Hà Nam có gần 60.000 lượt hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

Sáng 25/9, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động tín dụng chính sách xã hội (2002 – 2017), đề ra các mục tiêu, định hướng phát triển đến năm 2020.

Các tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam vì có nhiều đóng góp trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Theo ông Lê Văn Hoạch, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hà Nam, trong 15 năm qua, với ban đầu chỉ có hai chương trình tín dụng được triển khai thực hiện gồm: Chương trình cho vay hộ nghèo và Chương trình cho vay giải quyết việc làm, hiện Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đã thực hiện cho vay 8 chương trình tín dụng với doanh số cho vay năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đã thực hiện giải ngân số tiền gần 4.570 tỷ đồng cho trên 316.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.

Nguồn vốn này góp phần giúp gần 60.000 lượt hộ vượt thoát nghèo góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 20% (năm 2000) xuống còn 4,24% (năm 2016). Đồng thời, tạo việc làm cho gần 250.000 lao động; trong đó, gần 1.160 lao động vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

Nguồn vốn tạo điều kiện cho hơn 45.500 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; góp phần xây dựng, cải tạo trên 185.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; hỗ trợ giúp hơn 3.000 lượt hộ nghèo có vốn xây dựng nhà đảm bảo an toàn.

Từ nay đến năm 2020, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đề ra mục tiêu đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện có nhu cầu đều được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng chính sách xã hội; thực hiện tốt chỉ tiêu huy động vốn Ngân hàng chính sách xã hội giao; nâng chất lượng tín dụng đảm bảo nợ quá hạn dưới 0,1% tổng dư nợ…

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hà Nam tiếp tục duy trì làm tốt phương thức ủy thác đối với các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn.

Cơ quan này phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức hội nhận ủy thác đánh giá, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp. Điều này nhằm nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa về thu nhập cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách đảm bảo cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện có nhu cầu đều được tiếp cận các dịch vụ ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đẩy mạnh tuyên truyền chính sách ưu đãi của Chính phủ, hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo và các đối tượng chính sách để thay đổi và làm chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững…

Nhân dịp này, UBND tỉnh Hà Nam đã trao tặng bằng khen cho trên 50 tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Hà Nam giai đoạn 2002 - 2017.

Thanh Tuấn (TTXVN)
Điện Biên cần tăng cường nguồn vốn tín dụng chính sách
Điện Biên cần tăng cường nguồn vốn tín dụng chính sách

Điện Biên, một tỉnh miền núi cao địa hình phức tạp, dân cư phân tán, có đến 5 huyện nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo trên toàn quốc đã có những đổi thay rõ rệt về phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo nhờ sức mạnh đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh và sự hỗ trợ về tín dụng chính sách của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN