Cùng với đó, tổng dư nợ đạt trên 197 nghìn tỷ đồng, tăng 9.501 tỷ đồng so với cuối năm 2018; trong đó dư nợ theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao đạt trên 172 nghìn tỷ đồng, tăng 7.677 tỷ đồng, hoàn thành 68,2% kế hoạch tăng trưởng được giao với gần 6,6 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ; doanh số cho vay đạt 36.500 tỷ đồng.
Đặc biệt, vốn tín dụng đã giúp cho trên 940 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần tạo việc làm cho trên 102 nghìn lao động; xây dựng trên 627 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường và gần 8 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm của toàn hệ thống là tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc các đơn vị tham mưu (Tỉnh ủy/Thành ủy) thực hiện tốt việc tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Ngoài ra, chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động khai thác, huy động các nguồn vốn; tổ chức giải ngân, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo khả năng thanh toán, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2019. Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng một cách bền vững; tập trung nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại xã, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội. Thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách tới cán bộ, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.