Tiếp sức để hội nhập kinh tế thành công trong giai đoạn mới

Tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017: Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới được tổ chức ngày 20/12, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam không còn ở trong giai đoạn mở cửa mà đã chính thức bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng và toàn diện.

Tuy nhiên, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn tiếp tục là xu thế lớn của thời đại toàn cầu hoá và tiếp tục phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với mức độ cam kết ngày càng cao. Do vậy, trên tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam rất cần quyết tâm cao và sự nỗ lực của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Hệ quả tất yếu

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế sau 10 năm gia nhập WTO, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổng thư ký Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết: Giai đoạn 2007-2017 chứng kiến nỗ lực thực thi cam kết WTO và một loạt FTA có trình độ/yêu cầu đa dạng phù hợp với năng lực của nhiều nhóm doanh nghiệp.

Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 10 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Các đối tác đang cùng thực thi các hiệp định này bao gồm các nước ASEAN, 6 đối tác khu vực Đông và Nam Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand), Chile và các nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu.

Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với EU, cùng các nước ASEAN ký Hiệp định thương mại tự do với Hong Kong (Trung Quốc). Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác toàn diện và tiên tiến xuyên Thái Bình Dương (TPP gồm 11 nước), các hiệp định với Israel, Thụy Sỹ…. Xấp xỉ 60 nền kinh tế đã và đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, bao gồm các đối tác thương mại chủ chốt nắm giữ khoảng 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bức tranh tổng thể về các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam cho thấy mức độ hội nhập sâu sắc của kinh tế Việt Nam vào kinh tế thế giới. Nếu có sự chuẩn bị phù hợp môi trường kinh doanh và chính sách, Việt Nam có cơ hội đón nhận và tận dụng hiệu quả các lợi ích từ các hiệp định, qua đó tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường đầy tiềm năng này.

Trái lại, nếu thiếu sự phối hợp, chuẩn bị từ các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, không những cơ hội bỏ lỡ mà Việt Nam còn phải chịu thua thiệt trên chính sân nhà khi mở cửa thị trường theo các cam kết. Bởi tham gia các hiệp định thương mại tự do Việt Nam chấp nhận một cuộc chơi sòng phẳng với các nền kinh tế có trình độ phát triển cao hơn.

Thông thường, ưu đãi duy nhất Việt Nam được hưởng với tư cách nước đang phát triển chỉ là một khoảng thời gian ân hạn từ 5 - 10 năm tuỳ theo mặt hàng. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, đó là cơ hội duy nhất để Việt Nam tận dụng cải cách nâng cao năng lực. Sau thời gian này, Việt Nam sẽ cùng chơi trên một sân chơi chung với các đối thủ hơn về đẳng cấp và thể lực.

Thống kê từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, giai đoạn 2007-2017 xuất khẩu hàng hóa giữ xu hướng tăng, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân ước đạt 16,6%/năm. Dù thấp hơn so với giai đoạn 2000-2006 (19,4%/năm), song mức tăng trưởng này vẫn rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới hứng chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh-Phó Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành quốc tế về kinh tế nhấn mạnh, nhờ từng bước thực hiện hiệu quả việc hội nhập kinh tế quốc tế, môi trường kinh tế vĩ mô ngày càng thuận lợi hơn cho việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Măc dù phụ thuộc nhiều vào biến động nhanh và mạnh trên thị trường thế giới  nhưng lạm phát đã duy trì ở mức ổn định, hợp lý. Tăng trưởng kinh tế đã phục hồi vững chắc hơn trong những năm gần đây.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta tăng mạnh kể từ năm 2007, qua đó bổ sung đáng kể nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn từ đầu năm 2007 đến tháng 11/2017 có hơn 18 nghìn dự án được cấp phép mới, tương đương 2,2 lần số dự án trong cả giai đoạn 1988-2006. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm từ năm 2007 đến nay đạt 296,4 tỷ USD, bằng 3,8 lần so với giai đoạn trước WTO.

Kết quả này có nguyên nhân quan trọng từ gia tăng cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài từ các FTA mà Việt Nam đã, đang đàm phán và thực hiện, cũng như những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương.

Tạo đòn bẩy phát triển

Đại sứ EU tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore về độ mở nền kinh tế và đã trở thành đối tác lớn của EU. Những FTA sẽ giúp cải thiện chất lượng kinh tế trong tương lai và tăng trưởng bền vững. Tuy vậy, Việt Nam vẫn cần phải hoạch định những chính sách cụ thể để giảm phụ thuộc nước ngoài và tận hưởng các lợi thế từ quốc tế.

Theo đó, thời gian tới, Việt Nam cần có những chiến lược tập trung vào việc đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm. Bởi, chỉ khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đầy đủ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn vào thị trường EU thì mới có thể yên tâm bước chân vào tất cả các quốc gia trên thế giới.


Đại diện cho doanh nghiệp trong việc tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức khi thực thi các FTA, ông Lê Tiến Trường-Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ, việc tham dự sâu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam và doanh nghiệp dệt may trong việc đàm phán các FTA đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp dệt may tận dụng được cơ hội, tăng cường thị phần tại các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Theo ông Lê Tiến Trường, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, ngành dệt may mong muốn thúc đẩy các Hiệp định có hiệu lực để từ đó nâng cao chất lượng tham vấn của doanh nghiệp trong đàm phán các FTA. Bên cạnh đó, xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, năm 2018 là một thời điểm bước ngoặt hết sức quan trọng trong lộ trình thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam bắt đầu thực hiện đầy đủ các cam kết cắt giảm thuế đối với 98% biểu thuế (trừ mặt hàng xăng dầu đến năm 2024 thuế suất mới giảm xuống 0%). Với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… đây cũng là thời điểm hết thời hạn chuyển đổi và bắt đầu phải thực hiện cắt giảm thuế với các mặt hàng Danh mục nhạy cảm. Bởi vậy, bên cạnh việc đàm phán các hiệp định mới, việc điều phối để thực thi hiệu quả các hiệp định đã ký kết có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam sẽ tập trung phát huy nội lực nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là đòn bẩy tạo ra những hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài để doanh nghiệp thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập toàn diện mà động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các đơn vị chú ý gắn việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế luật pháp, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mặt khác, xây dựng các chính sách, cơ chế phù hợp để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập nhằm tiếp sức cho hội nhập kinh tế phát triển bền vững.

Uyên Hương (TTXVN)
Gắn việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình cải cách
Gắn việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình cải cách

Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới”, do Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức đã khai mạc sáng 20/12, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN