các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng từ 2-3 lần so với tháng thường.
Đối với 3 chợ đầu mối, lượng hàng hóa nhập trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản. Dự kiến thời điểm cận Tết, lượng hàng hóa về chợ lên đến 15.000 – 16.000 tấn/ngày (tăng khoảng 80% so với ngày thường).
Đối với nhóm các mặt hàng bia và nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 42,2 triệu lít bia và 48,5 triệu lít nước giải khát trong tháng tết, tăng khoảng 30% so với tháng thường. Theo thông tin từ các nhà máy bia, giá bia xuất xưởng sẽ không tăng vào dịp tết. Giá bia bán lẻ dao động từ 325.000 đồng/thùng đến 392.000 đồng/thùng. Các mặt hàng nước ngọt, giá bán lẻ dao động từ 209.000 đồng/thùng đến 214.000 đồng/thùng.
Tết năm nay thành phố dự kiến tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... Trong đó 2 chợ chuyên doanh hoa lớn là chợ Hồ Thị Kỷ, chợ Đầm Sen và 2 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức cung ứng khoảng 80% thị phần hoa cắt cành.
Đem hàng bình ổn về khu đông dân
Nói về việc kiểm soát chất lượng, giá cả hàng hóa phục vụ thị trường Tết 2019, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm, cho biết thành phố sẽ không để tăng giá đột biến những mặt hàng trọng yếu nhằm đảo bảo người dân yên tâm vui xuân, đón Tết. Sắp tới, thành phố sẽ phối hợp với Bộ Công thương thực hiện tốt chương trình bình ổn giá dịp Tết và những tháng đầu năm 2019 để đảm bảo an sinh xã hội. TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng, giá cả hàng hóa tránh tăng giá đột biến do thiếu hàng, khan hàng hóa trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019.
Là đơn vị chủ lực về quản lý, điều tiết hàng hóa, giá cả dịp Tết, ông Phạm Thành Kiên cho rằng, lượng hàng hóa như thịt gia cầm, đường, trứng, gạo về thành phố vẫn rất dồi dào, phong phú nên giá bán từ đầu năm đến nay rất ổn định. Riêng một số nhóm hàng như thủy hải sản, rau củ quả, do ảnh hưởng bởi thời tiết mưa và lũ kéo dài trên diện rộng nên giá bán tăng nhẹ. Dự báo thời gian tới, nguồn cung về thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thủy hải sản, trái cây sẽ được tăng cường, giá bán sẽ ổn định và giảm trở lại vào dịp gần Tết. Các mặt hàng thiết yếu khác, lượng hàng rất dồi dào nên vào dịp Tết giá cả sẽ khá ổn định.
Tuy nhiên, theo ông Kiên để kiểm soát chặt việc tăng giá theo thời vụ vào cao điểm Tết, từ nay đến Tết Nguyên Đán, Sở Công thương thành phố sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND các quận - huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, chấp hành quy định điểm bán. Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp UBND 24 quận huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với hàng lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đặc biệt, để kiểm soát giá cả cuối năm, thành phố còn đẩy mạnh thực hiện hơn 300 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng hóa Việt Nam chất lượng cao về bán tại các quận, huyện ven ngọai thành, KCX – KCN, khu lưu trú công nhân, ký túc xá, bệnh viện có đông người để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết. Đồng thời, vận động các hệ thống tổ chức, phân phối cung ứng giỏ quà Tết có giá bán thấp nhất từ 99 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/phần để phục vụ công nhân mua sắm quà về quê đón Tết…
Nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa Tết, ông Nguyễn Văn Bách, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, từ nay đến Tết Nguyên đán 2019, đơn vị sẽ tập trung các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các kho hàng lớn và hệ thống các kho lạnh của thành phố để tránh tình trạng hàng hóa đã quá hạn sử dụng trà trộn vào các mặt hàng khác rồi tuồn ra thị trường vào cao điểm mua sắm tết. Tặng cường phối hợp với các đơn vị tại 24 quận, huyện kiểm tra giá cả tại các chợ truyền thông, các trung tâm thương mại, cửa hàng…để các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá…