"Thủy điện", "mất rừng"... làm 'nóng' nghị trường Quốc hội

Trong phần chất vấn của phiên chất vấn kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV chiều 6/11, các đại biểu Quốc hội tập trung vào các vấn đề nổi bật của các lĩnh vực, trong đó các nội dung về "thủy điện', "công trình thủy lợi", "mất rừng"... được đặc biệt quan tâm.

17:03 Ngày 06/11/2020

Đúng 17 giờ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận, kết thúc ngày chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

16:57 Ngày 06/11/2020

9 nhóm giải pháp để phòng, chống thiên tai

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với các đại biểu Quốc hội trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: TTXVN

Trong phần trả lời chất vấn của mình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết về 9 nhóm giải pháp để phòng, chống thiên tai trong thời gian tới: 

Thứ nhất, về các nhiệm vụ lâu dài, tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến phòng, chống thiên tai; đặc biệt tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai. Rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để từ đó làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó. 

Thứ hai, tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và chống phòng, chống thiên tai. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư trong giai đoạn đảm bảo mục tiêu đa mục tiêu, gắn phòng, chống thiên tai. 

Thứ ba, xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm với tỷ lệ thích hợp. Vấn đề này đã được chỉ đạo, được triển khai, nhưng mới chỉ xây dựng được bản đồ với tỷ lệ lớn, chưa xác định chính xác các điểm nguy hiểm để sơ tán dân. 

Trên cơ sở bản đồ, sẽ quy hoạch, phân bổ lại, bố trí lại dân cư và có những chủ trương đầu tư để đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời sơ tán khẩn cấp trước khi có sạt lở đất, lũ quét. Đây là kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ…. 

Thứ tư, kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và chống thiên tai như các công trình giao thông miền núi, các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là công trình thủy điện nhỏ. Yêu cầu phải đảm bảo đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế. 

Thứ năm, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập đê điều, đầu tư chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Rà soát, sửa chữa, cải tạo công trình giao thông gây cản trở thoát lũ, đầu tư nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền đảm bảo tránh lũ an toàn. 

Thứ 6, tiếp tục đầu tư chương trình nhà vượt lũ của các tỉnh duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Trong thời gian tới, Quốc hội cần bố trí cụ thể nguồn lực trong trung hạn 2021 - 2025 để triển khai thực hiện.

Thứ 7, nâng cao năng lực của các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trong đó tăng cường tính chuyên nghiệp Trung ương đến cơ sở. Kinh nghiệp tại Trà Leng là lựu lượng tại chỗ đóng vai trò rất quan trọng. Đầu tư các phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Thường xuyên tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Quán triệt nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ trong phòng, chống gia tìm kiếm cứu nạn. 

Thứ 8, cần lồng ghép đầu tư công tác phòng, chống thiên tai trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội của từng ngành, từng địa phương. 

Thứ 9, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về nhu cầu chi ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai. Yêu cầu kinh phí là rất lớn.

16:47 Ngày 06/11/2020

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đăng đàn trả lời chất vấn

Trong phần trả lời chất vấn của mình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phân tích sâu về các công trình thủy điện, thủy lợi, về công tác tìm kiếm cứu nạn...

Chú thích ảnh
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phó Thủ tướng đã trả lời các câu hỏi của ĐBQH về nguyên nhân, giải pháp ứng phó thiên tai:

Đợt mưa lũ kéo dài cùng với cơn bão số 9 – cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây - vừa xảy ra ở các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của người nhân và của nhà nước. Đợt thiên tai này đã được sự quan tâm chia sẻ của cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt là ý kiến chia sẻ của nhiều vị Đại biểu Quốc hội về những nỗ lực của hệ thống chính quyền trong: phòng chống thiên tai; những tồn tại và nguyên nhân, giải pháp cần phải làm trong thời gian tới để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Hiện nay tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai dị thường, đặc biệt là bão lũ và sạt lở đất đang là thách thức lớn với hầu hết các quốc gia trên thế giới mà trong đó Châu Á là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhật Bản, một đất nước phát triển nhưng mà số vụ mưa lũ, gây sạt lở đất hàng năm trong giai đoạn vừa qua là khoảng 150 nghìn lượt/năm, tăng 1,5 lần so với giai đoạn trước (giai đoạn 2001-2010). Mưa lũ, sạt lở đất đá đã gây thiệt hại rất nặng nề về người, tài sản ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippin,... Ở nước ta, mưa lũ, sạt lở đất ở nhiều nơi.

Nguyên nhân chính của sạt lở đất, các nhà khoa học, các ĐBQH đã trả lời. Tôi quan tâm hơn đến nguyên nhân chủ quan của con người.

Trước hết nói về rừng, trong những năm vừa qua thì thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phát triển kinh tế rừng thì rừng Việt Nam đã để phục hồi nhanh chóng.  Năm 1945, rừng Việt Nam chiếm khoảng 43% thì đến năm 1995 chỉ còn 28%. Nhưng đến nay độ che phủ rừng của Việt Nam đã đạt trên 41% và đứng thứ 50/193 quốc gia và vùng lãnh thổ; cao hơn, độ che phủ rừng của một số nước trong khu vực (Trung Quốc 28%, Thái Lan 21%,...) và cao hơn nhiều mức bình quân che phủ rừng của thế giới xấp xỉ 3%.

Tuy nhiên, chất lượng rừng của nước ta còn thấp. Do thời gian dài rừng tự nhiên chúng ta bị phá để phát triển kinh tế. Rừng mới, chất lượng rừng không cao. Tình trạng phá rừng để làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp, phát triển kinh tế vẫn chưa được ngăn chặn triệt để và có hiệu quả, đặc biệt là tình trạng phá rừng, lấy gỗ, xây nhà,... thì cũng ảnh hưởng đến rừng, chưa được kiểm soát. Việc trồng rừng thay thế chưa được kiểm soát chặt chẽ. Từ đó đã ảnh hưởng đến bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là một nhân tố gây sạt lở đất khi có mưa lũ.

Thứ hai là do việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại các khu vực miền núi như các công trình giao thông, đường dây tải điện, hệ thống đường ống,... đã làm thay đổi địa hình, tác động tới ổn định kết cấu địa chất và dễ gây sạt lở đất. Các tuyến đường giao thông miền núi khi đi kiểm tra tìm kiếm cứu nạn thì tôi thấy liên tục bị sạt lở. Mặt khác, việc xây dựng các công trình giao thông, các công trình xây dựng khác cũng gây cản trở thoát lũ làm cho lũ dâng cao.

Thứ ba là việc xây dựng các công trình nhà ở, các công trình bệnh viện, trường học, công sở, các điểm dân cư tự phát… tại khu vực miền núi thiếu nghiên cứu yếu tố địa chất cũng là nhân tố tác động làm sạt lở đất đá trong mùa mưa lũ.

Thứ tư là việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện… nếu không được kiểm soát chặt chẽ từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, cho đến khâu đầu tư xây dựng và quản lý vận hành sẽ tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất và đe dọa đến an toàn vùng hạ du. Hiện nay nước ta có trên 7.500 hồ thủy lợi, thủy điện thì đã đưa vào vận hành khai thác với dung tích khoảng 70 tỷ mét khối nước, trong đó có 437 hồ thủy điện - thủy lợi. 

Có thể nói trong những năm qua các hồ, đập thủy lợi, thủy điện có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước nước, đáp ứng nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hồ thủy điện cũng góp phần cắt lũ, đặc biệt là các hồ lớn, các hồ thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Kẻ Gỗ, Sông Tranh,...

Các hồ thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ cũng tham gia cắt lũ, trừ trường hợp lũ lớn phải xả lũ và thường xả tối đa bằng với lưu lượng lũ về hồ. Hồ thủy điện điều tiết nước cho mùa cạn, tạo nguồn điện rất lớn. Tổng công suất thủy điện tiềm năng của nước ta là khoảng 36.000 MW, tổng công suất khai thác kỹ thuật khoảng 28.000 MW thì hiện nay chúng ta đã khai thác được 20.000 MW, chiếm khoảng 30 % tổng công suất nguồn điện.

Nguồn thủy điện là nguồn năng lượng sạch, giá rẻ, vận hành thuận lợi và là nguồn nội lực tài nguyên của đất nước. Khác với các nguồn điện than, khí hóa lỏng, ta phải phụ thuộc vào nguồn năng lượng sơ cấp nước ngoài. Do đó các công trình thủy lợi, thủy điện có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước.

Tuy nhiên, để xây dựng công trình hồ, đập thủy lợi, thuỷ điện cũng có tác động tiêu cực đến môi trường, vì các công trình hồ thủy lợi, thủy điện đa số đều xây dựng ở khu vực trung du, miền núi nên sẽ ảnh hưởng đến diện tích rừng. Đồng thời việc xây dựng các công trình còn tác động đến sự ổn định của kết cấu đất đá nên cũng có thể tác động đến sạt lở đất.

Thứ năm là lực lượng tìm kiếm cứu nạn tuy huy động được các lực lượng Trung ương, địa phương, quân đội, công an với phương châm 4 tại chỗ nhưng chưa có lực lượng ứng phó thiên tai, tìm kiếm nạn chuyên nghiệp. Nhất là ở cơ sở, lực lượng chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu các phương tiện chuyên dùng, do đó rất khó, chậm tiếp cận đến điểm xảy ra sạt lở, thiên tai. Từ đó cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tìm kiếm cứu nạn.

16:38 Ngày 06/11/2020

Có hay không lợi ích nhóm và tham nhũng nguồn lực về thông tin?

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) tranh luận về phần phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo đại biểu, tình trạng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" đã tới mức "nửa tiếng sau đã gỡ. Vậy có hay không lợi ích nhóm và tham nhũng nguồn lực về thông tin?

Xin được trao đổi lại với Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông. Trước hết, tôi rất cảm ơn Bộ trưởng đã có phản ánh rất đúng không sai với các quy định pháp luật. Tôi cũng xin chia sẻ với Bộ trưởng để chúng ta có thể có cái nhìn đa dạng hơn để chúng ta làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước về báo chí.

Bộ trưởng đã đưa ra quan điểm về tôn chỉ mục đích. Nhưng mà theo tôi thì những quy định như thế sẽ làm thu hẹp phạm vi hoạt động của các báo, và có sự cạnh tranh không lành mạnh về mặt thông tin.

Đối với công việc thứ hai liên quan đến "sáng đăng trưa gặp chiều gỡ", tôi cũng xin chia sẻ câu chuyện thật của tôi, liên quan đến cái phản ánh phản biện về bộ sách giáo khoa. Khi tôi phản biện trên báo thì không cần đợi trưa chiều mà 30 phút sau gỡ ngay. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rất may mắn khi một đại biểu Quốc hội đã trải nghiệm việc tiếng nói phản biện của mình đã bị cắt đi trước truyền thông như thế nào.

 Như vậy, để Bộ trưởng cũng cũng có thể xem xét lại việc quản lý của mình. Ở góc nhìn của tôi thì tôi thấy rằng có những yếu tố cần phải đặt ra: Có hay không lợi ích nhóm và tham nhũng nguồn lực về thông tin? Bộ trưởng có những giải pháp tốt hơn hài hòa hơn trong vấn đề quản lý báo chí sắp tới?

16:27 Ngày 06/11/2020

"Nóng" với các nội dung tranh luận

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp (tỉnh Gia Lai) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Các đại biểu tiếp tục tranh luận về nội dung mà các Bộ trưởng đã trả lời.

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp tiếp tục trao đổi lại về nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đại biểu phát biểu: Không tự nhiên và trời mưa, đường đứt gãy. Chính là lý do của vụ sạt lở là cây rừng tự nhiên đã mất đi rất lâu rồi, không có sự cải tạo đất.. Trách nhiệm của Bộ trong việc đánh giá tác động môi trường đối với dự án công trình này rõ ràng là có sự sai sót, gây nên hậu quả như ngày hôm nay. Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng đã thấy trách nhiệm như thế nào với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay của Việt Nam? Bộ trưởng chưa trả lời rõ ràng, Bộ trưởng chỉ tập trung vào kỷ cương.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) chất vấn: Kính thưa Quốc hội, tôi xin phép được trao đổi thêm với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân về hệ thống thú y cơ sở. Không chỉ có Kết luận 54 của Bộ Chính trị, mà còn có Chỉ thị 34 của Ban Bí thư, Nghị quyết 100 của Quốc hội và Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 42 của Chính phủ về kiện toàn hệ thống thú y theo Luật thú y.

Trong Luật thú y, Điều 6 ghi rõ: Trung ương có Cục Thú y, tỉnh của Chi cục Thú y, huyện có trạm thú y và xã có nhân viên thú y. Báo cáo, vừa rồi Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội giám sát việc thực thi pháp luật thú y, thì trong quá trình giám sát thì có 11 tỉnh trên 36 tỉnh có văn bản sẽ kiện toàn.

Nếu không có hệ thống thú y cơ sở, chúng ta không thể phòng chống dịch được, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng trong phát triển chăn nuôi, không thể kiểm soát giết mổ được thì không thể nào mình không được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Một đất nước có 27.700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, mà giết mổ nhỏ lẻ mà bây giờ chúng ta chưa quản lý, kiểm soát được. Nếu không có hệ thống thú y cơ sở, thì chúng ta không thể nào quên truy xuất nguồn gốc xuất khẩu sản phẩm động vật.  Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ sẽ bàn xem hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện thế nào cho đảm bảo đúng với tinh thần của Luật thú y 15.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường trao đổi về ý kiến của đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, và một số đại biểu cho rằng tỷ lệ thi hành án hành chính đạt thấp là do việc thi hành án hành chính dựa trên cơ chế tự nguyện thi hành của các bên, cần phải sửa đổi cơ chế này.

Tôi cho rằng việc thi hành án hành chính đạt tỷ lệ thấp không phải do quy định của Luật bất cập mà trước hết nó là lỗi trong việc tổ chức thực hiện pháp luật. Có thể nói là cơ chế thi hành án hành chính là vấn đề đã được Quốc hội thảo luận rất kỹ khi thông qua Luật tố tụng hành chính sửa đổi năm 2015, và do đặc thù của thi hành án hành chính, cho nên không đặt ra cơ quan thi hành án riêng như đối với thi hành án hình sự và thi hành án dân sự.

Việc thi hành án hành chính đầu tiên là dựa trên sự tự nguyện của các bên. Tuy nhiên, nếu các bên không tự nguyện thì bên thi hành án thì có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án, kiểm tra, đôn đốc và xem xét xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án.

Pháp luật cũng quy định rất rõ là cơ quan cấp trên trực tiếp là người đứng đầu. Vậy phải xem xét xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý luật người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi chậm thi hành án, không thi hành án, hoặc thi hành án không đúng. Do đó, cơ chế tiền án hành chính thì không chỉ là dựa trên sự tự nguyện của các bên mà còn có cả cơ chế kỷ luật đối với việc không thi hành án hành chính.

Trên thực tế, không có hoặc có rất ít những trường hợp mà bị thi hành kỷ luật do không thi hành án. Chính vì vậy, cho nên tôi cho rằng là lỗi đạt tỷ lệ thấp trong thi hành án là do chúng ta tổ chức thực hiện pháp luật chưa nghiêm. 

16:22 Ngày 06/11/2020

Việc thành lập hãng hàng không mới chỉ được đề cập lại khi thị trường khôi phục

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Nguyễn Văn Thể trả lời việc cấp phép, thành lập mới các hãng hàng không:

Gần đây một số hãng đăng ký thành lập mới, tuy nhiên Chính phủ đã chỉ đạo rà soát lại bởi nhiều hãng đang có nhiều tàu bay dư. Nếu thành lập mới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh doanh của các hãng hàng không hiện nay.

Do đó chủ trương Chính phủ, khi thị trường hàng không khôi phục lại như cuối năm 2019 thì chúng tôi sẽ cùng với các bộ, ngành tham mưu với Chính phủ để cho phép thành lập một số hãng mới.

16:21 Ngày 06/11/2020

4 giải pháp giúp đỡ các hãng hàng không

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải trả lời chất vấn về giải pháp giúp đỡ các hãng hàng không vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn văn Thể trao đổi với đại biểu QH trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải (GTVT), ông Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT đã tổ chức nhiều cuộc họp để tìm giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không, trong đó có liên quan tới trách nhiệm của Bộ GTVT. Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện 4 giải pháp:

-Tăng cường các chuyến bay giữa các sân bay lẻ đối với hãng hàng không đăng ký tạo điều kiện để phát triển hàng không trong nước

-Làm việc các hãng, đơn vị, đặc biệt Tổng công ty ACV để giảm giá dịch vụ hoạt động sân bay để giảm chi phí cho các hãng.

-Tạo điều kiện doanh nghiệp có phương án kinh doanh mới.

-Điều chỉnh lịch bay của các hãng để làm sao các hãng đều được đối xử công bằng, có điều kiện kinh doanh.

Đối với hàng không trong nước, Bộ GTVT tạo điều kiện thuận lợi nhanh nhất, tốt nhất. Hàng không trong nước hiện cơ bản bằng cuối năm 2019. Riêng hàng không nước ngoài bị ảnh hưởng nghiêm trọng COVID-19, liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ đã thảo luận lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và đã ban hành các Nghị quyết liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hàng không. Tuy nhiên việc này ảnh hưởng lớn ngân sách, chính sách do đó chúng tôi kiến nghị có thể hoãn, giảm, chậm trả lãi vay ngân hàng cũng như bổ sung vốn cho vay thêm để các hãng hàng không có thể tái cơ cấu

16:18 Ngày 06/11/2020

Nông nghiệp vẫn "vướng" về quy mô sản xuất

Trả lời chất vấn về các nhóm giải pháp cho nông nghiệp sạch, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh về quy mô sản xuất nhỏ lẻ khiến khó áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật, phục vụ việc xây dựng nền nông nghiệp sạch.

16:15 Ngày 06/11/2020

Không có khái niệm "du lịch tâm linh"

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Thực tế, không có khái niệm "du lịch tâm linh".

Liên quan đến việc công khai, minh bạch thông tin từ các dự án đầu tư khu du lịch được thông tin theo quy định của pháp luật. Hiện nay theo các quy định của pháp luật hiện hành thì không có khái niệm khu du lịch tâm linh. Trong Điều 26 của Luật Du lịch sửa đổi 2019, điều kiện chỉ có 2 khu du lịch, khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch quốc gia, còn lại không có khái niệm khu du lịch tâm linh.

Tuy nhiên, tôi có thể hiểu trong các khu du lịch có các sản phẩm du lịch văn hóa có yếu tố tín ngưỡng tâm linh. Trong thời gian vừa qua, các địa phương khi thu hút du lịch cũng chủ động thu hút các doanh nghiệp có thể có các sản phẩm du lịch văn hóa có yếu tố tâm linh. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành 6 khu du lịch quốc gia thôi, còn ở các địa phương cũng công nhận các khu du lịch cấp tỉnh.

Bộ VHTTDL cũng có báo cáo việc quản lý các mô hình khu du lịch đang triển khai chậm. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm. Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ ban hành mô hình quản lý khu du lịch.

Đối với các dự án du lịch, yêu cầu chính quyền địa phương phải công khai, minh bạch. Theo quy định của pháp luật, chúng tôi với trách nhiệm quản lý Nhà nước cũng đã yêu cầu đề nghị các địa phương hiện hành việc công khai, minh bạch dự án nói trên theo quy định của pháp luật.

16:07 Ngày 06/11/2020

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận lỗi về "nợ" văn bản pháp luật

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu:

Chúng tôi nhận trách nhiệm về việc chậm tham mưu cho Chính phủ để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện nghị quyết 56 của Quốc hội.

Trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến nay, Bộ Nội vụ tập trung vào việc sắp xếp tổ chức các cơ quan hành chính, trình Quốc hội sửa đổi bổ sung 2 Luật là: Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương; sửa đổi Luật cán bộ công chức và luật Viên chức; đồng thời tham mưu cho Quốc vụ ban hành Nghị quyết 653 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính mà đạt dưới 50% các tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Để thực hiện được vấn đề này, Bộ đã trình Chính phủ ban hành tổng cộng 6 Nghị định.Trong khoảng thời gian này, Bộ cũng phải cụ thể hoá nhiều Luật, nghị định khác.

Riêng Nghị định 653, trong vòng 8 tháng, Bộ Nội vụ phải tham mưa và thẩm định trình Quốc hội ban hành sắp xếp đơn vị hành chính của 43 tỉnh với tổng số giảm hơn 500 xã và 6 huyện, dự kiến tới đây tiếp tục sắp xếp giảm thêm 2 huyện và 10 xã nữa.

Nghị định 123 liên quan đến tổ chức, sắp xếp tự chủ các đơn vị công lập, thực hiện tự chủ các đơn vị công lập đến nay.

Đến giờ này, dù chậm nhưng tất cả các Nghị định để sắp xếp theo tinh thần nghị quyết 56 đều được ban hành hết.

Nguyên nhân gây chậm trễ là trong cùng 1 khoảng thời gian (từ 2017- 2020), việc xây dựng các Nghị định, các Luật trùng vào cùng 1 thời điểm, lại trùng với dịch COVID-19 nên không tổ chức hội thảo lấy ý kiến, khảo sát được…

Bộ trưởng trả lời ý kiến đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình): Vấn đề biên chế của giáo dục là vấn đề nan giải của Bộ Giáo dục và đào tạo. Tôi đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo phải làm sao có phương án sắp xếp lại ngay hệ thống giáo dục, xây dựng lại định mức học sinh trên lớp ở từng vùng miền nếu không sẽ khó giải quyết được.

Trong 2019 và 2020, Bộ Nội vụ đã 2 lần trình Chính phủ bổ sung cho 14 tỉnh có dân cư tập trung ở các khu công nghiệp và 5 tỉnh Tây Nguyên với tổng số là hơn 20.300 biên chế.

Thực hiện chủ trương có học sinh là phải có giáo viên trên lớp, Bộ Nội vụ đã đề nghị 63 tỉnh thành gửi báo cáo nhu cầu thật sự của địa phương về giáo dục.

Đến 30/6/2020, theo báo cáo các tỉnh, số số biên chế Bộ Nội vụ thẩm định các địa phương chưa sử dụng hết. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng thừa thiếu. Hiện tượng thừa, thiếu này là do biên chế giáo viên so với định mức ở nông thôn và miền núi thừa nhưng ở những nơi tập trung các khu công nghiệp thì lại thiếu; ở nông thôn số học sinh trên lớp quá ít, ở thành phố quá nhiều. Lý do việc lập kế hoạch chưa chính xác của các địa phương, không khảo sát nhu cầu dẫn đến tình trạng này…

Hiện chúng tôi đã đưa ra 2 phương án: Phương án 1: Nơi nào thừa thì cắt, thiếu thì bổ sung, giải quyết dc tình trạng thừa thiếu không tăng biên chế. Nhưng nhược điểm là rất khó thực hiện tinh giản biên chế trong năm học này.

Phương án 2: Chỉ bổ sung biên chế nơi thiếu, giải quyết chênh lệch giữa biên chế đươc việc và các biên chế còn lại… như vậy con số cần bổ sung là quá lớn. Ưu điểm không xáo trộn lớn nhưng biên chế lại tăng lên.

Như vậy, đây là vấn đề hết sức quan trọng, chúng tôi mong sớm nhận được ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sớm trình Chính phủ giải quyết vấn đề biên chế giáo viên trong thời gian tới. Sắp tới cần phải xây dựng lại định mức, đẩy mạnh xã hội hoá, giao quyền tự chủ cho các đơn vị công lập để giảm áp lực biên chế, dành biên chế cho y tế, mầm non cơ sở, giáo dục phổ thông.

16:01 Ngày 06/11/2020

Trăn trở về mức trợ cấp cho người có công

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về mức trợ cấp cho các đối tượng có công.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời ý kiến đại biểu Trần Hồng Nguyên về câu hỏi tại sao mức trợ cấp từ đầy không dựa vào thời gian tù đầy. Trước đây đối tượng người tù đầy khi chưa được đưa vào pháp lệnh, sau khi pháp lệnh sửa đổi đã được thường vụ Quốc hội đưa vào pháp lệnh sửa đổi là đối tượng hưởng chính sách thường xuyên và là người có công với cách mạng chuyển từ chính sách trợ cấp một lần sang trợ cấp thường xuyên hàng tháng để đảm bảo đời sống với người bị tù đầy.

Trả lời câu hỏi tại sao không thể quyết định theo thời gian, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, một ngày bị tù đầy đối với các bậc cha ông chúng ta là một ngày gian khổ ác liệt và hy sinh to lớn. Tuy nhiên, trải qua nhiều cuộc kháng chiến, đặc điểm của mỗi nhà tù khác nhau, mức độ tra tấn khác nhau, do đó điều kiện giam cầm khắc nghiệt cũng khác nhau và hồ sơ thủ tục để xác nhận với từng người cũng rất khác nhau. Vấn đề này, Bộ trưởng Dung xin ghi nhận ý kiến của đại biểu và sẽ tiếp tục nghiên cứu.

Vấn đề đại biểu đề nghị nâng mức trợ cấp thờ cúng đối với liệt sĩ, Bộ trưởng cho rằng, đây là trăn trở của Bộ. Dự kiến cuối năm 2020, trong dự thảo các nghị định khi trình Thường vụ Quốc hội về pháp lệnh người có công sửa đổi, cũng đã trình dự thảo kèm theo về mức trợ cấp để các đối tượng tất cả 12 đối tượng. Trong đó có đề nâng mức thờ cúng đối với liệt sĩ nên gấp đôi hiện nay (hiện đang là 500.000 đồng) nhưng tiền thờ cúng này chỉ dành cho các liệt sĩ không còn thân nhân trực tiếp.

15:51 Ngày 06/11/2020

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

Sau giờ giải lao, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời về "một cửa", cổng dịch vụ công, hạ tầng công nghệ thông tin...

Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Trong nhiệm kỳ Chính phủ khoá XIV, Thủ tướng Chính phủ đưa ra thông điệp ngay từ đầu nhiệm kỳ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, liêm chính và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Từ tháng 4/2016 đến nay, Chính phủ giao cho các Bộ ngành địa phương, tập đoàn, Tổng công ty nhà nước là 65.595 nhiệm vụ; đã hoàn thành 48.406 nhiệm vụ và chưa hoàn thành 15.593 nhiệm vụ trong hạn và có 1.236 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. Nhiệm vụ quá hạn giảm 23%, đây là điểm tốt.

Với quan điểm Chính phủ phục vụ, đầu năm 2018, Thủ tướng ban hành Nghị định 61 về vấn đề thực hiện thủ tục hành chính, vấn đề một cửa và một cửa liên thông. Đến nay, có 100% bộ ngành địa phương đã có bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính; có 58/63 địa phương đã thành lập trung tâm phục vụ hành chính công. Như vậy thủ tục hành chính được giải quyết một cửa.

Những điểm sáng như Quảng Ninh có các trung giải quyết hành chính cấp tỉnh, huyện, xã và liên thông. Theo đó, như vấn đề nhận hồ sơ tại chỗ và các cơ quan trong địa phương liên kết để thẩm định, quyết định và trả hồ sơ. Người dân chỉ đến 1 cửa nộp hồ sơ và nhận kết quả.

Đến nay, nhiều địa phương tích cực trong việc này như Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh… Rất nhiều Bộ, tiên phong trong việc này là Bộ Tài Chính, Cơ quan thuế, Hải quan, Bộ Công thương, Bảo hiểm Xã hội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị tiên phong đưa ra dịch vụ công để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Vấn đề chậm, muộn, nhũng nhiễu, chờ đợi không biết hồ sơ này giải quyết đến đâu. Vấn đề này, Văn phòng Chính phủ thường xuyên tổng hợp. Tuy nhiên, đây là ý kiến rất cá biệt, ít, mang tính “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Nhưng trong phiên họp Chính phủ với Bộ, ngành địa phương, Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh việc này.

Ngoài yếu tố con người ra, có thể nói việc tổ chức bộ phận một cửa vẫn bị cát cứ do địa giới hành chính do chưa liên thông hệ thống hành chính này với địa phương khác; Kết nối chia sẻ dữ liệu còn mức độ hạn chế. Đặc biệt, khi phần mềm bộ ngành địa phương đưa xuống thì không kết nối được với cổng thông tin của Bộ ngành, địa phương cũng là hạn chế cho người dân. Hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa đáp ứng được công việc. Từ đó, người dân ít sử dụng dịch vụ công.

Đây là những yếu tố khó khăn cho người dân, đặc biệt thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Điểm nhấn trong cải cách thủ tục hành chính là Chính phủ điện tử.

Có 2 vấn đề. Trước tiên là vấn đề cải cách thủ tục hành chính, điểm sáng ở đây cắt giảm trên 1.000 thủ tục hành chính, cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh. Cắt giảm và đơn giản thủ tục hoá hành chính trên 9.926 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, đơn giản hoá 30/120 bộ thủ tục hành chính. Như vậy, đối với cắt giảm thủ tục hành chính này là theo hướng dẫn Ngân hàng thế giới, tính toán tiết kiệm trên 18 triệu ngày công, tương đương 6.300 tỷ đồng.

Tháng 5/2020, Chính phủ ban hành tiếp Nghị quyết 68. Như vậy, tiếp tục giai đoạn 2020 - 2025, chúng ta tiếp tục cắt giảm 20% quy định, thủ tục hành chính. Đây là vấn đề được Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. Xây dựng Chính phủ điện tử có mấy điểm khá thành công. Cụ thể, khai trương trục khai thông văn bản

15:35 Ngày 06/11/2020

Đại biểu Thạch Phước Bình, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Nhiều đề xuất hay

Kỳ họp lần này Quốc hội tiếp tục có những cải tiến mới để thích ứng với tình hình hiện nay, đó là duy trì hai đợt họp, họp trực tuyến và họp tập trung, qua 2 kỳ họp cho thấy công nghệ thông tin được Quốc hội ứng dụng ở tất cả các khâu rất tốt.  

Trong kỳ họp này, những sự kiện quan trọng của đất nước được mang vào nghị trường, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới cuộc sống hàng ngày của người dân được các đại biểu phản ánh đầy đủ các mặt. Đặc biệt là trong những phiên họp bàn thảo về kinh tế -xã hội.

"Tôi ấn tượng trong kỳ này, nội dung thảo luận đã có nhiều đại biểu đề xuất rất hay như thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó hữu hiệu với thiên tai lũ lụt, sạt lở... Tôi cho rằng thời gian tới Chính phủ, các Bộ ngành nên nghiên cứu những đề xuất này để ứng phó tốt hơn với thiên tai", đại biểu Thạch Phước Binh nói.  

Kỳ họp này Quốc hội có 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, trước đó là 3 ngày thảo luận kinh tế - xã hội, quá trình tranh luận trao đổi thẳng thắn sâu sắc, chất lượng. Qua phần thảo luận, chất vấn vừa rồi, tất cả ý kiến đại biểu đều rất tâm huyết, truy đến cùng vấn đề đại biểu đã trao đổi, có những vấn đề kỳ trước đại biểu đã nói rồi nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt.

15:30 Ngày 06/11/2020

Quốc hội nghỉ giải lao

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Quốc hội bên lề phiên chất vấn. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
15:26 Ngày 06/11/2020

Các đại biểu tiếp tục chất vấn

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) chất vấn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Hiện nay nhiều nơi nông dân vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn thấp, vậy giải pháp nào để đưa các ứng dụng khoa học, kỹ thuật xây dựng nền nông nghiệp sạch, hữu cơ để phát triển bền vững?

Đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) chất vấn Bột trưởng Bộ Nội vụ về việc tinh giản biên chế chưa tính đến đặc thù ngành giáo dục, tổng thể nơi thừa, nơi thiếu giáo viên, biện pháp khắc phục.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Bộ trưởng cho ý kiến về việc dịch COVID-19 dây gây thiệt hại rất lớn với các doanh nghiệp vận tải nhưng khó tiếp cận với sự hỗ trợ của Chính phủ, trách nhiệm tham mưu của Bộ về việc thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn này; vấn đề xã hội hoá các cảng hàng không cần những giải pháp gì trong thời gian tới?

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) chất vấn Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Việc xây dựng Chính phủ điện tử, đâu là điểm nhấn trong giai đoạn 2016- 2021?

Chất vấn Bộ Giao thông vận tải: Dự án tiểu dự án đường sắt Lim- Phả Lại có tiếp tục triển khai hay kêt thúc? - Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội: Trong đại dịch COVID-19, Bộ đã tham mưu nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động; vậy trong đợt lũ lụt vừa qua, Bộ đã tham mưu những chính sách gì hỗ trợ người dân vùng lũ?

15:23 Ngày 06/11/2020

Chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực khi thi hành thủ tục hành chính

Đại biểu Trần Văn Tiến chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng về cải cách thủ tục hành chính: Thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông đã tạo nhiều thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên theo phản ánh cử tri, tại một số bộ, cơ quan địa phương vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực của cán bộ công chức trong khi thực thi, đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, VPCP đã tham mưu giải pháp nào cho Chính phủ trong việc chấn chỉnh trên; đồng thời cải thiện đổi mới cơ chế này?

15:16 Ngày 06/11/2020

Có 120.000 người Việt Nam đăng ký làm video trên youtube

Liên quan đến câu hỏi chất vấn về video xấu độc, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Theo thống kê, 120.000 người Việt Nam đăng ký làm video trên nền tảng youtube; có 350 kênh có hàng triệu người theo dõi; 15.000 kênh ăn chia tiền quảng cáo với youtube. Trên nền tảng này có nhiều video xấu độc.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ TTTT cũng đã đạt tỷ lệ tháo gỡ video xấu độc trên youtube từ 50% lên 90% và cũng đạt được thỏa thuận với youtube khi nhận thông báo của Bộ về thông tin xấu độc thì không ăn chia quảng cáo với những kênh này. Mỗi tháng cũng đã xử lý hàng ngàn video xấu độc. Bộ TTTT phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm cá nhân sản xuất thông tin xấu độc.

Do đó, Bộ TTTT đề nghị khi phát hiện video xấu độc thì người dân, tổ chức báo với đường dây nóng của Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử, Sở TTTT để phối hợp xử lý. Thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện nghiêm vấn đề này. Trước mắt là sẽ làm việc với đại diện youtube gỡ bỏ 100% video xấu độc; phát triển công cụ phát hiện video xấu độc và 2021 sẽ phát triển công cụ để phát hiện video xấu độc.

Bộ TTTT phối hợp Bộ VHTTDL ra hướng dẫn thế nào là video xấu độc. Bộ sẽ nâng cấp đường dây nóng thành Trung tâm tiếp nhận xử lý video xấu độc.

Ngành ngành xác định nội dung xấu độc và Bộ TTTT sẽ làm việc với các bộ ngành xác định đâu là nội dung xấu độc của từng ngành để cùng phát hiện, xử lý.

15:05 Ngày 06/11/2020

Hàng loạt câu chất vấn chờ được trả lời

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về việc giảng dạy kiến thức văn hoá trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Về việc giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên, theo văn bản số 2672 của Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên tiếp tục được giảng dạy mà chương trình này đưa về phối hợp với các Trung tâm giáo dục thường xuyên, gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cho học sinh. Vậy việc ban hành văn bản này là đúng hay sai, Bộ trưởng có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục thường xuyên, học sinh; giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện để giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên tiếp tục được giảng dạy?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Trần Thị Dung đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) chất vấn Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tỷ lệ thi hành án về hành chính đạt thấp, phần lớn là thuộc về trách nhiệm của chủ tịch UBND và UBND. Toà án đã có các quyết định buộc thi hành án và các văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm nghĩa vụ thi hành án nhưng đến nay không có trường hợp nào bị xử lý. Vậy cần làm rõ trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban tư pháp.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tranh luận ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Về lý do không rút được hồ sơ của vụ án nên không giải quyết được là không thể hiện được trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân. Đây là một trong các lý do cản trở việc giải quyết giám đốc thẩm thì đây là việc đáng suy nghĩ. Tại sao việc Viện Kiểm sát nhân dân rút hồ sơ theo quy định lại không được thực hiện?

15:01 Ngày 06/11/2020

"Ông Trời và rừng có quan hệ gì đối với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay?"

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (tỉnh Gia Lai) chất vấn:

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp (tỉnh Gia Lai) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Xin Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian tới Bộ vẫn ưu tiên việc xây dựng và phát triển thủy điện nhỏ hay không; ông Trời và rừng có quan hệ gì đối với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam? Trách nhiệm của Bộ trưởng?

Xin Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc "phá rừng đúng quy trình" thông qua các dự án thì phải điểm mặt, điểm tên cá nhân tổ chức nào hay cứ bảo do Quốc hội bấm nút là được. Thủ tướng có ủng hộ văn hóa từ chức không?

15:00 Ngày 06/11/2020

Giải pháp nào để tạo việc làm cho người lao động?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Thị Thường đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Phùng Thị Thường (tỉnh Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh – Xã hội: Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng khó khăn, công nhân mất việc nhiều, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trong thời gian tới?

14:55 Ngày 06/11/2020

Thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ là nhiệm vụ riêng của cơ quan thi hành án

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn:

Về công tác chỉ đạo phòng chống tham nhũng thu hồi tài sản không chỉ riêng của cơ quan thi hành án dân sự mà của một loạt các cơ quan từ ngân hàng thẩm định cho vay, đến các cơ quan tố tụng và các cơ quan tố tụng thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc thu giữ các khoản tiền. Bộ Tư pháp đã tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, trình Ban Bí thư tăng cường công tác lãnh đạo của đảng trong việc thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng kinh tế.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Vấn đề theo dõi thi hành bản án hành chính, Quốc hội đã nói rất nhiều và phía cơ quan tư pháp cũng đã cố gắng nhưng tỉ lệ vẫn thấp và không đạt được như mong muốn. Đây phải là sự tự nguyện của các cơ quan, không thể thực hiện cơ chế cưỡng chế đối với cơ quan hành chính, tổ chức cá nhân còn tự chế được nhưng trách nhiệm hành chính trách nhiệm công vụ các cơ quan và đặc biệt là Phó chủ tịch UBND và UBND các cấp hết sức quan tâm đến vấn đề này, và có sự sát sao của cơ quan địa phương. Phải xem đây là một đánh giá khen thưởng kỷ luật cán bộ. Bộ Tư pháp rất cố gắng nhưng thẩm quyền còn hạn chế

14:49 Ngày 06/11/2020

Bò tiêu chí khi đề nghị khen thưởng phải có tổ chức Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ Nội vụ Lê Minh Trí trả lời: Thông tư số 12 khoản 7 điều 2 có quy định: Với những tổ chức tập thể khi đề nghị khen thưởng thì có tổ chức Đảng là phải được xếp vào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Triển khai thực hiện luật thi đua khen thưởng, không quy định điều này và trong luật không quy định. Thời gian qua khi phát hiện vấn đề này, Bộ đã chỉ đạo sửa đổi.

Bộ trưởng cũng trả lời, tối hôm qua (5/11), Viện trưởng đã ký một thông tư sửa đổi bổ sung trong có bỏ ngay nội dung này và có hiệu lực từ hôm nay (6/11). Chủ tịch Quốc hội khen là rất kịp thời.

14:45 Ngày 06/11/2020

Vấn đề khiếu nại, tố cáo là một vấn đề bức xúc trong một thời kỳ khá dài

Trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Bộ trưởng Bộ tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Vấn đề khiếu nại, tố cáo là một vấn đề bức xúc trong một thời kỳ khá dài và hiện nay chỉ số mà liên quan đến khiếu nại, tố cáo vẫn cao, khoảng trên 60%.  

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật đất đai 2013 có các quy trình, thủ tục bài bản, cho nên nếu so sánh các vụ kiện cáo đông người, phức tạp, chủ yếu tồn tại từ giai đoạn của Luật. Liên quan đến vấn đề định giá, các trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tái định cư trước đó không thỏa đáng đến nay đã Nhà nước tập trung giải quyết. Thu hồi đất đai để thực hiện các công trình kinh tế - xã hội, dân sinh là vấn đề lớn, tuân thủ theo Luật. Mặc dù vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết, nhưng hiện nay đã giảm được khoảng trên 30-40%, chủ yếu là giải quyết khiếu nại trước 2013 đến nay thì hiện nay có một bộ phận được giải quyết liên quan đến tranh chấp đất đai, nông, lâm trường.  

Vấn đề quản lý lỏng lẻo các công ty nông, lâm trường và liên quan đến lợi ích của công trường viên, nông trường viên mà những người trước đây có thể là đã có đất đai… Về việc này Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Trong việc này đã xác định bằng nghị quyết cũng như qui định của Chính phủ trong từng bước để giải quyết thông qua việc xác lập căn cứ dữ liệu cũng như xem xét để thay đổi cơ cấu tổ chức của các nông, lâm trường này hiệu quả. Đồng thời xem xét những khu vực tranh chấp sẽ giải quyết triệt để vấn đề mà cơ quan chức năng cho rằng nó sẽ còn phải lâu dài, cần phải xem xét, đặc biệt là trong hoàn thiện luật tới. Đó chính là cơ chế kinh tế đất đai và vấn đề giá đất.

14:38 Ngày 06/11/2020

Các đại biểu chất vấn và tranh luận

Chú thích ảnh

Đại biểu Dương Xuân Hoà (Lạng Sơn) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường về vấn đề giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp kéo dài liên quan đến đất đai, tình hình thực hiện vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) chất vấn Bộ Nội vụ về việc tiêu chuẩn khen thưởng đối với các tổ chức Đảng và Đoàn thể. Trong đó có phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng trong thực tế quy định này sẽ phát sinh nhiều vướng mắc, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? Làm thế nào để công tác thi đua khen thưởng thực sự là sự khích lệ đối với các tổ chức?

Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) chất vấn Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 2 câu hỏi: - Vì sao việc giải quyết đơn do các cơ quan Đảng, Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội chuyển đến mới chỉ đạt 43,8%, việc thụ lý đơn kháng nghị, tái thẩm, giám đốc thẩm các bản bản án, quyết định đã có hiệu lực đạt tỷ thấp chỉ 44,5% gây bức xúc cho công dân. -

Hành vi ngược đãi người già, bức tử, vứt bỏ trẻ sơ sinh… do chính cha mẹ ruột gây ra vì sao chưa bị xử lý nghiêm minh?.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Việc thi hành, tỷ lệ thi hành án đạt thấp, tỷ lệ thấp có nguyên nhân từ một số cơ quan có trách nhiệm thi hành án không? Bộ trưởng có giải pháp trong thời gian tới như thế nào?

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) tranh luận và chất vấn Chánh án Toà án nhân dân tối cao về lý do còn tồn đọng các vụ án, cần phải thay đổi cơ chế thi hành án như thế nào với thi hành án tài chính?

14:33 Ngày 06/11/2020

Tình trạng văn bản chồng chéo, hết hiệu lực... là một thực tế

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời về tình trạng các văn bản chồng chéo, hết hiệu lực. Theo Bộ trưởng có 3 giải pháp chính: Rà soát kỹ; đặt trong bối cảnh liên ngành khi ra văn bản; đào tạo cho cán bộ làm văn bản pháp luật.

"Về tình trạng chậm ban hành văn bản, đây là một thực tế và chưa khắc phục được triệt để" - Bộ trưởng nhìn nhận. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Bộ trưởng phát biểu:

 Về thể chế là ưu tiên đầu tiên. Mặc dù, Bộ Tư pháp và các bộ ngành đã cố gắng nhưng tình trạng các văn bản chồng chéo, hết hiệu lực hoặc chưa phù hợp thực tế mà chưa rà soát kịp thời là thực tế. Rà soát là nhiệm vụ thường xuyên, thực hiện theo chuyên đề đã quy định trong Luật. Cụ thể; Chính phủ đã có báo cáo số 442 trình Quốc hội. Đây là kết quả làm việc của tất cả các bộ, ngành trong vòng 6 tháng để có báo cáo. Các số liệu cụ thể về nhóm, các vấn đề chồng chéo, lý do vì sao, đề xuất thế nào đã nêu trong báo cáo. Chúng tôi xác định nguyên nhân chủ quan là chủ yếu do khả năng của chúng ta còn hạn chế; chưa dự liệu hết các vấn đề đặt ra trong đời sống. Đặc biệt trong bối cảnh liên ngành như quan hệ luật đầu tư công, luật đầu tư, luật xây dựng, luật môi trường… Nguyên nhân chủ quan, có biến động mà chúng ta phải cập nhật ngay lập tức, ví dụ COVID-19; yêu cầu đặt ra trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tôi đề nghị có 3 giải pháp: Cần cân nhắc kỹ khi đề xuất một văn bản; rà soát, đánh giá kỹ tác động thực hiện nghiêm theo Luật; điểm thứ 2, khi chúng ta soạn thảo một đạo luật, phải đặt trong bối cảnh liên ngành, liên lĩnh vực. Chỉ cần một vướng mắc trong một lĩnh vực cũng sẽ bị ảnh hưởng; điểm thứ 3 tập trung nguồn lực, yếu tố con người vẫn là cơ bản, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm trực tiếp xây dựng pháp luật. Về tình trạng chậm ban hành văn bản, đây là cái tồn tại hạn chế mà chúng ta đã phấn đấu trong nhiều năm qua nhưng chưa khắc phục được triệt để. Có thời điểm tốt, năm 2017, Chính phủ không nợ; năm 2018, Chính phủ nợ 4 văn bản; nợ 2019 nợ 10 và năm 2020 thì nợ 20 văn bản nhưng cập nhật trưa 6/11 thì chỉ còn nợ 11 văn bản. Tôi khẳng định lý do chủ quan bản thân của các bộ ngành; cố gắng chưa kịp thời của Bộ Tư pháp trong công tác tham mưu chung. Tuy nhiên có những lý do khách quan ví dụ thời gian qua, có luật giao cho ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết; Luật đầu tư phải 30 văn bản quy định chi tiết, có thời hạn chỉ 6 tháng sau khi ban hành. Có nhiều vấn đề nhạy cảm như Nghị định về tôn giáo.

Bộ trưởng đề xuất: Phải cố gắng của từng bộ, ngành, coi đây là tiêu chí đánh giá cán bộ trong công tác thi đua, bổ nhiệm; điểm thứ nữa là làm luật văn bản phải song song văn bản chi tiết. Chưa chín chưa trình. Khi trình luật phải trình đề cương quy định chi tiết.

14:30 Ngày 06/11/2020

Giải pháp thay thế chôn lấp rác thải

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về giải pháp thay thế cho chôn lấp rác thải. 

Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thống nhất quản lý đối với chất thải rắn sinh hoạt. Vấn đề lãng phí cạn kiệt tài nguyên bởi vì rác chưa được coi là tài nguyên chưa tiến hành tái chế và công nghệ chưa đạt yêu cầu trong Luật bảo vệ môi trường. Cần khuyến khích việc người dân phân loại rác và có chính sách khuyến khích tái chế tái sử dụng rác thải hiện. Thủ tướng đã có chỉ đạo và huy động lực lượng liên minh các doanh nghiệp tham gia vào liên minh về tái chế rác, đặc biệt là rác thải nhựa cùng với đó là chính sách kinh tế về rác. Xác định trách nhiệm của người gây ô nhiễm, phải trả tiền. Việc này đã có quy định ở trong luật. Vấn đề xác định người dân sẽ tham gia vào công tác phân loại rác. Nhà nước sẽ hỗ trợ phần thu gom và xử lý. Bên cạnh đóng góp của người dân. Cần xác định tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật đối với công nghệ và xác định việc xử lý rác và dịch vụ sẽ tiến hành đấu giá.

14:24 Ngày 06/11/2020

Bộ Thông tin Truyền thông xử lý mạnh tay tin giả, tin xấu độc

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Trả lời các câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Liên quan đến cơ quan chủ quản báo chí, mỗi cơ quan tổ chức đều có chức năng nhiệm vụ riêng. Cơ quan báo chí phải bám theo nhiệm vụ này bám theo tôn chỉ, mục đích để tuyên truyền để vẽ lên bức tranh toàn cảnh của Việt Nam. Nếu không có sự phân vai thì có thể lệch bên này hoặc lệch bên kia; nhiều chỗ này, ít chỗ kia và nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội không được đề cập.

Hoạt động theo tôn chỉ mục đích sẽ góp phần viết chuyên sâu. Đây là vấn đề báo chí còn yếu. Đây là cách tiếp cận của Việt Nam đã được luật định.

Cũng có ý kiến cho rằng, hoạt động theo tôn chỉ mục đích sẽ hạn chế quyền cơ quan báo chí, đặc biệt là chống tham nhũng. Cơ quan đi theo báo chí chuyên ngành thì toàn quyền đăng tải thông tin vụ việc theo chuyên ngành của mình.

Thời gian qua, một số nhà báo tác nghiệp không đúng chuyên ngành của mình gây khó khăn cho tổ chức và ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh cơ quan báo chí.

Bộ Thông tin Truyền thông sẽ xử lý những cơ quan báo chí hoạt động không đúng mục đích.

Về vấn đề tin "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" thì việc này đã xảy ra vào năm 2017. Mỗi tuần hàng chục vụ xảy ra. Từ năm 2018, Bộ TTTT đã dùng công nghệ phát hiện và đã nhắc nhỏ, xử lý vi phạm.

Hiện nay hiện tượng này đã giảm, khoảng 2 vụ/tuần và chủ yếu do lỗi biên tập.

Về tin sai, tin giả là vấn nạn toàn cầu. Tin giả tại Việt Nam chủ yếu xảy ra ở nền tảng xuyên biên giới và chủ yếu là trên facebook, youtube. Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng và các nền tảng này phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam.

Bộ TTTT xác định làm sạch không gian mạng là nhiệm vụ trọng tâm và làm quyết liệt. Về thể chế thì đã ban hành Nghị định 15. Về công cụ quản lý thì đã nâng cấp Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và có năng lực xử lý 300 triệu tin/ngày và hình thành đường dây nóng để tiếp nhận để xử lý.

Bộ cũng đã làm việc với các nền tảng như facebook và gỡ bỏ tăng từ 10% lên 95%; youtube tỷ lệ gỡ từ 50% lên 90%. Tin xấu độc trên facebook gỡ bỏ tăng 30 lần so với năm 2017. Gỡ bỏ video xấu độc trên youtube tăng 8 lần so với năm 2017…

Xử lý vi phạm hành chính từ đầu năm đến nay gỡ bỏ hàng trăm trường hợp tin sai, tin giả. Năm 2021, Bộ sẽ sửa Nghị định liên quan mạng xã hội và xử lý tin sai, tin giả; Ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; Yêu cầu định danh người sử dụng mạng xã hội vì đây là giải pháp căn cơ để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội là vô danh và vì thế vô trách nhiệm.

Bộ tiếp tục phát triển công cụ rà quét và quản lý không gian bằng công nghệ. Việc quản lý nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam. Bộ TTTT phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu nền tảng xuyên biên giới đóng thuế, kiểm soát dòng tiền thanh toán.

Có 4 công ty lớn phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ đô la nhưng chưa đóng thuế. Bộ cũng đề nghị Quốc hội xử phạt có tính răn đe. Việt Nam đang xử phạt con số tuyệt đối và chưa xử phạt theo doanh thu. Các nước phạt trên doanh thu, có nước phạt mức 4%.

14:23 Ngày 06/11/2020

Định danh người dùng để hạn chế tin giả

Trả lời chất vấn đại biểu Vũ Thị Thủy (đoàn Hải Dương), Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Tin giả ở Việt Nam chủ yếu xảy ra trên các nền tàng xuyên biên  giới", và cho biết một số giải pháp mà Bộ Thông tin Truyền thông đã áp dụng để hạn chế tình trạng tin giả. Trong số nhiều giải pháp, Bộ trưởng cho biết biện pháp định danh người dùng là  giải pháp căn cơ.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
14:18 Ngày 06/11/2020

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kéo dài chương trình hỗ trợ đồng bào các dân tộc ít người và rất ít người đến năm 2021

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 và Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025 là hai quyết định có ý nghĩa chính trị quan trọng, kịp thời hỗ trợ đồng bào thiểu số.

Tuy nhiên do các địa phương ở miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo khó tiếp cận về nguồn lực, chính sách, giải pháp thực hiện; đồng thời ban hành vào năm 2016, sau khi Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tư côn trung hạn, nên Chính phủ chưa đưa vào các nghị quyết thực hiện. Đến năm 2019 mới bắt đầu triển khai, nên chậm hơn so với muc tiêu đề ra. Bên cạnh đó, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện theo hai quyết định này cần có hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc để áp dụng trong thực tế. Do vậy, chưa phát huy được hiệu quả cụ thể.

Vì vậy, để đảm bảo thực hiện hiệu quả hai quyết định này thời gian tới, nhằm tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về đời sống, sản xuất; từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn; góp phần giảm nghèo bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác trong cả nước; cũng như kịp thời hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 tại các thôn, bản, xã, thị trấn thuộc 37 huyện của các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum... Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo hai quyết định này đến hết năm 2021, đảm bảo theo sát kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ đồng bào dân tộc.

14:15 Ngày 06/11/2020

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn về sắp xếp hệ thống quản lý thú y trong toàn hệ thống

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 Về sắp xếp tổ chức hệ thống thú y trong thời gian tới: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) được giao về nhiệm vụ phải sắp xếp hệ thống quản lý thú y trong toàn hệ thống, đó là việc sáp nhập các đơn vị thú y thành trạm chăn nuôi thú y. Thời gian qua trong khi tình hình dịch bệnh xảy ra, có tình trạng không đáp ứng được yêu cầu trong quản lý trong phòng chống bệnh. Các địa phương hợp nhất các trạm này là có cơ sở pháp lý theo Nghị quyết của Chính phủ. Chính phủ đã có Quyết định số 357 và Bộ Nội vụ đã có công văn 1830 báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan để rà soát hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương về quản lý hệ thống thú y để đảm bảo dập tắt khống chế và phòng ngừa dịch bệnh. Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án tăng cường năng lực hệ thống, các cấp trong giai đoạn tới; đã đề nghị địa phương đề xuất hệ thống quản lý mô hình thú y căn cứ vào Nghị định 107 về cơ quan chuyên mô cấp tỉnh, Nghị định 108 về cơ quan chuyên môn cấp huyện để xây dựng mô hình quản lý thú y tốt nhất trong thời gian tới Tôi mong các địa phương có ý kiến sớm đóng góp Đề án; đồng thời sẽ ban hành các văn bản quy định tiếp theo để xây dựng ngành thú y đủ sức khống chế dịch bệnh trong thời gian tới.

 

14:11 Ngày 06/11/2020

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao trả lời chất vấn

Chú thích ảnh
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.
14:04 Ngày 06/11/2020

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn về an ninh mạng

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời câu chất vấn về việc ban hành Nghị định về An ninh mạng, trong đó nhấn mạnh: Chúng ta đang cân đối giữa các nội dung của quốc tế với luật pháp Việt Nam, từ đó có danh mục các thông tin quan trọng, là căn cứ để phê duyệt Nghị định này.

Trả lời ý kiến của đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên), Bộ trưởng cho biết: Ngay sau khi Quốc hội thông qua luật An ninh mạng, Bộ Công an đã tích cực xây dựng các văn bản có liên quan để triển khai thực hiện. Hiện nay đã có các văn bản như các nghị định, quy định theo phạm vi Luật như: Nghị định số 04 ngày 27/12 về trình tự thủ tục áp dụng một số biện pháp đảm bảo an ninh mạng, đã đi vào cuộc sống; về danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia đã triển khai xong và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ; theo trình tự còn Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng đã dự thảo xong và báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã cho ý kiến. Hiện còn một số văn bản chưa ban hành được do các vấn đề về đối ngoại, cân đối, xem xét sự phù hợp với các luật pháp quốc tế và Việt Nam nên chưa ký ban hành được. Vì chưa ký ban hành nên chưa có căn cứ để thực hiện, ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. 

Chú thích ảnh
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng Tô Lâm cũng trả lời 2 câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về quyền tố tụng của luật sư. Bộ trưởng khẳng định: Cơ quan điều tra luôn tạo điều  kiện cho luật sư tham gia tố tụng theo quy định.

Về chủ trương chung, và trên thực tiễn, các cơ quan điều tra luôn tạo điều kiện tối đa cho luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra theo đúng quy định. Ngày 10/10/2019, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 46 của Bộ quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền được bào chữa cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã người bị tạm giữ, bị can và bảo vệ quyền của và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; trong đó đã có quy định rất cụ thể các biện pháp để thực hiện các quyền nêu trên và tạo điều kiện cho luật sư tham gia. Trong năm 2020, cơ quan điều tra các cấp đã cấp 3.765 giấy chứng nhận bào chữa theo yêu cầu các bị can, tăng 2,42% so với trước, và 7.156 giấy chứng nhận bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, cũng tăng 17,08%.

Về vấn đề tiêu cực của một số công an cơ sở, nếu có là trường hợp hết sức cá biệt. Hiện chúng tôi đã điều một lực lượng lớn công an xuống cơ sở, từ cấp phường, thị trấn, cấp xã đã được nhân dân ủng hộ, động viên. Với quan điểm là kiên quyết trong xử lý các sai phạm tiêu cực, không bao che bất cứ trường hợp nào, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp chống nhũng nhiễu, tiêu cực cho công an cơ sở như: Tăng cường giáo dục tư tưởng với quan điểm danh dự là điều thiêng liêng, quan trọng; gắn trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị chiụ trách nhiệm quản lý, nếu cán bộ vi phạm thì xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý, không bao che; công khai, minh bạch các trường hợp xử lý. Nếu đại biểu cũng như người dân có phát hiện các trường hợp công an có những tiêu cực, vi phạm có trao đổi ở mọi cấp, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời, có thông báo rộng rãi.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng báo cáo thêm về tình trạng tội phạm giết người có chiều hướng gia tăng, thậm chí đáng lo ngại là người thân trong gia đình giết hại. Theo Bộ trưởng, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp để khắc phục sự xuống cấp trong đạo đức xã hội. Đề nghị các cấp các ngành phối hợp lực lượng công an nắm bắt thông tin,  giải quyết sớm các vấn đề cấp cơ sở, quản lý tốt các đối tượng.

14:00 Ngày 06/11/2020

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Chú thích ảnh
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đúng 14 giờ, ngày 6/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ định các Bộ trường trà lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Công an là người đăng đàn đầu tiên, trả lời về an ninh mạng.

11:13 Ngày 06/11/2020

Hàng loạt câu tranh luận và chất vấn chờ trả lời vào chiều 6/11

Về cuối phiên chất vấn sáng 6/11, hàng loạt đại biểu đăng ký chất vấn. Một số đại biểu tranh luận lại các nội dung mà các Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, Lao động- Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và ý kiến của đại biểu Lê Thanh Vân (về trường ĐH Tôn Đức Thắng).

Đại biểu Vũ Thị Thuỷ (đoàn Hải Dương):

Hiện nay tình trạng lợi dụng mạng xã hội thông tin sai lệch về tình hình đất nước, bôi nhọ, xuyên tạc, bại đặt về cá nhân đưa thông tin giả mạo làm hoang mang trong nhân dân. Vậy với chức năng, nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông có giải pháp gì để hạn chế tình trạng trên?

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (đoàn TP Đà Nẵng):

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa (thành phố Đà Nẵng) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Theo báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2019 đã lập ra nhiệm vụ rất quan trọng cho năm 2020 là xác định đúng vai trò thể chế là then chốt, là khâu đột phá quyết định hiệu quả nền kinh tế, hoàn thiện pháp luật là ưu tiên hàng đầu là nền tảng quan trọng. Tuy nhiên trong thực tế tình trạng các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo và không phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế xã hội ở nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là những quy định có liên quan đầu tư, kinh doanh. Hoặc là quy định liên quan đến gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ mua sắm trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập không phù hợp với thực tiễn. Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của tình trạng này cũng như các giải pháp khắc phục dứt điểm trong thời gian tới?.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng ( Bến Tre):

Câu hỏi 1 gửi tới đồng chí Chánh án: Hiện nay, Luật sư là một trong chủ thể tranh tụng. Làm thế nào để Luật sư được thực hiện quyền theo pháp luật mà không bị cản trở trong qúa trình tố tụng trên nguyên tắc tranh tụng. Tôi cũng xin gửi câu hỏi này tới Viện trưởng Viện Kiểm soát và Bộ trưởng Công An.

11:07 Ngày 06/11/2020

Phát triển mạng xã hội theo hướng chia sẻ doanh thu với người dùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng trả lời về phát triển mạng Lotus:

Trong 2 năm gần đây, mạng xã hội Việt Nam có sự phát triển bứt phá. Năm 2018, các mạng xã hội Việt Nam, số tài khoản chỉ có 47 triệu, chỉ bằng 50% các mạng lớn của nước ngoài Facebook và Youtube. Đến nay, mạng xã hội Việt Nam đạt 96 triệu tài khoản, tương đương 2 mạng nước ngoài lớn. Thời gian qua có nhiều mạng xã hội mới ra đời. Hiện nay chúng ta đã cấp phép trên 800 giấy phép mạng xã hội Việt Nam, tập trung thị trường ngách, trong đó Lotus. Các mạng xã hội này đều xây dựng từ nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân theo cơ chế thị trường. Bộ TT-TT có vai trò hỗ trợ truyền thông, tháo gỡ cơ chế chính sách. Hiện, mạng Lotus có khoảng gần 3 triệu tài khoản, mạng GaPo có khoảng 6 triệu tài khoản. Các mạng xã hội trong nước đang phát huy thế mạnh về nền tảng dịch vụ chuyên ngành của mình; đa dịch vụ kết hợp thanh toán qua di động nhằm tạo hệ sinh thái số Việt Nam, đáp ứng đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Các mạng xã hội tập trung vào thị trường ngách, có từ 5 triệu đến 10 triệu tài khoản là cao. Thời gian tới, Bộ TT-TT tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạng xã hội trong nước theo hướng chiếm lĩnh các thị trường ngách với các đặc điểm khác biệt như: Mạng xã hội là nền tảng, do vậy chia sẻ doanh thu với người dùng; có công cụ chọn lọc ngay từ đầu đảm bảo nền tảng sạch; công khai thuật toán với người dùng; cho phép phát triển các nền nảng con trên nền tảng mẹ.

11:06 Ngày 06/11/2020

Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và xã hội trả lời về vấn đề lương hưu

Chú thích ảnh
ộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đại biểu Hoàng Văn Liên (đại biểu tỉnh Long An) chất vấn:

Hiện nay, lương hưu trước và sau năm 1993 có khoảng cách chênh lệch rất lớn. Lương hưu của người về hưu năm 1993 rất thấp, đời sống rất khó khăn. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết lý do và giải pháp điều chỉnh cơ bản điều chỉnh chế độ tiền lương với người về hưu trước năm 1993 để đảm bảo cuộc sống. Nghị quyết của Quốc hội triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 yêu cầu soạn thảo trình ban hành 70 Luật, Nghị quyết nhưng đến nay chưa xong, đã được nhắc đến trong báo của Quốc hội. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết lý do và giải pháp?

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) trả lời:

Về lương hưu trước và sau năm 1993 có chênh lệch, giải pháp sắp tới? Đây là sự day dứt của chúng tôi trong quá trình làm chính sách. Số người hưởng lương hưu trước năm 1993 hiện 592.000 người. Theo tôi, có 3 lý do căn bản: Phần đa số này, thời gian hưởng lương trước đây rất thấp; 40% số này là số nghỉ hưu sớm trước tuổi, còn lại 1/3 trong lực lượng vũ trang. Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã 12 lần điều chỉnh mức lương hưu theo mức cao hơn bình quân. Tuy nhiên, mức lương hưu trước năm 1993 rất thấp, mức thấp nhất là 3 triệu, người cao nhất là 8 triệu đồng.

Để giải quyết vấn đề căn bản này, chúng ta chỉ có thể giải quyết khi điều chỉnh chính sách cải cách lương theo 3 nguyên tắc, thứ nhất dựa trên chính sách bảo hiểm xã hội; thứ 2 là tính toán, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với người đang làm việc; thứ 3 là điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch tiền lương của người nghỉ hưu cùng chức vụ, cùng vị trí việc làm và cân đối giữa các thời kỳ.

11:00 Ngày 06/11/2020

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời về mô hình quản lý Khu Di tích quốc gia

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đại biểu tỉnh Hải Dương) chất vấn:

Tôi gửi đến Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch câu hỏi: Luật Du lịch sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018 nhưng cho đến nay quy định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh vẫn chưa được ban hành. Trong lĩnh vực di sản văn hoá vẫn chưa có quy định thống nhất về quy định quản lý di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt, dẫn đến tình trạng mỗi nơi quản lý một kiểu, điều này mang lại nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý. Trong thời gian tới, Bộ trưởng có giải pháp gì giải quyết vấn đề trên?

Kỳ họp thứ 8, tôi đã chất vấn Bộ trưởng về sự phát triển của mạng Lotus và Bộ trưởng đã nêu các giải pháp cam đoan là Lotus sẽ phát triển nhưng cho đến thời điểm hiện tại mạng này khá im hơi lặng tiếng. Vậy trong thời gian tới giải pháp của Bộ trưởng là gì? Khai tử mạng này hay là tiếp tục tìm giải pháp cho lotus phát triển?.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) Nguyễn Ngọc Thiện trả lời:

Về triển khai Luật Du lịch: Bộ Văn hóa đã tham mưu Chính phủ ban hành 3 Nghị định, Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Một nội dung Bộ ban hành mô hình quản lý Khu du lịch. Hiện nội dung này chưa hoàn thành theo Luật Du lịch. Có 2 mô hình, mô hình gắn công tác quản lý và tổ chức bộ máy; tổ chức bộ máy không thuộc thẩm quyền của Bộ VHTT-DL. Trong quá trình Bộ Văn hóa nghiên cứu để tham mưu hoặc hướng dẫn mô hình này đã gặp khó khăn. Vừa rồi, chúng tôi đã tổ chức hội nghị, hội thảo về vấn đề này, các khu du lịch, quản lý di tích, nơi trực thuộc UBND tỉnh, nơi thì trực thuộc Sở VHTT-DL, nơi trực thuộc quyền của thành phố. Mô hình hướng dẫn, tổ chức bộ máy, cái này Bộ trưởng Bộ Nội vụ nắm rõ. Trong Luật Du lịch có giao Bộ VHTT-DL hướng dẫn mô hình. Chúng tôi đang nghiên cứu và dự kiến sớm nhất năm sau sẽ có hướng dẫn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang gặp những vướng mắc trên, mong sớm được giải quyết.

10:52 Ngày 06/11/2020

Nên tôn trọng Luật Giáo dục Đại học

Tranh luận về phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại biểu Lê Thanh Vân đã trình bày ý kiến và đề nghị các cơ quan chức năng "Nên tôn trọng Luật Giáo dục Đại học".

10:50 Ngày 06/11/2020

Việc kỷ luật Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng có đúng thẩm quyền về pháp lý?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân về thẩm quyền về pháp lý đối với việc  kỷ luật Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng.

10:42 Ngày 06/11/2020

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời các câu hỏi chất vấn

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu:

Về vấn đề chống dịch hiện nay, cơ bản có thể ví “bên ngoài sóng to gió lớn, bên trong mình là vùng trũng phải bao chặt”, chúng ta đã kiểm soát rất chặt chẽ, không chỉ những người nhập cảnh trái phép mà cả hợp pháp vào phát triển kinh tế, đón người Việt Nam về nước. Chúng ta đã đón khoảng 200.000 người là các chuyên gia lao động nước ngoài, người Việt Nam chủ yếu là học sinh sinh viên từ các nước về. Bên cạnh đó, căn cơ hơn là bên trong phải an toàn, Thủ tướng đã chỉ đạo và đang làm rất sát là tất cả các cơ sở như: Các cơ sở y tế, bệnh viện, viện dưỡng lão, trường học, các cơ sở lưu trú, nhà máy công xưởng… phải thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn đảm bảo an toàn dịch. Chúng tôi đã đưa lên Bản đồ số chung sống an toàn với dịch COVID-19, các cơ sở phải tự chấm điểm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu ở mức “xanh” mới được tiếp tục hoạt động. Theo dự báo, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần chống dịch ít nhất là đến hết năm 2021.

Về vấn đề vắc xin hiện nay, để có một vắc xin phải mất từ 5- 10 năm mới biết vắc xin đó phòng bệnh trong bao lâu, có tác dụng phụ không? Hiện tại các nước vẫn đang nỗ lực sản xuất vắc xin phòng COVID-19. Theo số liệu hiện nay, trên thế giới có khoảng trên 150 ứng viên vắc xin; việc nghiên cứu sản xuất vắc xin phải trải qua các bước: Thử trong phòng thí nghiệm, thử trên động vật nhỏ trong phòng thí nghiệm, thử trên động vật gần với người, và 3 vòng thử trên người. Trên thế giới hiện có hơn 150 ứng viên vắc xin, hiện có 32 vắc xin bắt đầu thử nghiệm trên người trong đó có 10 vắc xin thử nghiệm vòng 3 (Trung Quốc có 4 loại, Mỹ có 4, Nga có 1, Anh có 1). Việt Nam có 4 đơn vị nghiên cứu vắc xin, trong đó có 2 đơn vị đã tương đối đi trước, dự kiến cuối năm nay sẽ thử nghiệm vòng 1 trên người. Như vậy với vắc xin trong nước, nếu nhanh nhất và thuận lợi cũng phải cuối 2021, đầu 2022 mới sản xuất được. Việc mua vắc xin trên thế giới cũng không kém phần khó khăn, đây cũng là vấn đề đang nóng trên toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh vắc xin toàn cầu đã thành lập ra Chương trình gồm 92 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia với tham vọng có thể cung cấp vắc xin giá rẻ, có trợ giá với chỉ khoảng 2 đô là/liều, nhưng mới chỉ hy vọng có thể cung cấp tối đa cho khoảng 20% người dân. Tuy nhiên hiện cũng chưa có nhà sản xuất vắc xin cam kết sẽ bán vắc xin cho tổ chức này. Việt Nam cũng đang làm việc với tất cả các đối tác có thể mua vắc xin trực tiếp… Tuy nhiên, việc mua vắc xin sớm không hề dễ, vì nhu cầu cao hơn năng lực sản xuất và chưa có gì chắc chắn cả. Vì vậy giải pháp căn cơ nhất vẫn là phòng dịch, chung sống an toàn với dịch.

Chúng ta không thể chủ quan, ngay trong ngày hôm nay (6/11), thế giới vẫn đang có nửa triệu ca nhiễm mới/ngày, Việt Nam vẫn an toàn và phải nỗ lực để có thể chung sống an toàn với dịch. Tất cả các địa phương, cơ sở, mỗi người dân phải tự giác trong phòng chống dịch.

10:27 Ngày 06/11/2020

Chất lượng giáo dục trong các trường nghề

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ:

 Khối lượng văn hoá được dạy trong các trường phổ thông, dạy trong các trường bổ túc văn hoá, trường nghề là vấn đề hết sức phức tạp. Bộ đã chỉ đạo các ban soạn thảo tính toán như thế nào là phù hợp.

Trong quá trình chuẩn bị thông tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo trực tiếp về dạy theo chương trình theo quy định. Căn cứ Luật giáo dục 2019, quy định các trường nghề được dạy khối lượng văn hoá do Bộ GD&ĐT quy định. Đến nay, chúng tôi đã soạn xong dự thảo Thông tư nhưng còn nhiều điểm để đối chiếu thì mới ban hành vào khoảng tháng 12 năm nay. Tránh tình trạng có sự nhầm lẫn kiến thức văn hoá giữa trường phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm nghề nghiệp.

Trong quá trình chưa ban hành thông tư mới, chúng tôi có công văn trả lời Bộ Lao động Thương binh và Xã hội theo công văn số 4656. Cụ thể, đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trước hết đồng ý các trường nghề vẫn dạy đến khi có các văn bản mới. Như vậy, Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp để sớm ban hành thông tư này. Cố gắng khi ban hành thông tư ra phải có tính khả thi, thực tế

10:24 Ngày 06/11/2020

Lũ lụt do thiên tai hay "nhân tai"

Đặt câu hỏi chất vấn với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đại biểu Lê Thanh Vân thẳng thắn: Nguyên nhân lũ lụt là do thiên tai hay "nhân tai"?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
10:20 Ngày 06/11/2020

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận về "đạo đức công vụ"

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu: Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh)  đặt câu hỏi cho Chánh án Toà án nhân dân tối cao: Tôi cho rằng vấn đề nan giải nhất hiện nay, theo khảo sát của tôi và nhiều cử tri phản ánh là đạo đức công vụ, xin Chánh án Toà án nhân dân tối cao cho biết thực trạng vấn đề này như thế nào? Giải pháp cuả Chánh án để nâng cao đạo đức công vụ để loại bỏ những người không đủ đạo đức? Câu hỏi cho Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Vấn đề bảo vệ rừng là quan hệ giữa phát triển và bảo vệ. Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh có một nhà đầu tư đầu tư làm dự án lớn là lấp biển Cần Giờ, có những nhà khoa học vf cử tri băn khoăn nó sẽ tác động xấu đến khu dự trữ sinh quyển và rừng ngập mặn là rừng phòng hộ của Cần Giờ. Xin hỏi Bộ trưởng có theo dõi dự án này không, làm sao để dự án vẫn triển khai với ý định tốt đẹp là thúc đẩy kinh tế những vẫn bảo vệ được khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ?

10:15 Ngày 06/11/2020

"Không phải hành vi nào vi phạm về môi trường cũng đưa ra xử lý được"

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Hiển về việc vì sao phát hiện nhiều vi phạm về môi trường, song đến nay chưa truy cứu trách nhiệm hình sự trường hợp nào, kể cả những vụ vi phạm nghiêm trọng, ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trả lời câu hỏi của đại biểu: Không phải hành vi nào vi phạm về môi trường cũng đưa ra xử lý được. Vì lệ thuộc vào mức độ định lượng gây ra ô nhiễm môi trường thì chúng ta mới xử lý hình sự. Trong quy định pháp luận hiện hành có nêu những trường hợp vi phạm xử lý hành chính rồi mà vi phạm nữa, mới xử lý hình sự. Có những sai phạm cá nhân núp bóng pháp nhân vi phạm. Ví như giám đốc công ty chỉ đạo xả thải gây ô nhiễm, khởi tố điều tra rồi nhưng công ty này có xử lý tiếp không? Căn cứ truy tố còn là vấn đề. Cần có hướng dẫn của các cấp, nghị quyết đến thông tư liên tịch quy định rõ tình tiết cụ thể để cơ quan thực thi. Hiện nay cán bộ thực thi có lúng túng. Sợ nếu làm tốt nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể sẽ oan; đề nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xác định nguyên nhân để khắc phục, trong đó có cả hướng dẫn và thực thi pháp luật.

10:05 Ngày 06/11/2020

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Kiên quyết xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân phá rừng

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, độ che phủ rừng của Việt Nam (41%) hiện nay thấp hơn các nước trong khu vực như Lào (58%), Campuchia (47%)... là do diện tích tài nguyên đất tự nhiên, đất rừng của các nước trong khu vực nếu chia bình quân đầu người thì Việt Nam sẽ thấp hơn. Cụ thể, Lào có 18 triệu ha đất tự nhiên trên tổng số đầu người khoảng 5 triệu dân, chia bình quân thì Việt Nam sẽ thấp hơn. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng hiện nay tại các địa phương hạn chế, bị buông lỏng, nguồn lực và nhân lực bảo vệ rừng mỏng, chưa bị truy cứu trách nhiệm kiên quyết... dẫn đến diện tích rừng bị suy giảm. Thêm vào đó, diện tích rừng của Việt Nam phục hồi từ năm 1990 đến nay, chủ yếu là rừng non, chưa đảm bảo chất lượng, nhất là công tác tăng độ che phủ rừng.

Trước thực trạng trên, để tăng cường công tác bảo vệ rừng, tăng do che phủ rừng, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc để siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng, đảm bảo việc khai thác rừng, chuyển đổi diện tích sử dụng rừng phải tuân thủ nghiêm ngặt đúng phát luật; có chương trình riêng của Chính phủ về bảo vệ rừng theo hướng tập trung hơn; giải quyết dứt điểm tinh trạng di dân tự do của khoảng 24.000 hộ dân tại các địa phương có rừng. Đặc biệt, phải kiên quyết xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu để xảy ra tình trạng phá rừng, mất rừng.

10:04 Ngày 06/11/2020

Vì sao độ che phủ rừng thấp?

Phần trả lời chất vấn của Bộ Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn được Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trả lời thẳng: Vì sao độ che phủ rừng thấp?

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
10:03 Ngày 06/11/2020

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng đàn

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu về kinh phí đổi mới giáo dục từ ngân sách nhà nước và nguồn đi vay từ World Bank để biên soạn sách giáo khoa và tập huấn cho giáo viên:

 Chính phủ phê duyệt dự án cho đổi mới chương trình sách giáo khoa tổng thể là 80 triệu USD. Trong đó 77 triệu USD vay ODA, còn 3 triệu USD đối ứng. Trong cấu phần dành cho biên soạn bộ sách giáo khoa theo thiết kế ban đầu, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ báo cáo Quốc hội là không sử dụng khoản tiền này nữa, Bộ GD&ĐT trả lại 16,5 triệu USD xây dựng sách giáo khoa, nên khoản này vẫn để trong World Bank. Số tiền còn lại xây dựng chương trình, Bộ đã triển khai xây dựng chương trình và các hoạt động phát triển chương trình tổng thể môn học. Cho đến tháng 12/2020, phấn đấu "tiêu được" 12 triệu USD (hơn 200 tỷ). Còn lại số tiền sau khi rà soát lại tất cả chi phí không thiết thực liên quan đến tập huấn tăng cường không hiệu quả, chúng tôi trả lại chính phủ. Tổng số tiền là 29,7 triệu USD.

Như vậy số tiền tiết kiệm trả lại, chi vào khoản thực chi, tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hoá sách giáo khoa. Tăng cường kiểm soát chất lượng sách giáo khoa, tiết kiệm chi ngân sách cho biên soạn SGK, trừ trường hợp không có Bộ sách nào, cuốn sách nào của các nhà xuất bản trên, lúc ấy Bộ sẽ phải làm theo đúng Nghị quyết 122 mà kỳ họp thứ 9 Quốc hội vừa rồi.

 

10:01 Ngày 06/11/2020

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông giải trình về chất lượng 5G

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời:

Câu hỏi đại biểu Nguyễn Lân Hiếu là câu hỏi khó: Chúng ta làm 5G có chậm không, nếu làm nhanh có tốn kém?

Chúng ta làm 5G không chậm. Năm 2019 đã thử nghiệm kỹ thuật; 2020 khi liên minh viễn thông thế giới công bố chuẩn thì chúng ta cho thí nghiệm thử nghiệm thương mại, tức là kinh doanh có thu phí; 2021 triển khai diện rộng. Nhìn lịch sử quá khứ Việt Nam, 2G đi cùng nhịp với thế giới năm 1992. Chuẩn ra đời năm 1990 lọt vào top cao của thế giới, nhưng đến 3G, 4G chậm hơn 7, 8 năm. Chúng ta xếp hạng 108 vào năm 2017. Đến năm nay lên hạng 77.

Nếu triển khai sớm liệu có tốn kém? Chúng ta riển khai theo 5 pha. Pha 1 là làm thành phố lớn, trung tâm đông người, để khi 4G đang bị nghẽn, đồng thời triển khai khu công nghiệp, khu nghiên cứu, trường đại học để phục vụ nghiên cứu công nghệ mới, chi phí không lớn. Chúng ta triển khai 5G dựa trên hạ tầng đã có 4G (nhà trạm, cột ăng ten, truyền dẫn), tức là 70% dùng lại được.

Triển khai 5G với tinh thần dùng chung cơ sở hạ tầng. Bộ đã đề nghị các doanh nghiệp xây dựng phương án, chắc trong năm nay ra quy định dùng chung cơ sở hạ tầng 5G, kể cả dùng chung thiết bị. Chúng ta làm làm 5G đồng thời với 2G, 3G khai thác cho các nhà mạng. Một tin rất vui là khi triển khai diện rộng có thiết bị 5G của Việt Nam, chắc chắn chất lượng tốt, giá rẻ hơn và tiết kiệm chi phí cho nhà mạng.

09:56 Ngày 06/11/2020

Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải trình về Nhà ở xã hội

Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) về vấn đề nhà ở xã hội: Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, theo tính toán đến năm 2020, chúng ta cần khoảng 12,5 triệu mét vuông cho nhà ở xã hội. Vấn đề này Đảng nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chủ trương chính sách để phát triển. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chương trình riêng với nhiều chính sách như: Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bao gồm: Miễn giảm tiền sử dụng đất, một số loại thuế, trợ giúp cơ sở hạ tầng… với người mua có chính sách hỗ trợ lãi suất để dân vay mua nhà ở xã hội.

Với sự cố gắng của các địa phương, kết quả đến nay đã xây dựng được 5,2 triệu mét vuông nhà ở xã hội; trong đó có 2,8 triệu mét vuông cho nhà ở xã hội ở đô thị, 2,3 triệu mét vuông cho công nhân ở khu công nghiệp. Tuy đã có cố gắng nhưng hiện mới giải quyết được 41,5 % so với yêu cầu về nhà ở xã hội hiện nay.

Khó khăn, tồn tại lớn nhất trong vấn đề nhà ở xã hội hiện nay là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội do cơ chế chính sách hiện chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư, thủ tục đầu tư xây dựng, phê duyệt giá bán, đối tượng mua nhà còn nhiều bất cập, thiếu nguồn ngân sách hỗ trợ cho người dân mua nhà ở xã hội theo quy định. Theo nhu cầu chúng phải phải dành 9.000 tỷ ngân sách để hỗ trợ nhưng hiện nay mới bố trí được có 4.000 tỷ. Các địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất, chưa quan tâm đến việc hỗ trợ, chưa quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân.

Về giải pháp thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng đã nhiều chỉ đạo. Hiện đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, quy định diện tích căn hộ tối thiểu khép kín là 45 mét vuông, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư bố trí căn hộ trong các dự án xã hội nói chung và dự án các nhà ở khác; Chính phủ bố trí 4.000 tỷ lãi suất để vay mua, đại phương cũng quan tâm bố trí quỹ đất, thực hiện các chính sách ưu đãi riêng của địa phương… Tuy nhiên vẫn cần thêm các giải pháp căn cơ như: Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch để tạo điều kiện phê duyêt, câps phép các dự án; nhất là bố trí đủ quỹ đất vì hiện nhiều địa phương nhu cầu rất nhiều nhưng chưa bố trí được quỹ đất cho nhà ở xã hội; tăng cường đầu tư hạ tầng hàng rào để kết nối các dự án nhà ở xã hội và các dự án khác… Đặc biệt, tới dây sẽ có sửa đổi căn bản nghị định 100 để tạo cơ hội thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và cho người dân mua nhà ở xã hội. Chúng tôi cũng đang báo cáo Chính phủ để ra chính sách hỗ trợ nhà ở giá thấp, có diện tích nhỏ hơn 70 mét vuông, giá bán từ 15. Triệu đồng/mét vuông. Theo phân tích hiện nay, hiện có các khu chung cư cơ cấu diện tích nhỏ nhưng vẫn rất thiếu, khan hiếm sẽ được xử lý.

09:51 Ngày 06/11/2020

Quốc hội tiếp tục chất vấn

Ngay sau phiên giải lao, các đại biểu tiếp tục chất vấn. Sau phần chất vấn tiếp tục của 2 đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng là trưởng ngành đầu tiên đăng đàn trả lời câu chất vấn về nhà ở xã hội.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
09:29 Ngày 06/11/2020

Phải chăng năng lực bảo vệ rừng của chúng ta kém?

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đưa ra 2 câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Với câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Qua Google Map, chất lượng rừng ở nhiều nơi của Việt Nam rất thấp so với các nước có chung đường biên giới, nhất là Lào và Campuchia. Phải chăng năng lực bảo vệ rừng của Việt Nam không tốt bằng với các nước trên? Xin Bộ trưởng giải thích rõ hiện tượng này?

09:28 Ngày 06/11/2020

Chúng ta đã đầu tư bao tiền để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) chất vấn: Chúng ta đã đầu tư bao tiền để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh An Giang) chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu hỏi:

Công nghệ 5G đang phát triển mạnh thế giới. Trung Quốc có 100 triệu thuê bao, tổng chi phí đầu tư của Trung Quốc là 200 tỷ USD trong 5 năm. Xin được hỏi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Việc triển khai 5G của Việt Nam hiện có chậm trễ không? giải pháp nào để hạn chế tối đa sự tốn kém, lãng phí khi triển khai trên diện rộng.

Đại biểu hỏi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về chương trình đổi mới giáo dục. Bài toán kinh phí cho Chương trình đổi mới giáo dục Quốc hội khóa XIII là 462 tỷ đồng, vậy hiện nay trong thực tế chúng ta đã đầu tư chi trả bao nhiêu tiền từ ngân sách Quốc gia và vay từ World Bank để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới biên soạn bộ sách giáo khoa, tài liệu và tổ chức tập huấn.

09:27 Ngày 06/11/2020

Các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn

Sau các báo cáo, các đại biểu bắt đầu đặt câu hỏi chất vấn. 3 đại biểu đặt câu hỏi ngay trước giờ giải lao.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo đặt câu hỏi đầu tiên về thị trường nhà đối với người thu nhập thấp ở đô thị.

"Phân khúc nhà ở xã hội đang vắng bóng trên thị trường đô thị trong những năm gần đây (giai đoạn 2010 - 2020). Trong khi đối tượng thu nhập thấp tiếp cận nhà ở thương mại vẫn ngày càng khó khăn. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có giải pháp gì mang tính khả thi tốt nhất trong giai đoạn 2021 – 2026?

09:09 Ngày 06/11/2020

Tình trạng xây dựng không phép, không phù hợp với quy hoạch vẫn còn tiếp diễn

Theo Báo cáo tóm tắt nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII do Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, trong lĩnh vực xây dựng, tình trạng xây dựng không phép, không phù hợp với quy hoạch vẫn còn tiếp diễn. Cụ thể:

Hệ thống pháp luật về xây dựng được rà soát, hoàn thiện. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch đô thị tăng; chất lượng đồ án quy hoạch từng bước được cải thiện; việc rà soát, phân loại các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án nhà ở trên phạm vi cả nước đã cơ bản hoàn thành. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng ở hầu hết các địa phương đều được rà soát.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật liên quan đến loại hình bất động sản mới chưa đầy đủ. Chất lượng một số quy hoạch chưa cao; việc điều chỉnh quy hoạch tại một số dự án, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, điều chỉnh nhiều lần. Việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục và các cơ quan trong nội thành Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh triển khai chậm. Tình trạng xây dựng không phép, không phù hợp với quy hoạch vẫn còn tiếp diễn; công tác nghiệm thu chất lượng công trình chưa đảm bảo, vi phạm chưa được xử lý nghiêm. Nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp còn thiếu. Hoạt động đầu cơ bất động sản diễn ra khá công khai, gây bất ổn ở một số địa bàn.

09:07 Ngày 06/11/2020

Chưa xử lý được những bất cập trong quy hoạch, đầu tư, vận hành các dự án điện, đặc biệt là các dự án điện mặt trời

Theo Báo cáo tóm tắt nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII do Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, lĩnh vực công thương còn chưa xử lý được những bất cập trong quy hoạch, đầu tư, vận hành các dự án điện, đặc biệt là các dự án điện mặt trời. Cụ thể:

Hệ thống hạ tầng thương mại được chú trọng phát triển. Công tác phối hợp giữa hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường ngày càng hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp được tăng cường. Việc thực hiện Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đạt và vượt nhiều chỉ tiêu. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong xuất, nhập khẩu có nhiều chuyển biến tích cực. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp được cải thiện.

Tuy nhiên, việc ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 còn chậm. Tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm còn rất phức tạp. Chưa xử lý được những bất cập trong quy hoạch, đầu tư, vận hành các dự án điện, đặc biệt là các dự án điện mặt trời. Số lượng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thành lập mới chưa nhiều. Nguồn lực đầu tư và sự hỗ trợ của Nhà nước cho công nghiệp ưu tiên và công nghiệp hỗ trợ còn thấp. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm cơ khí còn nhiều yếu kém. Tỷ lệ nội địa hoá ngành ô tô thấp hơn mục tiêu đề ra.

09:06 Ngày 06/11/2020

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hoàn thiện

Theo Báo cáo tóm tắt nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII do Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hoàn thiện và hoạt động của doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn. Cụ thể:

Trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, việc cơ cấu lại các ngành kinh tế có chuyển biến tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, ứng dụng công nghệ cao tăng. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng về số lượng và chất lượng. Năng suất lao động tăng đều qua các năm. Khung chính sách về đầu tư công được hoàn thiện. Cơ cấu lại đầu tư công được chú trọng; kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được nâng cao. Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được ban hành. Nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hoàn thiện và hoạt động của doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; hiệu quả đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, còn xảy ra sai phạm. Việc tiếp nhận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi còn hạn chế. Tiến độ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2019 đạt thấp. Tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia chậm so với yêu cầu. Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Năng suất lao động còn thấp.

09:05 Ngày 06/11/2020

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Chú thích ảnh
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
09:02 Ngày 06/11/2020

Một số khó khăn và đề xuất của ngành Kiểm sát

Trong Báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày, ngành Kiểm sát có một số khó khăn, cần được giải quyết.

Một số khó khăn, thách thức:

Những năm qua, ngành Kiểm sát luôn nỗ lực, cố gắng thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, thách thức, như:

-Nhiều quy định mới của các đạo luật về tư pháp đã có hiệu lực thi hành nhưng nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đối với một số nội dung còn chưa thống nhất.Với những yêu cầu bảo vệ quyền con người được đề cao hơn trước của Hiến pháp năm 2013 và 07 đạo luật tư pháp mới; đồng thời,Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với những quy định trách nhiệm rất chặt chẽ đang là thách thức lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trách nhiệm của VKSND trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

-Thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị,trong 2 năm(2019, 2020)ngành Kiểm sát phải tinh giảnhơn 1.000 biên chế (hơn 6,3% tổng biên chế toàn Ngành) trong khi số vụ án hình sự khởi tố mới tăng hằng năm (năm 2019, khởi tố mới tăng 6.356 vụ, tăng 8,8%; năm 2020, khởi tố mới tăng 3.506 vụ, tăng 7%) và theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì nhiệm vụvà trách nhiệm trong phòng, chống oan, sai, bảo vệ quyền con người của Viện kiểm sát tăng lên rất nhiều.

- Số lượng biên chế của Ngành hiệnchưa đáp ứng được khối lượng công việc và yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra,trong khi hiện naykinh phí phân bổ chưa bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ chống oan, sai; chế độ, chính sách đối với công chức VKSND còn thấp, chưa tương xứng với nhiệm vụ đặc thù phải thực hiện (cùng tham gia trực tiếp điều tra, kiểm sát điều tra nhưng Kiểm sát viên, Điều tra viên của Ngành có chế độ chính sách và trang bị còn khác biệt lớn so với Kiểm sát viên, Điều tra viên trong Quân đội và Công an).

Một số kiến nghị:

Thông qua thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, ngành Kiểm sát kiến nghị Quốc hội một số vấn đề sau:

-Tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề; tập trunggiám sát những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm trong các ngành, giúp cho các cơ quan, người đứng đầu cơ quan chịu sự giám sát có cơ sở đánh giá, nhìn nhận khách quan, toàn diện hoạt động của ngành mình để có giải pháp khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế.

- Đề cao vai trò giám sát của các Đại biểu Quốc hội, nhất là đối với các cơ quan tư pháp ở địa phương, nhằm giúp cho các cơ quan tư pháp nắm bắt kịp thời, chính xác những hạn chế, tồn tại trong công tác, nhất là những nội dung gây bức xúc trong dư luận tại địa phương để từ đó có giải pháp chỉ đạo khắc phục, chấn chỉnh kịp thời ngay từ cấp sơ sở.

- Bảo đảm cho ngành Kiểm sát có đủ các nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật (về biên chế, chế độ đãi ngộ, về tiền lương, phụ cấp phù hợp với tính chất lao động đặc thù của Ngành; về cơ sở vật chất, trang thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin).

09:00 Ngày 06/11/2020

Hoàn thiện quy trình truy tố tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em

Trong Báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày, ngành Kiểm soát đã hoàn thiện quy trình truy tố tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em. Theo đó,  thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn Ngành thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định mới của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự trong giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em.Cụ thể:

(1) Chủ trì phối hợp với TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch số 06 ngày 21/12/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.

(2) Tham gia góp ý xây dựng các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành các tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em quy định trong Bộ luật hình sự, như: (i) Nghị quyết số 02 ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng các Điều 150, 151 Bộ luật hình sự năm 2015; (ii) Nghị quyết số 06 ngày 01/10/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục đối với người dưới 18 tuổi.

(3)Đã ban hành:(i) Hướng dẫn kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em; (ii) “Sổ tay Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án, vụ việc có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi” để thực hiện trong toàn Ngành.

(4)Tổ chứcnhiều lớp tập huấn về “Phòng, chống bạo lực gia đình” và “Phòng, chống bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em” cho cán bộ trong Ngành.

2.5. Xây dựng thông tư liên tịch phối hợp trong giải quyết các vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, VKSND tối cao đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Thông tư liên tịch về công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em; dự kiến ban hành vào cuối năm 2020.

08:59 Ngày 06/11/2020

Truy tố kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị

Theo Báo cáo tóm tắt do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày, thời gian qua, chúng ta đã truy tố kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị. Cụ thể:

Trong thời gian qua, toàn ngành Kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ việc liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị; đã phối hợp với các cơ quan tố tụng kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh nhiều vụ án xâm phạm đất đai đượcdư luận xã hội quan tâm (như vụ Nguyễn Thành Tài, vụ Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tp. Hồ Chí Minh; vụ Trần Văn Minh và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tp. Đà Nẵng).Qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát đã ban hành kiến nghịđối với các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đến đất đai(như kiến nghị Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Đà Nẵngvà Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

08:53 Ngày 06/11/2020

Thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và giải quyết yêu cầu bồi thường

Trong Báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày, ngành Kiểm sát đã thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và giải quyết yêu cầu bồi thường. Cụ thể: Thời gian qua, ngành Kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Qua đó,Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, hủy bỏ 78 quyết định khởi tố vụ án.Đồng thời, Viện kiểm sát đã trực tiếp khởi tố và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra 92 vụ án hình sự;trực tiếp hủy bỏ hơn 600 quyết định không khởi tố vụ án hoặc quyết định khởi tố vụ án; hủy hơn 3.300 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu căn cứ, trái pháp luật. Kết quả công tác kiểm sát đãgóp phần quan trọng bảo đảm việc khởi tố vụ án,bắt, tạm giữ, tạm giam và điều tra đúng pháp luật; hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm và oan, sai.

Trong giai đoạn điều tra, ngành Kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố và trong suốt quá trình điều tra. Thông qua kiểm sát,Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 2.898 bị can;hủy 1.119 quyết định khởi tố bị can và 138 quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ điều tra thiếu căn cứ, trái pháp luật. Tiến độ, chất lượng giải quyết án của Viện kiểm sát đều đạt 99,9% và vượt chỉ tiêu của Quốc hội, trong đó:tỷ lệ truy tố đúng thời hạn vượt 4,9%, tỷ lệ truy tố đúng tội danh vượt 9,9%; số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm dần theo từng năm(năm 2017 giảm 36%; năm 2018 giảm 47,8%, năm 2020 giảm 42,1%); các trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội giảm dần (năm 2016: 10 bị cáo; năm 2017: 09 bị cáo; năm 2018: 08 bị cáo; năm 2019: 04 bị cáo; năm 2020: 03 bị cáo).Qua công tác kiểm sát đãkịp thời phát hiện nhiều bản án, quyết định vi phạm pháp luật và ban hành hơn 5.600 kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm và giám đốc thẩm, tái thẩm đều vượt chỉ tiêu của Quốc hội, qua đó, góp phần quan trọng khắc phục oan, sai trong giải quyết án hình sự.

Thời gian qua, ngành Kiểm sát đã thực hiện nghiêm, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ươngĐảng, Quốc hội về phòng, chống tội phạm tham nhũng. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, VKSND tối cao tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao và các cơ quan chuyên môntháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản,… để khởi tố, điều tra, truy tố, đưa ra xét xử bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ ántham nhũng nghiêm trọng, phức tạp do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

VKSND tối cao đã tích cực tham gia xây dựng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vàcác nghị định,thông tư liên tịch hướng dẫn thi hànhluật; chủ động xây dựng Quy trình giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của VKSND vàtổ chức 02 hội nghị để quán triệt, hướng dẫn thi hành trong toàn Ngành; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị còn tồn đọng yêu cầu bồi thường. Kết quả, trong kỳ, ngành Kiểm sát thụ lý 94 trường hợp yêu cầu bồi thường, đã giải quyết 79 trường hợp.Thời gian qua, công tác giải quyết yêu cầu bồi thường có nhiều tiến bộ, đã giải quyết kịp thời, đúng trình tự và quy định của pháp luậtđối với những yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Ngành.

Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát đã góp phần quan trọng bảo đảm thực hiện tốt hơn yêu cầu về bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.

08:52 Ngày 06/11/2020

Nâng cao trình độ để hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung do có lỗi của Kiểm sát viên

Trong Báo cáo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí khẳng định:  Từ năm 2016 đến nay, Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo ngành Kiểm sát thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng chất lượng điều tra, truy tố để giảm tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Theo đó, yêu cầu phân loại vụ, việc ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin tội phạm; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ để hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung do có lỗi của Kiểm sát viên; quan tâm công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật, kịp thời giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cấp dưới trong giải quyết vụ án; quản lý chặt chẽ chuyên đề về trả hồ sơ để điều tra bổ sung; kiểm điểm rõ trách nhiệmcủa lãnh đạo, Kiểm sát viên trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung do bỏ lọt tội phạm và người phạm tội,… Kết quả chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm dần. Cụ thể, tỷ lệ trả hồ sơ năm 2018là 3,02%, giảm 0,65%; năm 2020 còn 2,7%, giảm 0,8%.

08:50 Ngày 06/11/2020

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đăng đàn

Chú thích ảnh
Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Đúng 8h50 phút, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày tòm tắt 5 nội dung chính trong Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

08:37 Ngày 06/11/2020

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII

Chú thích ảnh
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.
08:30 Ngày 06/11/2020

Việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế

Lĩnh vực Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được đánh giá một cách thẳng thắn trong  báo cáo do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày:

Chính phủ đã xác định công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đã dành thời gian thích đáng để chỉ đạo giải quyết. Tình hình khiến nại, tố cáo và công tác tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Số vụ việc và số đoàn đông người giảm; chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên; tập trung rà soát, đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững ổn định tình hình chính trị - xã hội và củng cố lòng tin của nhân dân với chính quyền.

Công tác phòng, chống tham nhũng được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đã thực hiện nhiều nhiệm vụ theo chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng; đã tiến hành thanh tra và kết luận nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có một số vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh xử lý tham nhũng; kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thu hồi nhiều tiền, tài sản, đất đai có giá trị lớn. Tập trung hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, xây dựng trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6; ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về tăng cường, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, còn một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ, chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
08:20 Ngày 06/11/2020

Một số sách giáo khoa có nội dung chưa phù hợp

Theo báo cáo do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa và các đề án có liên quan, bảo đảm đồng bộ các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Chỉ đạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới; tổ chức biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa; thẩm định, phê duyệt được 5 bộ sách giáo khoa lớp 1. Xếp hạng giáo dục Việt Nam tăng. Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia cơ bản bảo đảm khách quan, công bằng, giảm áp lực và tốn kém, nhất là kỳ thi năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Việc dạy và học trực tuyến được đẩy mạnh, công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục đại học đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, chưa tổ chức biên soạn được 1 bộ sách giáo khoa lớp 1 đầy đủ các môn học theo NQ 88 của Quốc hội; một số sách giáo khoa như cuốn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có nội dung chưa phù hợp, sai sót, cần phải chỉnh sửa bổ sung như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu tại Hội trường. Chưa có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút giáo viên về công tác tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa. Công tác quản lý về dạy thêm, học thêm còn bất cập.

08:18 Ngày 06/11/2020

Chất lượng công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị còn hạn chế

Theo đánh giá, trong lĩnh vực xây dựng, chất lượng công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị còn hạn chế; năng lực đội ngũ cán bộ thực thi còn yếu; cơ cấu hàng hóa bất động sản nhất là nhà ở tại các thành phố lớn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; hệ thống pháp luật liên quan đến một số loại hình bất động sản mới (condotel, officetel,…) chưa đồng bộ.

08:17 Ngày 06/11/2020

Một số công trình giao thông trọng điểm vẫn còn chậm tiến độ

Lĩnh vực Giao thông vận tải được đánh giá trong Báo cáo là đã có những thành tích, song một số công trình giao thông trọng điểm vẫn còn chậm tiến độ. 

Cụ thể: 

Ngành Giao thông vận tải đã đẩy nhanh đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia như Đường cao tốc Bắc – Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cải tạo và nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất… Tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông, danh mục các dự án giao thông theo thứ tự ưu tiên đầu tư và bố trí nguồn lực thực hiện; hoàn thiện thể chế đầu tư theo hình thức PPP; nghiêm túc thực hiện chủ trương không đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu; rà soát tổng thể vị trí đặt trạm thu phí, chính sách miễn giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ; triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Tình hình tai nạn giao thông trên toàn quốc từ năm 2016 đến nay đã giảm cả 03 tiêu chí.

Tuy nhiên, một số công trình giao thông trọng điểm vẫn còn chậm tiến độ; việc đầu tư, xây dựng phát triển vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu; tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng chậm 02 năm so với Nghị quyết của Quốc hội; tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, còn một số địa phương chưa hoàn thành mục tiêu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí.

08:12 Ngày 06/11/2020

Quản lý quy hoạch và xây dựng thủy điện có nơi còn chưa chặt chẽ

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp.  Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trong lĩnh vực Công Thương, báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII nêu rõ:

Hệ thống hạ tầng thương mại được chú trọng phát triển, kết hợp hài hòa giữa hạ tầng thương mại truyền thống và hiện đại. Ký kết và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc triển khai chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011 - 2020 đạt và vượt nhiều chỉ tiêu; xuất siêu 5 năm liên tiếp, nhất là trong bối cảnh đại dịch covid-19 tác động, 10 tháng đầu năm 2020 đã xuất siêu kỷ lục, đạt trên 18,7 tỷ USD. Hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bán hàng đa cấp được tăng cường.

Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương được tập trung chỉ đạo, từng bước phân nhóm các dự án để xác định phương án xử lý cụ thể, khả thi, dứt điểm, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị và theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: xử lý trên nguyên tắc đề cao tự chủ, tự quyết của doanh nghiệp, theo nguyên tắc, cơ chế thị trường, nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án, hạn chế tối đa thiệt hại cho Nhà nước, quan tâm tới quyền của người lợi người lao động, an sinh - xã hội, môi trường và ổn định xã hội. Cụ thể: (1) Nếu tháo gỡ được vướng mắc về thuế suất GTGT 5% đối với phân bón (QH sẽ có ý kiến về dự thảo NQ về thuế GTGT phân bón tại kỳ họp này), bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu thì sẽ tháo gỡ được cho các dự án DAP-1 Hải Phòng, DAP-2 Lào Cai, Đạm Ninh Bình và có thể đưa DAP-1 Hải Phòng ra khỏi danh sách 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả trong thời gian tới; (2) Một số dự án đã tìm được đối tác hợp tác đầu tư hoặc đang có nhà đầu tư quan tâm mua lại tiếp tục đầu tư, hiện đang thương thảo với nhà đầu tư vào các dự án như: Nhà máy sản xuất sơ xợi Đình Vũ, Nhà máy gang thép Thái nguyên GĐ 2 và Dự án Thép Việt Trung. Về Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có nhiều khó khăn, vướng mắc do có sai phạm trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng; cho đến nay đã hoàn thành xấp xỉ 86% khối lượng; Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, giao nhiệm vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục triển khai, hoàn thành xây dựng nhà máy đưa vào vận hành trong năm 2021 - 2022 đảm bảo chất lượng và an toàn.

Công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện được triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 62 của Quốc hội. Từng bước đẩy mạnh xã hội hóa phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngày càng được phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, công tác quản lý thị trường còn bất cập. Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương có nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đúng kế hoạch. Một số bất cập giữa quy hoạch và đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện còn chưa được xử lý triệt để. Quản lý quy hoạch và xây dựng thủy điện có nơi còn chưa chặt chẽ, còn có dự án thủy điện nhỏ có tác động đáng kể đến môi trường.

08:07 Ngày 06/11/2020

Thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế vẫn còn

Trong lĩnh vực Tài chính,  hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, thuế, quản lý nợ công được hoàn thiện.

Công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đạt một số kết quả, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn bám sát kế hoạch Quốc hội giao. Thị trường tài chính tiếp tục có những bước phát triển tích cực, hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch đề ra. Công tác huy động vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công được thực hiện chặt chẽ, bám sát các Nghị quyết của Quốc hội. Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ bội chi giai đoạn 2016 – 2020 dưới 4%.

Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra; còn tình trạng thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế; sử dụng vốn vay tại một số dự án chưa hiệu quả.

08:06 Ngày 06/11/2020

Giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016 – 2019, nhất là vốn ODA còn chậm

Trong nội dung mà Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày, về lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư, Chính phủ nhìn nhận: Dù có những kết quả thực chất, song các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự đi vào cuộc sống; tiến độ một số công trình trọng điểm quốc gia chưa đạt yêu cầu; giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016 – 2019, nhất là vốn ODA còn chậm.

Cụ thể: Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả thực chất hơn. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét, doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và chất lượng. Phát triển đồng bộ các loại thị trường, kinh tế tư nhân từng bước trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có tính lan tỏa, áp dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Khung chính sách, pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được hoàn thiện và nâng cao, giảm tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản; giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 có nhiều điểm sáng. Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đạt được những kết quả nổi bật, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự đi vào cuộc sống; tiến độ một số công trình trọng điểm quốc gia chưa đạt yêu cầu; giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016 – 2019, nhất là vốn ODA còn chậm.

08:05 Ngày 06/11/2020

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Báo cáo Tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV điểm kết quả thực hiện 19 lĩnh vực trong thời gian vừa qua.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều việc đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành; một số việc mang tính chất thường xuyên, lâu dài, đang được triển khai tích cực và cũng có những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do có bất cập trong cơ chế, chính sách, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực cần thiết và cần có thời gian. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém. Chính phủ xin báo cáo và luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

08:00 Ngày 06/11/2020

Phiên chất vấn bắt đầu

Đúng 8 giờ sáng, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 10 Quốc  hội XIV bắt đầu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ Quốc hội tiến hành xem xét về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo quy định của Luật giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Lần thứ nhất, chúng ta đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, kỳ họp giữa nhiệm kỳ. Để triển khai hoạt động này, ngay từ rất sớm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch để các cơ quan chức năng chủ động triển khai thực hiện.  

Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã tích cực chuẩn bị và gửi đến các vị đại biểu Quốc hội 20 báo cáo về lĩnh vực, trong đó nêu chi tiết, cụ thể việc thực hiện đối với từng nội dung đã được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội.  

Trên cơ sở đó, các cơ quan Quốc hội đã tiến hành thẩm tra, đánh giá cụ thể về các nội dung đã thực hiện.

Tổng thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra về những nội dung này. Thông qua các báo cáo cho thấy nhiều kết quả tích cực, thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm quyết tâm rất cao của Chính phủ, một số bộ, ngành và từng thành viên Chính phủ cũng như các vị trưởng ngành trong việc thực hiện triển khai các yêu cầu của Quốc hội.  

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, những khó khăn do thiên tai trong năm nay nhưng những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận trong niềm tin trong nhân dân và xã hội.  Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Đây là phiên chất vấn cuối cùng về hoạt động chất vấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV với mục đích chính là để đánh giá lại một cách toàn diện triển khai các yêu cầu của Quốc hội được nêu trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

“Với tinh thần đó, tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần chủ động, sâu sát, tập trung phân tích, làm rõ vấn đề còn tồn tại, những nhiệm vụ chưa hoàn thành, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm đề ra, các yêu cầu, giải pháp cần tiếp tục thực hiện để xây dựng nghị quyết giao cho Quốc hội khóa sau tiếp tục giám sát, theo dõi”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/11. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Theo Chủ tịch Quốc hội, cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn lần này sẽ không theo nhóm chuyên đề mà đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn nhiều vấn đề. Vẫn đề thuộc các lĩnh vực nào mà trưởng ngành phụ trách thì người đứng đầu các cơ quan có liên quan sẽ chịu trách nhiệm trả lời trực tiếp. Những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực sẽ trả lời làm rõ thêm và cuối phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ giải trình, làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.  

Việc đăng ký chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội sẽ được thực hiện thông qua App Quốc hội trên ipad của mỗi đại biểu Quốc hội.  

“Chúng tôi điều hành theo hướng mỗi lần chất vấn sẽ mời từ 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi và các vị đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút cho một câu hỏi. Người trả lời chất vấn cũng không quá 3 phút cho mỗi một nội dung trong câu hỏi chất vấn của đại biểu. Thời gian, tranh luận của mỗi đại biểu 2 phút và mỗi đại biểu tranh luận không quá 2 lần để giành quyền chất vấn cho các đại biểu khác”, Chủ tịch Quốc hội nói. 

07:56 Ngày 06/11/2020

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (Đoàn Vĩnh Long): Giám sát tới cùng trách nhiệm, lời hứa của các Bộ trưởng

Đây sẽ là kỳ chất vấn thu hút được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cũng là dịp để các đại biểu Quốc hội thực hiện chức năng giám sát của mình đối với hoạt động của Chính phủ cũng như thành viên Chính phủ về lời hứa của mình trước khi được Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Quốc hội giám sát tối cao vai trò của các thành viên Chính phủ cũng như các nhân sự được Quốc hội bầu phê chuẩn thông qua hình thức chất vấn trên hội trường. Sau mỗi kỳ giám sát hay buổi chất vấn như vậy, Quốc hội cũng sẽ có Nghị quyết; trong đó nêu rõ những việc đã làm được, chưa làm được gắn với mỗi ngành, lĩnh vực và cá nhân những thành viên Chính phủ hoặc những nhân sự được Quốc hội bầu, phê chuẩn. 

Trên cơ sở những Nghị quyết đó, các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục giám sát việc thực hiện lời hứa, việc thực hiện trách nhiệm của các thành viên Chính phủ thông qua lời hứa trước Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước.

Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và thông qua hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện chức năng giám sát của mình, kiểm tra lại những kết quả không chỉ liên quan đến lời hứa của các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ mà còn có lời hứa liên quan đến các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. 

Video Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (Đoàn Vĩnh Long) trả lời phỏng vấn báo Tin tức:

 

07:55 Ngày 06/11/2020

"Vấn đề gì mà đại biểu Quốc hội nêu ra mà các Bộ trưởng chưa làm được chắc chắn sẽ được đại biểu Quốc hội hỏi lại"

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội).

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) bình luận: Trong cả nhiệm kỳ này, đại biểu Quốc hội sẽ kiên định với những vấn đề mình đặt ra, những vấn đề nào đó được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng, khi Bộ trưởng trả lời trước hội trường mà chưa thỏa đáng thì các đại biểu có chất vấn trở lại. 

"Tôi nghĩ những vấn đề gì mà đại biểu Quốc hội nêu ra mà các Bộ trưởng chưa làm được chắc chắn sẽ được đại biểu Quốc hội hỏi lại. Các Bộ trưởng, trưởng ngành phải báo cáo lại với đại biểu những vấn đề đã hứa trước đây, làm được đến đâu, cái gì chưa làm được và lí do vì sao", ông Cường nói. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, với tinh thần thẳng thắn và cởi mở, chắc chắn các phiên chất vấn sẽ không có gì căng thẳng mà trở thành cuộc trao đổi có hiệu quả cùng những gợi ý, hiến kế để các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ sẽ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình trong thời gian tới. 

07:41 Ngày 06/11/2020

Phiên chất vấn tổng hợp

Kỳ họp thứ 10 này, Quốc hội sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề mà chất vấn theo hình thức tổng hợp. Với một nội dung chất vấn, có thể nhiều thành viên Chính phủ đăng đàn trả lời.

Điều này khác với các kỳ họp trước. Các kỳ trước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến, chọn nhóm vấn đề và người trả lời chất vấn (thường là 4 vị Bộ trưởng, trưởng ngành), nội dung chất vấn chỉ gói trong các nhóm vấn đề đã được quyết định. Riêng kỳ này, các Bộ trưởng phải luôn sẵn sàng nhận các câu hỏi của đại biểu.

07:30 Ngày 06/11/2020

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV

Theo chương trình kỳ họp thứ 10, hôm nay Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn xoay quanh những vấn đề nóng được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm; trong đó có nội dung thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Theo kế hoạch, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, gồm ngày 6/11; ngày 9/11 và nửa đầu ngày 10/11. Dự kiến, nhiều vấn đề “nóng” về kinh tế- xã hội sẽ được đại biểu chất vấn các thành viên Chính phủ. 

Nhóm PV
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN