TP Hồ Chí Minh chỉ có 15% thực phẩm được phân phối thông qua hệ thống siêu thị

Đây là thông tin được bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết tại buổi khai mạc Lễ hội sức khỏe và dinh dưỡng vào ngày 18/10.

Hiện nay, các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam đang ngày càng tham gia cung cấp rất nhiều thực phẩm cho thị trường thế giới, xuất khẩu được rất nhiều thực phẩm thỏa mãn được tiêu chuẩn nước ngoài, đặc biệt là những thị trường khắt khe, khó tính như châu Âu, Úc, Nhật Bản… Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại không mấy “mặn mà” trong việc cung ứng thực phẩm sạch cho thị trường trong nước, bởi các doanh nghiệp cho rằng, rất khó cạnh tranh được với những mặt hàng không cùng đẳng cấp. Cùng với đó, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam thích rẻ, nghĩ thực phẩm sạch là đắt và mua thực phẩm ở các chợ tự phát vì dễ mua, không mất thời gian gửi xe…

Chú thích ảnh
Người dân vẫn khó tiếp cận được với thực phẩm sạch. 

Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, hiện thành phố chỉ có khoảng 15% thực phẩm được phân phối thông qua hệ thống siêu thị với một hệ thống quản lý về chất lượng tương đối bài bản hơn các chợ truyền thống. Hiện nay, các doanh nghiệp đưa hàng vào siêu thị không phải dễ. Trên thực tế, có một số doanh nghiệp đầu tư làm thực phẩm sạch nhưng sau đó đưa vào siêu thị bán, sau khi tính toán lại thì khoản thu về rất ít. Còn để tính đúng tính đủ với những chi phí đầu tư và những chi phí đưa vào siêu thị thì phải đội giá thành sản phẩm lên, giá thành cao lại khó bán.

Chú thích ảnh
Cần phải tạo cho người dân mua thực phẩm ở những nơi có hóa đơn chứng từ rõ ràng để có thể dễ dàng giải quyết những vấn đề về sức khỏe sau này và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. 

Theo Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, bên cạnh công tác ngăn chặn thực phẩm bẩn bằng cách tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý các đơn vị vi phạm, cũng cần phải tăng tỉ lệ thực phẩm sạch và đạt chuẩn lên. Để làm được điều này, phải tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân ý thức việc sử dụng thực phẩm sạch; phải chứng minh cho người dân không phải lúc nào thực phẩm sạch cũng đắt; tạo cho người dân thói quen về thị trường văn minh, mua bán hàng hóa có hóa đơn để giải quyết những vấn đề về nguồn gốc sản phẩm.

“Chỉ tuyên truyền thôi thì chưa đủ, quan trọng hơn là người dân có tiếp cận được với thực phẩm sạch hay không, tức là thực phẩm sạch có phát triển hay không. Chúng ta chê thực phẩm bẩn nhưng tìm thực phẩm sạch để mua thì lại không có. Do đó, vấn đề hiện này làm sao để người dân tiếp cận được thực phẩm sạch một cách dễ dàng”, bà Lan chia sẻ.

Bà Lan đề xuất, một số doanh nghiệp ngoài xuất khẩu thì nên đầu tư những chuỗi cửa hàng cung ứng của doanh nghiệp mình. Có thể trong thời gian đầu tốn kém nhiều nhưng về lâu dài lại tiết kiệm được chi phí về phân phối và đưa đến cho người dân một giá cả phù hợp nhất.

Đan Phương/Báo Tin tức
Hà Nội ráo riết ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh sởi, tay chân miệng
Hà Nội ráo riết ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh sởi, tay chân miệng

Mặc dù số người mắc dịch sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi trên địa bàn Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN