Phát biểu tại buổi làm việc, Đô trưởng Sinlavong Khoutphaythoune đánh giá cao sự giúp đỡ của Việt Nam trong việc giúp đỡ ngành nông nghiệp Lào phát triển, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo tại nước này. Đô trưởng Khoutphaythoune cho biết, sự phát triển của ngành nông nghiệp Lào trong thời gian qua đã đáp ứng các yêu cầu đề ra trong Nghị quyết Đại hội X của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đồng thời khẳng định những thành tựu của nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm của Việt Nam, giúp ích rất tốt cho sự phát triển của nông nghiệp Lào.
Hiện Viêng Chăn tập trung làm đầu mối kết nối và phát triển cho các vùng nông nghiệp chủ lực của Lào nhằm tận dùng thế mạnh đất đai rộng lớn vừa phù hợp với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, hạt điều vừa thuận lợi cho chăn nuôi gia súc và trồng lúa, nhất là các loại lúa cao sản để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thành phố Cần Thơ với vị thế là trung tâm phát triển kinh tế động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những địa phương được Viêng Chăn ưu tiên hàng đầu để trong thời gian tới nâng tầm quan hệ kinh tế, thương mại lên ngang tầm với quan hệ chính trị giữa hai nước; xúc tiến hợp tác trong sáng, minh bạch và cùng nhau phát triển.
Đô trưởng Sinlavong Khoutphaythoune cho biết, Viêng Chăn mong muốn thúc đẩy hợp tác với Cần Thơ chủ yếu trong phát triển sản xuất lúa gạo; sản xuất giống, cây ăn trái đặc trưng của địa phương và phát triển thủy sảngắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn GAP, trong đó ưu tiên phát triển mạnh sản xuất con giống để phục vụ cho các mục tiêu phát triển nông nghiệp của hai bên.
Ngoài ra, Viêng Chăn cũng mong muốn tìm hiểu thêm về thực tiễn của thành phố Cần Thơ trong phát triển nông nghiệp, bởi qua các chuyến thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp được triển khai thành công tại Cần Thơ, Viêng Chăn nhận thấy nông nghiệp nông thôn của Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang phát triển rất bền vững.
Theo Đô trưởng Khoutphaythoune, tại Lào, nếu ở khu nội thành phát triển khá nhanh thì ở các địa phương khác phát triển rất chậm. Vì vậy, chủ trương của Bộ Chính trị Lào hiện nay là chủ động mở rộng hợp tác thương mại, học hỏi kinh nghiệm tập trung vào nông nghiệp để các khu vực nông thôn phát triển nhanh hơn. Trước đó, Tập đoàn sữa Việt Nam Vinamilk đã sang Lào đầu tư nuôi bò Nhật Bản và dự án đầu tư này là một trong những trang trại gia súc quy mô lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Do đó, Viêng Chăn mong muốn ký kết hợp tác với thành phố Cần Thơ, cũng như các địa phương khác trong khu vực Tây Nam Bộ để triển khai các mô hình phát triển nông nghiệp áp dụng kỹ thuật công nghệ cao của Việt Nam sang Lào. Viêng Chăn hy vọng sự hợp tác này sẽ góp phần ổn định tình hình an ninh lương thực ở Thủ đô cũng như ở Lào.
Đồng tình với ý kiến của Đô trưởng Khoutphaythoune, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Trần Quốc Trung mong muốn, các đoàn công tác của Lào tiếp tục có những chuyến thăm, khảo sát sâu hơn về những mô hình thực tiễn của Việt Nam nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng để có thể áp dụng tại Lào; qua đó đưa mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Lào, cũng như thành phố Cần Thơ và thủ đô Viêng Chăn sẽ tiếp tục hợp tác, đầu tư, phát triển, phát huy mối quan hệ tốt đẹp, truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước.
Bí thư Thành uỷ Trần Quốc Trung nhấn mạnh, thời gian tới, ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ tăng cường các hợp tác song phương và đa phương với Viêng Chăn để thực hiện các cam kết công ước khu vực và quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chống suy thoái rừng và mất rừng, an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, tăng cường quản trị, thực thi luật lâm nghiệp và thương mại lâm sản.