Thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững

Việc lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị lớn, nhằm bám sát thực tiễn cuộc sống, qua đó tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nông nghiệp, nhằm phát huy vai trò của nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới... là những nội dung được đông đảo tầng lớp nhân dân quan tâm, góp ý kiến.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa chuyên nghiệp

Chú thích ảnh
Dán tem kiểm định chất lượng sản phẩm tại Trang trại chuối xuất khẩu Huy Long An (ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh). Ảnh minh họa: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Theo nhận định của nhiều chuyên gia nông nghiệp, người sản xuất hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát, mạnh ai người đó làm nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định.
 
Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm thường ký các hợp đồng với các trang trại lớn, các vùng có lượng sản phẩm lớn và ổn định. Đặc biệt, tình trạng người sản xuất phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm gia tăng đột biến, tự ý bán phá giá cho các thương lái khác khi giá bán cao hơn thường xuyên xảy ra… Điều này dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá, ít thiếu nhiều thừa”, hiệu quả kinh tế không cao, chưa tạo được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân nhiều nơi còn thấp, thiếu thông tin thị trường, một số bộ phận còn chạy theo lợi ích trước mắt.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho rằng, hiện nay sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, bị động, thiếu bền vững. Vốn đầu tư xã hội vào phát triển nông nghiệp, nhất là khu vực sản xuất kinh doanh còn quá nhỏ so với nhu cầu, làm cho sản xuất nông nghiệp chậm chuyển biến theo hướng hiện đại, năng suất, chất lượng, giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất nông sản chưa cao. Quy trình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn chưa hoàn thiện và chưa đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong sản xuất nông nghiệp cho rằng, việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp hiện vẫn chưa cụ thể, thiếu đồng bộ, không ổn định, nhất là vấn đề quy hoạch các vùng sản xuất nông sản trọng điểm, xây dựng các khu vực sản xuất nông nghiệp an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp làm trung gian phân phối song đầu tư sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao, tính rủi ro lớn, bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa cụ thể nên phần lớn các doanh nghiệp lớn còn chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
 
Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo, thuận mua vừa bán. Tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian phân phối, nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất, sức cạnh tranh chưa cao, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền quảng bá,  giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn yếu.
 
Đặc biệt, cơ bản người tiêu dùng hiện nay thiếu thông tin về sản phẩm, chưa biết cách nhận diện sản phẩm an toàn chất lượng cao, chưa nắm được địa chỉ cơ sở sản xuất uy tín, một bộ phận người tiêu dùng thích các sản phẩm giá rẻ. Nguyên nhân là do công tác thông tin truyền thông định hướng sản phẩm theo khách hàng của doanh nghiệp còn hạn chế. Người tiêu dùng phải sử dụng hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe và mất lòng tin với người sản xuất.

Cần có chính sách hỗ trợ nông dân 

Chú thích ảnh
Mô hình sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ. Ảnh minh họa: Bùi Giang/TTXVN

Trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đều đã đề cập đến kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, nhưng chưa đề cập đến kinh tế hộ. Trong bối cảnh có nhiều thay đổi do biến đổi khí hậu, dịch bệnh như hiện nay, vai trò của kinh tế hộ vẫn vô cùng quan trọng.

Mục tiêu của Đảng đặt ra trong dự thảo văn kiện là kinh tế phát triển nhanh và bền vững, trong bối cảnh có nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh như hiện nay, phát triển nông nghiệp nên hướng đến sự bền vững.

Nhìn vào bức tranh sản xuất nông nghiệp hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy, lực lượng sản xuất chính vẫn là nông dân, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất chưa nhiều, mà chủ yếu tham gia ở chuỗi cung ứng dịch vụ. 

Để khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như hướng phát triển bền vững trong tương lai, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa nhận định, thị trường tiêu thụ nông sản hiện chưa ổn định, công tác xây dựng nông thôn mới còn nặng về hình thức, thành tích; sự liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân chưa chặt chẽ; các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác còn khó tiếp cận các chính sách ưu đãi về tín dụng, đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu đãi đất đai…

Để giải quyết những tồn tại, hạn chế trên, bà Phạm Hải Hoa đề xuất, cần có chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy nông dân xây dựng các mô hình liên kết; đồng thời có chính sách cho doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết doanh nghiệp – nông dân được vay vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi để triển khai mô hình liên kết. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch cần nâng cao chất lượng, đặc biệt là trong việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở nông thôn, trong đó có đất nông nghiệp.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khẳng định: Việc chuyển từ sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ và manh mún của kinh tế hộ gia đình nông dân sang hợp tác liên kết “sáu nhà” (Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học, Nhà nước, Nhà ngân hàng, Nhà phân phối) được coi là một cuộc cách mạng về tư duy của những người nông dân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây chính là thắng lợi của công cuộc cơ cấu lại nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. 

Theo ông Phan Ngọc Oanh, một nông dân giỏi ở xã Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên, cho biết người làm nông nghiệp rất trăn trở, mong muốn sản xuất nông nghiệp sạch, nhưng thực sự, nông dân đang bị thiếu thông tin về các chế phẩm, phân bón sinh học. Tuy nhiên, khi những người làm kinh tế nông nghiệp như ông muốn liên kết với doanh nghiệp để xây dựng mô hình dựa trên thực tế để sản xuất nông sản sạch, lại gặp thất bại do nhiều yếu tố liên quan đến cơ chế liên kết chưa cụ thể. 

"Hiện nay khi thực hiện một dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bản thân nông dân phải làm rất nhiều thủ tục, giấy tờ phiền hà. Chúng tôi đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tham gia liên kết 6 nhà", ông Oanh nêu ý kiến. 

Có thể thấy, liên kết trong sản xuất nông nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế và rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. Để phát huy những lợi thế trong liên kết sản xuất nông nghiệp, theo các chuyên gia, trong thời gian tới cần đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất phát triển và tăng cường liên kết xuất phát từ quan điểm phát triển chuỗi nông sản, nhất là chuỗi giá trị nông sản. 

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho rằng, cần làm rõ hơn nữa các giải pháp để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và phát triển các chuỗi giá trị gắn với thế mạnh từng địa phương. Các huyện có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, cần có cơ chế tháo gỡ về tích tụ đất đai, nguồn vốn để xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. 

Nhiều ý kiến cho rằng, với vai trò nhạc trưởng tạo ra hành lang pháp lý phù hợp, đảm bảo sự liên kết các nhà còn lại chặt chẽ và hiệu quả, Nhà nước cần có những cơ chế hợp lý trong việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các nhà, đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nhà doanh nghiệp, nhà nông để hướng đến sự phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất nông nghiệp...

Đỗ Bình (TTXVN)
Thông cáo báo chí số 11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV
Thông cáo báo chí số 11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Ngày 6/11/2020, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 4, Đợt 2 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN