Tìm đầu ra cho lúa gạo vùng Đồng Tháp Mười - Bài 1: Hình thành những vùng liên kết sản xuất lúa lớn

Tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm ba tỉnh: Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang có tiềm năng và thế mạnh về sản xuất nông nghiệp mà đặc biệt là lúa gạo. Với tổng diện tích canh tác trên 1 triệu ha, mỗi năm sản lượng lúa của ba tỉnh đạt trên 6,3 triệu tấn lúa hàng hóa.

Cũng giống như các địa phương khác tại đồng bằng sông Cửu Long, trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019, nông dân các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười lao đao, mất ăn mất ngủ bởi hệ lụy lúa giảm giá, thương lái không mua.

Nhiều nơi, lúa chín đỏ đồng, thất thoát lớn, thu nhập nông dân bấp bênh. Đây không phải là hiện tượng nhất thời mà trong quá khứ điệp khúc “trúng mùa, mất giá” từng tái đi tái lại nhiều lần khiến Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương phải khẩn trương “giải cứu”.

Trước tình hình trên, là những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp hệ lụy “trúng mùa, mất giá”, các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang đã khẩn trương có những giải pháp cấp thiết nhằm chung tay giải quyết đầu ra cho hạt gạo hàng hóa, giúp nông dân an tâm ổn định sản xuất và nông nghiệp, nông thôn đổi mới mạnh mẽ và bền vững.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa hè thu ở xã Vĩnh Hạnh, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN phát

Tổ chức lại sản xuất, hình thành những cánh đồng lớn

Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp tập trung tổ chức lại sản xuất, hình thành những cánh đồng lớn, chủ lực là các hợp tác xã huy động thành viên tập trung lại diện tích sản xuất lúa, áp dụng sạ cùng loại giống, sạ đồng loạt, áp dụng các biện pháp giảm giá thành, tăng lợi nhuận mặt hàng lúa gạo so quy trình sản xuất cũ.

Diện tích gieo trồng lúa cả năm ở tỉnh Đồng Tháp hơn 520.000 ha, sản lượng bình quân đạt 3,32 triệu tấn, giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo hơn 15 ngàn tỷ đồng. Tỉnh Đồng Tháp đã hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ thông qua Hợp tác xã và Tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững.

Bình quân mỗi hợp tác xã ở Đồng Tháp có quy mô cánh đồng từ 100 ha đến 1.000 ha. Tại hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ lúa với quy mô 300 ha hay Hợp tác xã Tân Cường, huyện Tam Nông hơn 1.500 ha, qua liên kết của các công ty, doanh nghiệp với hợp tác xã mua lúa cao hơn ngoài mô hình 200 đồng/kg lúa.

Ở huyện Hồng Ngự có mô hình liên kết tiêu thụ lúa với hơn 7.000 ha là một trong những huyện có liên kết nhiều, hướng sản xuất theo chuỗi giá hàng hóa. Mô hình này giúp cho nông dân tăng sản lượng, tăng lợi nhuận bình quân từ 3-4 triệu đồng/ha /vụ so với mô hình sản xuất truyền thống.

 Ông Nguyễn Văn Trãi - Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Cường cho biết, Hợp tác xã xây dựng được hệ thống trạm bơm, đê bao, cống đập phân vùng khép kín đồng bộ toàn cánh đồng bằng bơm điện, chủ động tưới, tiêu cho toàn bộ diện tích đất sản xuất lúa.

Năm 2019 Hợp tác xã phát triển theo mô hình cánh đồng lớn, có tổng diện tích là 1.500 ha đều phục vụ bằng hệ thống bơm điện, áp dụng cơ giới hóa và lúa được bao tiêu.

Nhờ vậy, các thành viên hợp tác xã an tâm sản xuất và đưa sản phẩm nối kết thị trường, tránh tình trạng được mùa mất giá, Hợp tác xã đã hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa chất lượng cao cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Công ty Lương thực Đồng Tháp luôn hướng tới việc xây dựng mối liên kết bền vững với những cánh đồng lớn. Ông Trần Tấn Đức - Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp cho biết, để phát triển thị trường xuất khẩu gạo bền vững, nhất thiết phải giảm “lượng”, tăng “chất” bằng cách nâng cao chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, sản xuất theo hướng an toàn.

 Hơn 3 năm qua, Công ty Lương thực Đồng Tháp luôn hướng tới việc xây dựng mối liên kết bền vững, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người nông dân, xây dựng quan hệ hợp tác và cùng phát triển.

Công ty Lương thực Đồng Tháp đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất thông qua xây dựng mô hình liên kết sản xuất, gắn sản xuất và tiêu thụ với những cánh đồng lớn. Cụ thể, từ năm 2015-2017, Công ty Lương thực Đồng Tháp đã ký hợp đồng liên kết với diện tích 6.909 ha, thu mua được 29.635 tấn lúa tươi với doanh số mua đạt trên 150 tỷ đồng.

 Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, diện tích thực hiện liên kết tiêu thụ tăng lên theo từng năm, từ năm 2011 chỉ có 2.390 ha, đến năm 2012 tăng lên 17.127 ha và tăng dần theo từng năm, đến năm 2016 là 99.903 ha, năm 2018 diện tích thực hiện liên kết tiêu thụ là 51.125 ha.

Ông Công cho biết thêm, trong thời gian qua, các công ty, doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa với 6 hình thức: Đầu tư giống, vật tư và tiêu thụ lúa; Đầu tư giống và tiêu thụ lúa; Đầu tư thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ lúa; Đầu tư vốn – tiêu thụ lúa; Không đầu tư - tiêu thụ lúa và Đấu giá bán để tiêu thụ lúa.

 Các công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ lúa trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, năm 2018 có 90 công ty, doanh nghiệp tham gia so với năm 2015 chỉ có 25 công ty, doanh nghiệp tham gia; trong đó, có một số công ty, doanh nghiệp có tiềm năng kinh tế lớn và chính sách đầu tư phù hợp nên việc thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ duy trì ổn định như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Giống cây trồng Miền Nam, Công ty Highland Dragon, Công ty TNHH MTV Hiếu Nhân, Công ty Đồng Tháp Mười và Doanh nghiệp tư nhân Hai Hiếu 18... Qua xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị lúa gạo giúp nông dân tăng thêm lợi  nhuận từ 3-4 triệu đồng/ha/vụ.

 Ở huyện Thanh Bình có Công ty TNHH Phương Minh là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của huyện đầu tư xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi lúa gạo an toàn. Anh Lê Phương Tân, Giám đốc Công ty TNHH Phương Minh cho biết, từ năm 2017 đến nay, công ty ký hợp đồng xây dựng chuỗi liên kết được 120 ha với 3 hợp tác xã và 30 hộ nông dân ở các xã Tân Long, Tân Bình và xã Tân Quới tham gia.

Khi tham gia liên kết với Công ty TNHH Phương Minh, bà con nông dân nhận được nhiều lợi ích. Công ty ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với giá tăng từ 150 - 200 đồng/kg so với ruộng lúa bên ngoài mô hình; nông dân được công ty đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tư vấn kỹ thuật trong quá trình sản xuất và chi phí này được khấu trừ khi tiến hành thu mua lúa.

Thực tế cho thấy, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp – Hợp tác xã - hộ nông dân vẫn được xem là hình thức tốt nhất. Tuy nhiên cần có sự hỗ trợ của các ban, ngành có liên quan có định hướng lâu dài cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung cũng như sản xuất liên kết tiêu thụ lúa nói riêng.

Quá trình sản xuất, liên kết và tiêu thụ lúa tại Đồng Tháp có những điểm thuận lợi: chính quyền, các ban, ngành tỉnh, huyện, xã tích cực kêu gọi các công ty, doanh nghiệp tham gia thực hiện liên kết tiêu thụ, tại các vùng nguyên liệu sản xuất lúa ở địa phương; huy động hệ thống chính trị các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở triển khai, tuyên truyền, vận động nông dân tham gia liên kết tiêu thụ lúa; giám sát, nắm tình hình thực hiện, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa công ty, doanh nghiệp và nông dân.

 Nông dân tham gia liên kết tiêu thụ lúa còn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật hiện đại trong sản xuất. Mô hình liên kết tiêu thụ thực hiện được thuận lợi; nông dân nhận thức được việc sản xuất lúa theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu tiêu thụ, chú ý đến phẩm chất lúa gạo và sản xuất sản phẩm an toàn.
 
Chính sách đầu tư của các công ty, doanh nghiệp cho nông dân khi liên kết sản xuất tiêu thụ có ứng trước vốn, vật tư, giống; việc ký hợp đồng với nông dân được thực hiện ngày càng chặt chẽ, uy tín; công ty, doanh nghiệp tạo điều kiện cho nông dân tham gia góp ý hợp đồng để đi đến đồng thuận cao; mua lúa với giá cao hơn giá lúa thị trường tại thời điểm tiêu thụ.

Thu hút nhiều nông dân tham gia

Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2019 tỉnh Đồng Tháp chú ý đến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi luá gạo an toàn đã và đang thu hút nhiều nông dân tham gia, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao xuất khẩu.

Qua mô hình liên kết, các địa phương đã tổ chức lại sản xuất theo quy trình an toàn theo tiêu chuẩn GAP, ứng dụng công nghệ cao và thực hiện cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, từ đó đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất từ 600 - 1.500 đồng/kg.

Tỉnh từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, đẩy mạnh kết nối hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người nông dân, bảo đảm chất lượng nông sản đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

 Ông Lê Minh Hoan - Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, quy mô hợp tác xã càng lớn, thành viên hợp tác xã càng nhiều, sẽ giúp giảm giá thành do lợi thế mua chung, tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán nhờ bán chung. Sản xuất chung một quy trình sẽ giúp tăng chất lượng nông sản.

Hợp tác xã không chỉ dừng lại là liên kết tiêu thụ nông sản cho các thành viên, mà phải tổ chức các hoạt động phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến trong một hay nhiều công đoạn nào đó của chuỗi ngành hàng.

Hợp tác xã không chỉ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, mà còn tổ chức các dịch vụ phi nông nghiệp, vừa mang lại nguồn thu cho Hợp tác xã, vừa hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên hợp tác xã và người dân nông thôn.

Như vậy, nông dân vừa thu về được lợi nhuận từ sản xuất và chuỗi giá trị gia tăng, đồng thời và quan trọng hơn, là lợi ích nhận được từ giảm được chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản.

Nguyễn Văn Trí (TTXVN)
Thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo - Bài cuối: Có chiến lược dài hơi 
Thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo - Bài cuối: Có chiến lược dài hơi 

Các ngành chức năng cần có một chiến lược dài hơi cho ngành lúa gạo và ở đó, những yếu kém của tư duy sản xuất cũ đã tồn tại hàng chục năm qua phải được nhìn nhận thẳng thắn. Đồng thời, các giải pháp để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững cũng phải được làm thật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN