Đồng thời, tiêu chuẩn đo lường chất lượng phù hợp, hài hòa với quốc tế, khu vực, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong hội nhập kinh tế - quốc tế. Thời gian qua, ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, góp phần ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân. TTXVN giới thiệu chùm 3 bài viết xung quanh vấn đề này.
Bài 1: Hệ thống tiêu chuẩn lớn mạnh - Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội
Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2021, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo định hướng mới, trong đó đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ ứng dụng, phát triển các công nghệ cao, phục vụ phát triển năng lượng quốc gia, tiêu chuẩn về môi trường, năng lượng tái tạo... theo hướng đồng bộ, có trình độ ngang bằng, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực bảo đảm phục vụ quản lý, trang bị kịp thời cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh, thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Hệ thống tiêu chuẩn "lớn mạnh"
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mới diễn ra, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng cơ bản hoàn chỉnh và đồng bộ, tạo nền tảng pháp lý để triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển trong cũng như sau dịch COVID-19.
Năm 2021, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, duy trì chế độ làm việc theo quy chế, phân công nhiệm vụ rõ ràng; từng bước đổi mới trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành; tăng cường giải quyết các vấn đề phát sinh, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Đặc biệt, Tổng cục đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) triển khai cơ chế một cửa quốc gia đối với các thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ, duy trì 6 thủ tục hành chính kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Năm 2021, tuy dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng công tác quản lý nhà nước được thực hiện trong điều kiện "thích ứng với dịch" và an toàn trong tình hình mới, cùng với đó, sự hỗ trợ đắc lực các chương trình nâng cao năng suất chất lượng… đưa công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp từ trung ương đến địa phương với sự tham gia có hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.
Trong năm 2021, công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được chú trọng, với 61 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về trang thiết bị y tế được công bố, trong đó có nhiều TCVN quan trọng về khẩu trang, găng tay y tế, áo choàng y tế… 2 TCVN về hệ thống quản lý và địa chỉ tải miễn phí các tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC, ASTM, EN và một số tiêu chuẩn quốc gia khác như: Mỹ (ANSI), Úc (AS)… trong lĩnh vực trang thiết bị y tế để phục vụ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về các lĩnh vực năng lượng tái tạo, sản xuất thông minh, phát triển công nghiệp vật liệu... cũng được sửa đổi, xây dựng để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh: Tổng cục đã chủ động hướng dẫn và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực, hàng hóa chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần cho phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với các yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam cam kết và tham gia thực hiện (WTO/TBT, EVFTA, CPTPP…). Đồng thời, tham mưu Bộ Khoa học và Công nghệ góp ý, thẩm định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) của các bộ quản lý chuyên ngành đảm bảo công tác quản lý nhà nước và hạn chế các rào cản, thủ tục hành chính, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Tổng cục đã tiếp nhận, thẩm định, trình công bố 389 TCVN; tiếp nhận, thẩm tra và thẩm định 39 dự thảo QCVN của các bộ, ngành xây dựng; hướng dẫn, góp ý 25 quy chuẩn kỹ thuật địa phương góp phần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế, năng suất chất lượng, nâng cao năng lực doanh nghiệp, tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn.
Nâng cao quản lý, giảm chi phí cho doanh nghiệp
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng buôn lậu, gian lận về chất lượng xăng dầu diễn biến quy mô rộng và phức tạp, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận, lợi dụng chính sách hậu kiểm để nhập khẩu hàng kém chất lượng (dầu nhờn động cơ, mũ bảo hiểm,…) đưa ra lưu thông. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bên cạnh việc tiến hành kiểm tra trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường theo kế hoạch, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt thực hiện khảo sát trực tuyến qua các website và trang mạng xã hội. Theo đó, đối với chất lượng hàng hóa lưu thông, sử dụng và trong sản xuất đã khảo sát, kiểm tra đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với các mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và các mặt hàng khác có nguy cơ mất an toàn. Tổng cục đã tiến hành kiểm tra, khảo sát 361 cơ sở (trong đó khảo sát 217 cơ sở, kiểm tra trực tiếp là 144 cơ sở, giảm 22% so với năm 2020) kinh doanh vàng trang sức, thực phẩm, xăng dầu..., kết quả khảo sát trực tuyến là căn cứ để kiểm tra trên thị trường. Tổng số mẫu khảo sát, kiểm tra hơn 2.165 mẫu, kết quả có 1.180/2.165 mẫu không đủ thông tin ghi nhãn hàng hóa, dấu CR (hợp quy); tổng số mẫu thử nghiệm là 192 mẫu, kết quả có 41/142 mẫu không đạt.
Về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, Tổng cục đã thực hiện kiểm tra nhà nước tổng số 3.463 hồ sơ (tương đương 5.741 lô, tăng 33% so với năm 2020) xăng, dầu DO, LPG, dầu nhờn động cơ đốt trong, với tổng khối lượng hơn 7,3 triệu tấn (xăng, dầu, LPG) và 45,2 triệu lít dầu nhờn động cơ đốt trong. Việc thực hiện tiếp nhận đăng ký và ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng, dầu, LPG, dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu được thực hiện gần 100% trên hệ thống một cửa quốc gia. Riêng đối với thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ với hơn 88.000 lượt hồ sơ được giải quyết trong năm 2021 đã góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí cho doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và chỉ số cải cách hành chính của Bộ.
Cùng với quản lý chất lượng, năm 2021, công tác đo lường cũng được quan tâm, hệ thống quản lý về đo lường được hoàn thiện và thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tổng cục thực hiện việc quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 159 lượt đơn vị; chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 128 lượt đơn vị; chứng nhận chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 cho 158 lượt đơn vị; chứng nhận, cấp 1.224 thẻ kiểm định viên đo lường; phê duyệt 4.094 mẫu phương tiện đo nhập khẩu, sản xuất trong nước (tăng 19% so với năm 2020); hướng dẫn hơn 460 tổ chức, cá nhân liên quan đến thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo, cách ghi định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn, đăng ký và chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường...
Đồng thời, Tổng cục tiếp tục thực hiện đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm giảm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt” trong “trạng thái bình thường mới.
Đề án 100 về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Chương trình 1322 về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định 36/QĐ-TTg về kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định 19/QĐ-TTg về xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Bài 2 - Truy xuất nguồn gốc, xu thế tất yếu