Đề án Nâng cao chất lượng tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hậu Giang được triển khai từ tháng 7/2012, đến nay hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như việc cho vay tín dụng đã được cải thiện đáng kể, nhiều hộ nghèo đã phấn đấu thực hiện các mô hình làm ăn hiệu quả, nâng cao đời sống kinh tế gia đình từ nguồn vốn được vay. Đến thời điểm này, Hậu Giang đang phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách, đã giảm được 2% tỷ lệ hộ nghèo và 1,5% hộ cận nghèo so với năm 2013.
Trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hậu Giang. |
Phòng Giao dịch huyện Phụng Hiệp là nơi đã có nhiều giải pháp hay nhằm đẩy mạnh chất lượng tín dụng chính sách, góp phần nâng cao đời sống kinh tế các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nếu trước đây tổ tiết kiệm và vay vốn phân chia theo ấp nên hoạt động của tổ gặp khó khăn do địa bàn rộng, nhà dân phân tán rải rác, việc thu lãi rất khó khăn. Nay Phòng Giao dịch huyện đã thực hiện việc sắp xếp tổ theo hướng liền canh liền cư nên việc họp tổ dễ dàng hơn, việc thu lãi và thu hồi vốn cũng nhanh hơn nhiều lần so với trước.
Bên cạnh việc tổ chức cho cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch đến tận từng xã thu lãi và thu hồi vốn định kỳ hàng tháng nhằm giảm chi phí đi lại cho người dân; đồng thời kết hợp với hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn để đến tận nhà dân thu hồi nợ và hướng dẫn người dân vay vốn thực hiện các mô hình làm ăn phù hợp. Những giải pháp này đã nâng cao hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn. Nếu trước đây trong hơn 460 tổ của huyện chỉ có 22% đạt loại tốt thì hiện nay có đến 70% tổ đạt loại tốt, nợ xấu từ mức 9,37 giảm còn 0,61%. Người dân đã sử dụng vốn thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả như trồng cam sành, xoài, nhãn, nuôi ba ba, bồ câu, cá thát lát... Các hộ cũng đã ý thức hơn trong việc trả lãi định kỳ và hoàn vốn đúng thời hạn để tạo điều kiện cho các hộ khác được vay vốn làm ăn.
Ông Lê Minh Thơ ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp trước đây trồng quýt đường trên diện tích 4.000 m2 nhưng do vườn lâu năm nên không mang lại hiệu quả kinh tế, thiếu vốn cải tạo vườn, ông đã vay 10 triệu đồng từ nguồn tín dụng chính sách để cải tạo vườn trồng mới cam sành, bưởi năm roi. Nhờ chọn cây trồng phù hợp và tích lũy kinh nghiệm làm vườn, ông đạt thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm từ cam, bưởi. Từ hiệu quả này, ông trả lãi đúng định kỳ và hoàn vốn trước thời hạn. Theo ông Lê Minh Thơ, người dân cần sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả để thay đổi đời sống kinh tế, cần có ý thức trả lãi và hoàn vốn đúng hạn để tạo điều kiện cho các hộ khó khăn khác có điều kiện vay vốn làm ăn.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành, Phạm Thị Trúc Liên chia sẻ: Năm 2014, toàn xã có hơn 1.100 hộ được vay từ nguồn vốn tín dụng chính sách, trong đó 54 hộ nghèo sử dụng nguồn vốn vay thực hiện mô hình làm ăn hiệu quả và đã thoát nghèo bền vững. Xã đã kết hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã và tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn tư vấn cụ thể mô hình làm ăn phù hợp cho các hộ có nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách. Việc sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả của người dân cũng đã góp phần hỗ trợ xã thực hiện tốt các tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập, phương thức sản xuất... trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Bình Thành.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hậu Giang, Nguyễn Thanh Triều cho biết: Qua hơn 2 năm thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, chi nhánh đã đạt được nhiều kết quả khả quan như việc tổ chức tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng liền canh, liền cư đã giúp cho hoạt động của tổ đạt hiệu quả cao hơn; 69% trong tổng số hơn 2.300 tổ toàn tỉnh được xếp loại tốt, chỉ còn 4/74 xã, phường thị trấn có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%. Bên cạnh đó, chi nhánh đã tích cực tạo điều kiện cho nhiều trường hợp được vay vốn chính sách xã hội để học tập, thực hiện các mô hình làm ăn, kinh doanh, sản xuất, trong đó nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo bền vững, một số hộ có mô hình ổn định trở nên khá giả.
Trong thời gian tới, chi nhánh sẽ tranh thủ các nguồn vốn và giải ngân kịp thời, đúng đối tượng để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và các chương trình cho vay phục vụ mục tiêu an sinh xã hội, nâng cao đời sống hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn vay từ khâu bình xét công khai đến quá trình sử dụng vốn của hộ vay để phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách.
Bài và ảnh: Nguyễn Xuân Dự