Tổ chức tuyên truyền hiệu quả pháp luật về đất đai bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo điều kiện để đưa Luật Đất đai vào cuộc sống. Tuy vậy, vẫn còn nhiều "lỗ hổng" khiến hiệu quả thực tiễn của Luật chưa đạt như mong muốn. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, trong đó Bình Thuận là một tỉnh có lợi thế, tiềm năng về du lịch.
Sai phạm có hệ thống trong chuyển mục đích sử dụng đất
Kết luận thanh tra số 1696/KL-UBND ngày 16/5/2019 về Công tác quản lý Nhà nước về quản lý đất đai, quy hoạch đô thị tại địa bàn thành phố Phan Thiết cho thấy: UBND thành phố Phan Thiết từ đầu năm 2016 đến tháng 9/2018 có quyết định cho 139 thửa đất với tổng diện tích 176.815,8 m2 (năm 2016 diện tích 49.341,5 m2, năm 2017 diện tích 73.008,5 m2, năm 2018 diện tích 54.465,8 m2) chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, cây lâu năm sang đất ở nông thôn trên địa bàn xã Tiến Lợi, xã Thiện Nghiệp, xã Phong Nẫm không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được UBND tỉnh phê duyệt, làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai (Điều 52 Luật Đất đai năm 2013).
Hơn nữa, Sở Tài nguyên và Môi trường khi cho tách thửa đất ở nông thôn không kiểm tra việc UBND thành phố Phan Thiết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn, nên không phát hiện việc UBND thành phố Phan Thiết cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn trái quy định, dẫn đến các hộ gia đình, cá nhân lợi dụng việc cơ quan có thẩm quyền cho tách thửa đất ở trên diện tích được chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định; phân lô nền đất, thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở nông thôn (nền đất ở) rất nhiều trên địa bàn các xã: Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi. Các cá nhân chuyển nhượng đất ở nộp tiền sử dụng đất thấp hơn so với quy định, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, trường hợp của ông Phạm Hòa Trung ở Khu phố 6, phường Đức Long, thành phố Phan Thiết, mặc dù ngày 12/2/2018, UBND thành phố Phan Thiết có văn bản xác định vị trí lô đất xin tách thửa của ông Trung nằm trong quy hoạch trồng cây công nghiệp, tạm thời chưa thống nhất cho tách thửa. Nhưng chỉ sau một ngày (ngày 13/2/2018), Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn ký cho tách 11 thửa đất ở với diện tích 9.783,5 m2 và đến tháng 3 năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ký cho tách thành 90 thửa đất ở (mỗi thửa 100 m2 trở lên) trên diện tích chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn trái quy định, tạo điều kiện để ông Trung chuyển nhượng hết các thửa đất ở nông thôn. Các hộ gia đình, cá nhân được cho tách thửa trái quy định, phân lô bán nền đất thu lợi bất chính, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Giải trình về vấn đề này, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết: Việc cho phép hộ gia đình, cá nhân hợp thửa, tách thửa không đúng quy định nêu trên có nguyên nhân khách quan. Từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh được thành lập và tiếp nhận hệ thống Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (trước đây trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện) trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, do đó hệ thống tổ chức bộ máy Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở phân bố rộng trên toàn tỉnh (mỗi huyện có 1 Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai) nên việc quản lý, chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Sở gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Hơn nữa, việc làm trái các quy định pháp luật nêu trên là sai phạm có hệ thống của các cơ quan có liên quan trong việc tham mưu cho chuyển mục đích sử dụng đất, xác định vị trí thửa đất, phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, tính nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất; tách thửa đất ở nông thôn.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn còn bị buông lỏng, việc xử lý các vi phạm trong sử dụng đất đai, trật tự xây dựng chưa nghiêm. Nhiều điểm dân cư tạo mới trên địa bàn 3 xã Thiện Nghiệp, Tiến Lợi, Phong Nẫm đã xây dựng đường bê tông rộng 4-5m trên đất nông nghiệp nối từ đường của xã vào điểm dân cư tạo mới và nối với các tuyến đường nội bộ điểm dân cư tạo mới trái phép, không đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, không phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các xã, nhưng UBND thành phố Phan Thiết, UBND các xã không kiểm tra, xử lý các vi phạm theo quy định.
Cấp thiết sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Luật
Để giải quyết những vấn đề bất cập nêu trên, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét có điều chỉnh bổ sung Luật cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 52 Luật Đất đai năm 2013 về căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Vì nội dung tại Điều này chưa đủ chi tiết khi xử lý giao đất, cho thuê đất đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng ổn định, công nhận quyền sử dụng đất…
Đối với việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa linh hoạt qua các loại đất nông nghiệp khác thì Điều 58 Luật Đất đai 2013 nên sửa đổi, bổ sung việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích đất phi nông nghiệp đã có trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện được duyệt thì không phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ (tăng thẩm quyền quyết định của địa phương, giảm cơ chế xin cho). Đồng thời, nên bỏ nội dung điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại khoản 3 Điều này, bởi các điều kiện này đã được ràng buộc trong dự án đầu tư, việc đặt ra điều kiện này nhưng thành phần hồ sơ giao đất, cho thuê đất hiện nay theo hướng tinh gọn, cải cách thủ tục hành chính cho chủ đầu tư, gây khó khăn và vướng mắc trong việc tham mưu giải quyết hồ sơ đất đai cho các dự án đã được chấp thuận đầu tư.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013 theo hướng, người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi. Trường hợp có điều kiện về quỹ đất thì được xem xét để bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Nguyên nhân là do hiện nay quỹ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở tại các địa phương rất hạn chế nên việc bồi thường về đất được thực hiện chủ yếu bằng tiền; việc bồi thường bằng đất như thế nào Luật cũng chưa quy định rõ.
Ngoài ra, cần sửa đổi khoản 1 Điều 124 Luật Đất đai năm 2013 bởi hiện nay đất trồng cây hàng năm khác (không phải đất trồng lúa) có cơ chế sử dụng và mục đích sử dụng đất khá tương đồng với đất trồng cây lâu năm, người dân trong quá trình canh tác chuyển đổi qua lại, canh tác đan xen giữa hai loại đất này (theo quy định hiện hành không phải đăng ký và xin phép chuyển mục đích sử dụng đất). Do đó, việc quy định hạn mức đất trồng cây hàng năm khác không quá 2 ha là khá thấp so với hạn mức giao đất trồng cây lâu năm (10 ha). Người dân có ý kiến, kiến nghị rất nhiều trong việc công nhận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, giúp đỡ tư vấn, đặc biệc là tư vấn nước ngoài về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển đô thị theo hướng hiện đại, gắn với phát triển đô thị biển; tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế và trong nước có đủ tiềm lực kinh tế mạnh đầu tư vào thị trường bất động sản, nhằm thúc đẩy phát triển đô thị nói chung, cũng như lợi thế du lịch biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.