Bộ Tài chính tăng chi Ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển

Chi tiêu ngân sách tiết kiệm đang là vấn đề nóng trong bối cảnh nguồn thu dần hẹp lại. Nhiều chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội không ít lần nhận định, bội chi vẫn tăng là do kỷ cương, kỷ luật có vấn đề.

Tính đến hết tháng 5/2018, tổng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 549.074 tỷ đồng, bằng khoảng 41,6% dự toán, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng chi cân đối NSNN ước đạt 526.600 tỷ đồng, bằng khoảng 34,6% dự toán, tăng 9,2%. Trong đó, chi thường xuyên chiếm tới 73,5% tổng chi. Dư luận vẫn lo ngại về mức chi thường xuyên, trả nợ lãi tăng, trong khi chi đầu tư lại giảm. Bên cạnh đó, kỷ luật ngân sách vẫn còn thực hiện lỏng lẻo.

Bộ phận một cửa Cục Hải quan Hà Nam Ninh. Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN.

“Đúng là tình trạng chấp hành kỷ luật NSNN ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm, kể cả ở Trung ương, địa phương, các cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp. Vấn đề siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính là nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn để siết chặt việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính trong lĩnh vực chi NSNN”, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cho hay.

Để khắc phục tình trạng lãng phí trong chi NSNN, thời gian qua Quốc hội đã ban hành nhiều luật có liên quan, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp và đơn vị trong quản lý ngân sách. Theo Bộ Tài chính, về cơ bản tình hình đã có những chuyển biến tích cực. Tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, theo Bộ Tài chính, năm 2017 cả nước đã tiết kiệm được 51.401 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm kinh phí, vốn của Nhà nước 47.945 tỷ đồng; tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp Nhà nước 3.456 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách vẫn còn là vấn đề xã hội bức xúc. Ngoài nguyên nhân do hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn bất cập, còn có nguyên nhân từ nhận thức, tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng kinh phí NSNN, tài sản công chưa cao.

Theo ông Hưng, dự toán chi NSNN năm 2018, cơ cấu chi đầu tư phát triển (ĐTPT) chiếm 26,2%, chi trả nợ lãi chiếm 7,39%, chi thường xuyên chiếm 61,76%. Theo thông lệ, những tháng đầu năm chi ĐTPT thường chậm (do các bộ, ngành, địa phương đang trong quá trình triển khai phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư cho các chủ đầu tư, đồng thời ảnh hưởng của tết Nguyên đán); chi thường xuyên (thanh toán lương, phụ cấp, trợ cấp xã hội và chi phục vụ hoạt động của các cơ quan đơn vị...) tương đối đều trong năm; chi trả nợ lãi theo tiến độ của các khoản nợ đến hạn.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thừa nhận: Nhu cầu chi trong những năm qua tương đối lớn, trong khi nguồn thu lại giảm. Giai đoạn 2006 - 2010 huy động vào ngân sách ở mức 28 - 29% GDP, đến thời điểm này còn khoảng 24% GDP, như vậy đã giảm 4 - 5% GDP. Nếu huy động bằng mức thời điểm giai đoạn 2006 - 2010 thì có khả năng đã cân bằng được ngân sách.

Trong khi đó, huy động từ xuất nhập khẩu (XNK) và dầu thô giảm, khoảng 11% những năm 2001 - 2005, giai đoạn 2006 - 2010 còn 7 - 8%, thì đến năm 2016 - 2020 chỉ khoảng 3%, như vậy đã hụt khoảng 5 - 7% GDP từ XNK và dầu thô, vì vậy phải bù lại từ thuế nội địa. Thuế nội địa tăng trên cơ sở nền tảng tăng trưởng kinh tế, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và đóng góp của người dân.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cơ cấu lại theo hướng tăng chi cho ĐTPT, giảm chi thường xuyên, điều hành chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; chi trong phạm vi dự toán... Cụ thể: Bộ Tài chính sẽ rà soát, sắp xếp, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, không hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, thu hồi về cho NSNN. Bên cạnh đó, các giải pháp về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, từng bước chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp của nhà nước sang cơ chế đặt hàng... sẽ được Bộ Tài chính tiếp tục triển khai để cơ cấu lại một bước chi NSNN.

Minh Phương/Báo Tin tức
Hà Nội thu ngân sách đạt cao
Hà Nội thu ngân sách đạt cao

Việc kinh tế của Thủ đô và cả nước đang có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực đã tác động tốt tới thu ngân sách của thành phố Hà Nội. Đến hết tháng 5/2018, tổng số thu ngân sách trên địa bàn Thủ đô là 90.249 tỷ đồng, đạt gần 38% dự toán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN