Nhiều lực đẩy cho tín dụng về đích

Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 11 đạt 10,22% trong khi chỉ còn khoảng gần 1 tháng nữa là kết thúc năm 2014. Nhiều phân tích cho thấy, tăng trưởng tín dụng vẫn có thể cán “đích” 12 - 14% nhờ nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) đang có xu hướng tăng trở lại.

Doanh nghiệp và người dân đỡ ngại vay vốn

Những tháng trước đây, một trong những lý do chính khiến tăng trưởng tín dụng đạt thấp là do DN “ngại” vay vốn. Theo Hiệp hội DN nhỏ và vừa, DN không chỉ gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn mà còn lo sẽ không sử dụng vốn hiệu quả do sức mua yếu, tiêu thụ khó khăn và hàng tồn kho tăng cao… Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao các ngân hàng thương mại thường không mặn mà khi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn.

Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm.Ảnh: Hoàng Hải


Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng gần đây có tín hiệu đáng mừng là tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh đang có xu hướng tăng. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, đây là điều dễ hiểu bởi cuối năm là thời điểm DN tăng năng lực sản xuất.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, hiện mùa cao điểm DN phải chuẩn bị hàng hóa để phục vụ Tết Nguyên đán nên nhu cầu vay vốn cũng cao hơn bình thường. Vì thế, bên cạnh khách hàng cá nhân được săn đón thì khách hàng DN cũng là đối tượng NH không thể bỏ qua.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng, từ đầu năm đến nay, hàng loạt chương trình tín dụng với nguồn vốn lớn, lãi suất ưu đãi dành cho DN, cá nhân được các ngân hàng đưa ra và ít nhiều cũng có độ ngấm. Chẳng hạn như gói cho vay ưu đãi 2.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất từ 8%/năm, thời gian ưu đãi lên tới 5 năm của MB; gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và hộ kinh doanh cá thể với tổng số tiền lên tới 4.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay tối thiểu là từ 8,5%/năm của SeABank; chương trình khuyến mại tín dụng trị giá 3.000 tỉ đồng dành cho khách hàng vay phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, thu mua, chế biến nông sản với lãi suất chỉ từ 7% của VietinBank... Ngoài ra, một nguyên nhân nữa hỗ trợ lực đẩy cho tăng trưởng tín dụng là lãi suất giảm dần theo thời gian sẽ kích thích DN và người dân mạnh mẽ hơn trong việc vay vốn sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ vốn cho nền kinh tế được đặt ra, nhưng vốn có đi vào sản xuất tiêu dùng được hay không cũng còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Tuy nhiên, ở góc độ kinh doanh, các ngân hàng cho rằng càng về cuối năm nhu cầu vay vốn cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của DN và người dân sẽ càng tăng mạnh. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc NHTMCP Phương Đông (OCB) cho rằng: Vào giai đoạn cuối năm có 3 khu vực hút vốn nhiều nhất. Thứ nhất, là vốn cho vay kinh doanh thương mại dịch vụ ngắn hạn cuối năm, cùng với đó quý 4 cũng thường là kỳ quyết toán khoản công nợ với nhau giữa các DN, nhà sản xuất hoặc nhu cầu vốn chuẩn bị hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, thanh toán hàng nhập khẩu. Thứ hai, lĩnh vực cho vay tiêu dùng, ngay cả với những hàng xa xỉ như ô tô nhu cầu cuối năm bao giờ cũng cao hơn. Thứ ba, giải ngân cho các dự án, công trình thông thường cũng dồn vào cuối năm.

Kỳ vọng lãi suất giảm tiếp

Diễn biến tăng trưởng tín dụng những năm gần đây cho thấy, quý 4 là “mùa” của tăng trưởng tín dụng. Gần đây nhất, quý 4/2013 tín dụng đã tăng gần 4% so với quý trước. Trong khi đó, đối với diễn biến tín dụng năm nay, nếu cuối tháng 7 tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 3,68% thì đến ngày 24/10 tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế đã tăng trưởng 7,85% so với cuối năm 2013. Và chỉ hơn một tháng sau, tín dụng đã tăng thêm 2,37% để đạt con số trên (10,22%). Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2014 Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, tăng trưởng tín dụng tiếp tục được cải thiện, năm 2014 tăng trưởng tín dụng theo dự báo có khả năng đạt 13%, nằm trong mục tiêu đề ra đầu năm là khoảng 12- 14%.

Theo thông tin từ NHNN, đưa ra đầu tháng này, những ngày còn lại của năm 2014, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá. Bên cạnh đó là tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để phấn đấu đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12 - 14%, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tiếp tục triển khai các chương trình gắn kết tín dụng ngân hàng với chính sách ngành kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Trước tình hình các NH đều tìm mọi cách để đạt tăng trưởng tín dụng, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng việc tín dụng đạt mục tiêu kỳ vọng đưa ra không quan trọng bằng chất lượng tín dụng. “Không nên chạy theo chỉ tiêu tín dụng và cũng không quá kỳ vọng vào mục tiêu tín dụng tăng nhanh, mà quan trọng hơn chính là chất lượng khoản vay. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng phải đến được những địa chỉ đáng tin cậy, cụ thể là những lĩnh vực được ưu tiên”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Đồng tình quan điểm, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, năm 2015 là giai đoạn mà các DN Việt Nam phải tham gia hội nhập sâu rộng, do đó nhu cầu vốn trung dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất cũng khá cần thiết với các DN trong thời điểm hiện nay. Chính vì thế, các NH cần hạ thêm lãi suất cho vay trung và dài hạn, bởi lãi suất hiện nay vẫn còn ở mức tương đối cao, chưa thực sự kích thích các DN tốt vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh; trong khi các DN nhỏ và vừa có nhu cầu thì không đáp ứng được điều kiện nên khó tiếp cận vốn. "Cần có gói hỗ trợ lãi suất cũng như sự bảo lãnh để các DN dễ dàng tiếp cận vốn hơn nữa", ông Hưng đề xuất.

Đức Kiên - Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN