Tuy nhiên theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, lượng nhôm tồn kho này vẫn thuộc thẩm quyền xử lý của doanh nghiệp nên doanh nghiệp có thể chuyển sang làm thủ tục tiêu thụ nội địa và đóng thuế đầy đủ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể làm thủ tục xuất sang nước thứ ba nhưng không được mạo danh xuất xứ Việt Nam, tránh bị Chính phủ Mỹ trừng phạt, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam.
Với số lượng nhôm tồn hơn 4 năm nay trị giá hơn 4,3 tỷ USD, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, phí lưu kho bãi doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Quản lý giám sát hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, khi phát hiện số lượng nhôm nhập khẩu gia tăng đột biến trong thời gian ngắn, các cơ quan chức năng của Việt Nam bao gồm Tổng cục Hải quan, Bộ Công an, Bộ Công Thương... đã vào cuộc để kiểm tra.
Qua đó, các cơ quan chức năng phát hiện nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra trùng mã HS (mã số hàng hóa xuất khẩu), đối chiếu với các quy tắc xuất xứ thấy có nguy cơ không đáp ứng các quy định về tiêu chí xuất xứ của Nghị định 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Thông tư 05/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hóa, nên các cơ quan chức năng đã kiểm tra và ngăn chặn kịp thời.
Ông Âu Anh Tuấn cho biết thêm, doanh nghiệp không chỉ xuất đi Mỹ mà còn xuất đi nhiều nước khác. Trong số đó, có một số nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, nên doanh nghiệp đã sử dụng các C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) ưu đãi để xuất sang các nước như Australia, Malaysia, Indonesia… nhằm hưởng lợi về miễn thuế. Nhận thấy có nguy cơ rất cao về gian lận thương mại, gian lận xuất xứ để xuất hàng sang Mỹ và một số nước nhằm trốn thuế, Tổng cục Hải quan và các bộ ngành liên quan đang tăng cường kiểm tra, giám sát từ khâu nhập khẩu đến quá trình lưu giữ ở kho bãi, sản xuất và xuất khẩu.
“Nếu phát hiện có bất kỳ dấu hiệu nào về gian lận xuất xứ, hải quan sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan xử lý nghiêm, tránh ảnh hưởng đến uy tín cũng như việc lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển hàng hóa, chỉ thực hiện một số công đoạn gia công hàng hóa đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam”, ông Âu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đại diện ngành hải quan cũng cho biết, theo quy định, doanh nghiệp được phép nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất, nên doanh nghiệp này vẫn khai báo là nhập hàng để phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Lực lượng chức năng sẽ giám sát cho đến khi doanh nghiệp này xuất khẩu hết. Trường hợp doanh nghiệp đưa ra tiêu thụ nội địa, ngành hải quan sẽ xử lý vấn đề về thuế.
Hiện tại doanh nghiệp vẫn được quyền lưu giữ 1,8 triệu tấn nhôm tại các kho thuê ngoài của doanh nghiệp. Ngoài ra, còn hơn 200 ngàn tấn nhôm nữa nằm trong nhà máy, doanh nghiệp đang sản xuất để xuất khẩu.
Thông tin thêm về Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam, chủ của 1,8 triệu tấn nhôm, ông Âu Anh Tuấn cho biết, đây là doanh nghiệp chế xuất, khi nhập khẩu hàng hóa (tức nhôm) về không phải chịu thuế theo quy định của Luật Thuế xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp nhập khẩu số lượng nhôm rất lớn để gia công, sản xuất nhôm thành phẩm xuất đi nhiều nước khác nhau, không riêng thị trường Mỹ.