Tín dụng tiếp tục chuyển dịch tích cực

Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực đã được hệ thống ngân hàng triển khai kịp thời, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Tăng trưởng tín dụng ước đạt 13%

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 12/2014 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức chiều 23/12, bà Đỗ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, tính đến ngày 19/12, tín dụng đã tăng 11,8% và dự kiến sẽ đạt 13% trong năm 2014. Như vậy tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ đạt chỉ tiêu định hướng 12 - 14% đề ra từ đầu năm. Mục tiêu năm 2015 sẽ đạt tăng trưởng tín dụng từ 13 - 15%.

Phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2015 sẽ đạt 13 - 15%.Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Theo NHNN, lượng tiền cung ứng được điều hành hợp lý giữa các kênh, đảm bảo kiểm soát tiền tệ phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát trong điều kiện NHNN mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối. Đến ngày 19/12, tổng phương tiện thanh toán tăng 15,65% so với cuối năm 2013, phù hợp với chỉ tiêu định hướng 14 - 16% đề ra từ đầu năm. Huy động vốn tăng 15,15%, trong đó huy động vốn bằng VND tăng 16,31% so với cuối năm 2013. Thanh khoản của các TCTD được đảm bảo, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp.

Báo cáo của NHNN cho hay: Mặt bằng lãi suất giảm so với cuối năm 2013 nhằm tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được lạm phát, hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Trong đó, mặt bằng lãi suất huy động giảm 1,5 - 2%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%/năm. Đáng chú ý, lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các TCTD tích cực điều chỉnh giảm; dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm khoảng 3,9% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 10,65%, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.

Về tỷ giá và thị trường ngoại hối, NHNN khẳng định lĩnh vực này về cơ bản ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, niềm tin vào VND được củng cố, nhờ đó NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục.

Sẽ bỏ trần lãi suất nếu có điều kiện

Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết: Nếu có đủ điều kiện, trần lãi suất huy động sẽ được dỡ bỏ. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, trần lãi suất huy động hiện chỉ áp dụng đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. Thời gian qua, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã hạ lãi suất thấp hơn so với trần quy định. Với các TCTD có lợi thế, họ có thể huy động thấp hơn, các TCTD nhỏ có thể huy động ở mức sát trần. "Trên thực tế trần lãi suất tạo ra sự linh hoạt về lãi suất theo quan hệ cung cầu vốn trên thị trường. NHNN tiếp tục theo dõi sát và cân nhắc trên các yếu tố kinh tế vĩ mô, an toàn hoạt động, khả năng kiểm soát, nếu có điều kiện sẽ bỏ trần lãi suất", bà Hồng nói.

Năm 2014, VAMC mua 123.000 tỷ đồng nợ xấu Ông Đoàn Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết, tính đến ngày 23/12, VAMC đã mua được 123.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, đã xử lý được hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua bao gồm xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ, tổ chức đấu giá.

Về áp dụng trần lãi suất cho vay trung và dài hạn, Phó Thống đốc NHNN cho rằng: Lãi suất cho vay trung, dài hạn có quan hệ chặt chẽ với lãi suất huy động cũng như cơ cấu nguồn vốn của TCTD. Nếu quy định trần lãi suất cho vay trung dài hạn sẽ gây khó khăn cho TCTD trong cân đối nguồn vốn nhất là tín dụng cho vay từ nguồn huy động ngắn hạn.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Phạm Thanh Hà cho biết: Các ngân hàng vẫn đang cho vay lãi suất trung dài hạn theo công thức: “Lãi suất cho vay = Lãi suất tiết kiệm 12 tháng + biên độ” từ nguồn huy động ngắn hạn với giả định nguồn vốn huy động này sẽ được tái tạo. Thời gian qua Vietcombank đã đi đầu trong hạ lãi suất huy động ngắn hạn và kỳ vọng sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay trung dài hạn. Tại Vietcombank hiện nay, 40 - 45% dư nợ dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên với lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ 7%/năm còn lãi suất trung, dài hạn từ 9 - 9,5%/năm.

Trả lời một số ý kiến lo ngại việc tăng trưởng tín dụng mạnh vào những tháng cuối năm, đặc biệt là tháng 12/2014 có thể là tăng trưởng ảo, đại diện NHNN cho rằng: Đây là quy luật phổ biến nhiều năm qua của tín dụng, phù hợp với nhu cầu thực tế cũng như kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này cũng phù hợp với diễn biến, mua sắm dự trữ hàng Tết. “Các số liệu tăng trưởng tín dụng báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo tuân thủ quy định nên đây là những số liệu thực tế”, lãnh đạo NHNN khẳng định.

Minh Phương - M.Thúy
Nhiều lực đẩy cho tín dụng về đích
Nhiều lực đẩy cho tín dụng về đích

Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 11 đạt 10,22% trong khi chỉ còn khoảng gần 1 tháng nữa là kết thúc năm 2014. Nhiều phân tích cho thấy, tăng trưởng tín dụng vẫn có thể cán “đích” 12 - 14% nhờ nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) đang có xu hướng tăng trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN