Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu NSNN từ đầu năm đến ngày 15/6 ước tính đạt 582,1 nghìn tỷ đồng, bằng 44,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa 462,7 nghìn tỷ đồng, bằng 42,1%; thu từ dầu thô 27 nghìn tỷ đồng, bằng 75,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 92 nghìn tỷ đồng, bằng 51,4%.
Đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN. |
Còn tổng chi NSNN ước tính đạt 586 nghìn tỷ đồng, bằng 38,5% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 416 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2%; chi trả nợ lãi 55,9 nghìn tỷ đồng, bằng 49,7%; riêng chi đầu tư phát triển mới bằng 27,8% dự toán năm tương ứng với 111,1 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định: Các khoản thu 6 tháng đầu năm là tích cực, nhưng các khoản thu từ sản xuất kinh doanh còn thấp. Thu từ 3 khu vực kinh tế dù tăng so với cùng kỳ, nhưng so với dự toán còn chưa cao. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp từ các ngân hàng: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank mới đạt 39% dự toán, từ các doanh nghiệp ngành viễn thông cũng chỉ đạt 34,3% dự toán. Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô thuộc khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đạt 36,8%...
Về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn NSNN, theo Bộ Tài chính, ước thanh toán 6 tháng đầu năm 2018 là hơn 130.013 tỷ đồng, đạt 32,53% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 33,85% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2017 đạt 25,59% kế hoạch Quốc hội giao và 29,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo Bộ Tài chính, việc giải ngân vốn của một số bộ, ngành, địa phương 6 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm và đạt cao hơn so với tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương có số giải ngân thấp: 35/56 bộ, ngành và 6/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2018 thấp hơn 25%. Cá biệt, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đến thời điểm này vẫn chưa giải ngân được đồng vốn nào. 15 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao (gần như chưa giải ngân với mức giải ngân rất thấp: 1,6% và 4,2%). Ngoài ra, một số bộ có số vốn kế hoạch lớn trong năm cũng giải ngân rất chậm khi “ghi danh” vào top 15 bộ ngành giải ngân thấp như: Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
Qua rà soát, một số dự án có kế hoạch vốn lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân bằng 0%, do nhiều nguyên nhân như: Dự án hiện đại hóa tín hiệu thông tin đường sắt các tuyến Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên và Khu đầu mối Hà Nội (Dự án tín hiệu thông tin 3 tuyến phía bắc và khu đầu mối Hà Nội) giai đoạn 2 được đăng ký kế hoạch vốn nước ngoài là 100 tỷ đồng, tuy nhiên hiện hiệp định vay của dự án không có hiệu lực; hay các dự án thuộc Đề án 125 của Bộ Y tế chưa tổ chức đấu thầu, nên giá trị thanh toán chưa đạt nhiều...
Để thúc tốc độ giải ngân, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục về phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu đối với các dự án hoặc hạng mục mới. Đối với các dự án phải điều chỉnh dự án đầu tư, các bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc để sớm hoàn thành thủ tục điều chỉnh dự án.
Không chi hết sẽ hủy bỏ dự toán
Nhận định về tình hình thu ngân sách thời gian qua, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, nếu so với dự toán, mức thu ngân sách như trên là chưa cao. Tuy nhiên, những tháng đầu năm, thu ngân sách cũng đã góp phần đảm bảo chi cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, chi cho an sinh xã hội. Từ nay tới cuối năm, bằng mọi nỗ lực, ngành tài chính phải hoàn thành chỉ tiêu, cố gắng đảm bảo nguồn thu, ít nhất so với dự toán nếu không sẽ không đáp ứng nguồn chi dẫn đến bội chi tăng cao.
"Trong cơ cấu chi, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn nên ngành tài chính phải đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN hướng tới hiệu quả, bền vững. Việc chi tiêu ngân sách tiết kiệm, hiệu quả phải đặt lên hàng đầu khi các nguồn thu dần hẹp lại; giảm chi thường xuyên, điều hành chặt chẽ, chi trong phạm vi dự toán", PGS,TS Ngô Trí Long nói.
Về tình trạng chấp hành kỷ luật NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận ở nhiều nơi, nhiều chỗ thực hiện chưa nghiêm túc. Vẫn còn tình trạng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn định mức, dự toán; nhiều công trình đội vốn cao, giải ngân vốn vay nước ngoài vượt kế hoạch, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn, thất thoát lãng phí còn xảy ra ở nhiều công trình. Vì vậy, ngành Tài chính sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo đúng chế độ chính sách trong phạm vi dự toán được giao.
"Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt chỉ đạo để triển khai giải ngân đúng dự toán, đúng chế độ quy định. Địa phương cần phấn đấu thu đạt và vượt dự toán để có thêm nguồn chi tiêu, trường hợp nguồn thu dự kiến giảm so với dự toán thì phải chủ động giữ lại 50% dự phòng ngân sách địa phương nhằm đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, cân đối các nguồn lực tại chỗ để chủ động bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương. Sau khi sử dụng các nguồn dự phòng, dự trữ mà vẫn không đủ bù đắp giảm thu thì phải chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi; trong đó cần chủ động cơ cấu lại chi đầu tư phát triển của địa phương", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.