Gồng gánh nhiều loại phí
Trong phúc đáp Công văn số 3434/TCT-DNNCN về việc Khảo sát thông tin dữ liệu cung cấp thông tin của các sàn TMĐT mới đây, đại diện VECOM cho biết, trong thời gian dài nghiên cứu và đồng hành với các sàn TMĐT, VECOM đánh giá các sàn là động lực quan trọng nhất góp phần phát triển TMĐT Việt Nam, góp phần đắc lực cho công cuộc chuyển đổi số, tạo ra hàng triệu việc làm mỗi năm và đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách nhà nước thông qua các loại thuế. Tuy nhiên, hoạt động của các sàn còn rất khó khăn, đòi hỏi đầu tư lớn, chi phí hoạt động cao nhưng hầu hết vẫn đang lỗ, kể cả các thương hiệu TMĐT lớn nhất tại Việt Nam như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo…
Theo lý giải của các sàn TMĐT, nguyên nhân lỗ là do lợi nhuận không cao. Để thu hút khách hàng, các trang TMĐT này đều đưa ra một mức khuyến mãi hấp dẫn, do vậy biên độ lợi nhuận nhìn chung chỉ từ 5 - 10%, thậm chí còn thấp hơn.
Bên cạnh đó, cuộc đua TMĐT tại Việt Nam hiện đang rất khốc liệt nhằm cạnh tranh thị phần, có thể thấy rõ là các cuộc đua “ngày lễ hội sale” diễn ra mỗi tháng. Dù kết quả kinh doanh như thế nào thì các doanh nghiệp này đều phải chi những khoản rất "khủng" cho hệ thống vận hành, các loại chi phí quảng cáo truyền thông, tiếp thị bán hàng.
Ngoài ra, số lượng sàn TMĐT ngày càng tăng nhưng khách hàng thì ít đi, miếng bánh thị phần bị chia nhỏ, tiền thì vẫn “đốt” dẫn đến lợi nhuận thấp.
Ngoài ra, theo đại diện sàn TMĐT Tiki, bên cạnh các cuộc đua "đốt" tiền giành thị phần thì hạ tầng logistics ở Việt Nam vẫn còn yếu kém. Điều này khiến chi phí logistics trên mỗi sản phẩm khá cao. Theo thống kê của Công ty nghiên cứu Armstrong & Associates (Hoa Kỳ), chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP (trong khi mức bình quân toàn cầu là 14%). Chi phí vận tải ở Việt Nam hiện cũng quá cao, tương đương 30 - 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này vô tình tạo thêm áp lực cho các sàn TMĐT trong việc nỗ lực giảm chi phí.
Một điểm nữa là do vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn còn rất nhức nhối. Một phần do người tiêu dùng còn lo ngại về việc thanh toán trực tuyến, hầu hết đều chọn phương án thanh toán COD (giao hàng thu tiền hộ), khiến chi phí sản phẩm tăng thêm, gây ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa trên sàn TMĐT.
Ông Vũ Đức Thịnh, Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam cho biết, mục tiêu của các sàn TMĐT là thu hút nhiều nhà bán hàng, phát triển hệ sinh thái TMĐT, thúc đẩy thị trường phát triển bền vững chứ không chỉ là thu phí các nhà bán lẻ.
“Các chi phí logistics, thanh toán, thu tiền hộ… mà các sàn đang tính cho các nhà bán hàng đều dựa trên chi phí phát sinh thực tế mà các sàn phải chịu. Thậm chí, trong rất nhiều trường hợp, các sàn phải bù lỗ các phần chi phí đó. Đó là lý do tại sao sau mỗi kì báo cáo tài chính, các sàn TMĐT đều báo lỗ rất lớn”, ông Thịnh cho hay.
Đó cũng là lý do, dù bị lỗ nhưng rất nhiều sàn TMĐT vẫn cho xây dựng các đơn vị Logistics ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm cải tiến chuỗi cung ứng để giảm chi phí vận hành như Tiki, Lazada, Shopee…
Khó thu thuế sàn TMĐT
Thống kê hiện nay, Việt Nam hiện có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, trong đó có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài. Hiện số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.
Trước việc các sàn TMĐT tại Việt Nam ngày càng phát triển và mở rộng thị phần tại Việt Nam, các cơ quan quản lý thuế càng gặp nhiều khó khăn trong việc chống thất thu thuế trên các sàn TMĐT. Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã chỉ ra 5 khó khăn khi thu thuế TMĐT.
Thứ nhất, trong điều kiện nền kinh số, các tổ chức, cá nhân có thể tiến hành hoạt động kinh doanh xuyên biên giới mà không thuộc đối tượng đánh thuế của bất kỳ quốc gia nào dựa theo nguyên tắc quản lý thuế truyền thống. Theo đó, các quốc gia đều căn cứ trên sự hiện diện vật chất của người nộp thuế trong khi doanh nghiệp, cá nhân có thể vận dụng các quy định để phân bổ thu nhập về địa điểm có lợi nhất về thuế theo quy định của từng nước.
Thứ hai, khó khăn trong việc xác định được căn cứ tính thuế. Trên môi trường số, các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện thông qua website hiện diện trên môi trường số cho một khu vực thị trường nào đó mà không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế tại một nước hay một địa bàn cụ thể. Hay nói cách khác, “sự hiện diện trong không gian số” không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế hiện hành mà đang căn cứ chủ yếu vào “sự hiện diện vật chất” của tổ chức kinh doanh hay người nộp thuế. Điển hình cho hoạt động này là quảng cáo trực tuyến và các hoạt động tương tác thông qua nền tảng các mạng xã hội.
Thứ ba, khó phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế cũng là một khó khăn lớn. Trong nền kinh tế số, rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ hay doanh thu hàng hóa thông thường. Ngoài ra, mô hình kinh tế chia sẻ cũng đặt ra nhiều câu hỏi trong việc xác định ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh làm căn cứ tính thuế giá trị gia tăng, nghĩa vụ khai thuế.
Thứ tư, khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Do chủ thể kinh doanh TMĐT không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch TMĐT và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.
Thứ năm, khó trong việc kiểm soát dòng tiền. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế số thì những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất đa dạng. Ở Việt Nam, việc kiểm soát giao dịch kinh doanh TMĐT trong nước khó khăn hơn khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Để quản lý thuế các các doanh nghiệp và nhà bán hàng trên sàn TMĐT, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 40, quy định các sàn TMĐT phải kê khai và nộp thuế thay cho các cá nhân bán hàng. Trước đó, Luật Quản lý thuế số 38 cùng một số thông tư ban hành kể từ năm 2020 đã bổ sung nhiều quy định liên quan đến quản lý thuế đối với các hoạt động TMĐT.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ doanh nghiệp nhỏ cá nhân (Tổng cục Thuế), xét về tổng thể, việc quy định sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn là phương án tối ưu trong việc quản lý thuế hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, tránh trốn thuế, gian lận thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, quy định này đã gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Các sàn TMĐT cho rằng sẽ làm tăng chi phí tuân thủ khi phải đầu tư về cả hạ tầng, nhân lực để xác định, phân loại và số thuế cần nộp, hay không thể kiểm soát, thông tin về doanh thu của doanh nghiệp do chỉ là nền tảng kết nối…
Đại diện VECOM cho rằng, hiện phương án cung cấp thông tin theo phương thức điện tử là hợp lý, điều này thuận tiện cho cơ quan thuế quản lý thuế và thuận tiện cho hoạt động kinh doanh thông suốt của các sàn. Tuy nhiên, việc báo cáo, cung cấp thông tin cần ở mức hợp lý, bám sát quy định pháp luật hiện hành, không vượt quá quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp sàn TMĐT, đảm bảo đúng nguyên tắc “tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của sàn giao dịch TMĐT” theo khoản 4 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC.
Ngoài ra, với những khoản lỗ “có trong kế hoạch” của các sàn TMĐT, VECOM đề nghị Tổng cục Thuế và các cơ quan quản lý nhà nước lưu ý và giảm tối đa các gánh nặng chi phí, gánh nặng tuân thủ, tạo điều kiện cho các sàn TMĐT phát triển. Khi đó, cả TMĐT và nền kinh tế được hưởng lợi, đồng thời nguồn thu thuế cũng tăng và ổn định.