Đây cũng là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững. Đồng thời, tạo động lực cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu và hội nhập thị trường thương mại tự do.
Dự báo trong 10 năm tới, phát triển bền vững tiếp tục là xu hướng bao trùm trên toàn thế giới, gắn với Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp quốc. Với tư cách là thành viên của Ủy ban Liên Hợp quốc, Việt Nam đang nỗ lực triển khai các chính sách phát triển bền vững, đồng thời xây dựng hiệu quả nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Đảm bảo tăng trưởng kinh tế
Các Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) được xem là một bộ mục tiêu kèm chỉ dẫn và phổ quát dành cho các nước thành viên Liên Hợp quốc. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Với kế hoạch này, 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường. Việc xây dựng Kế hoạch hành động được thực hiện dựa trên một quá trình rà soát những chiến lược, chính sách quan trọng, chủ yếu của quốc gia, ngành/lĩnh vực có so sánh, đối chiếu với 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Chính phủ Việt Nam cam kết tập trung mọi nguồn lực, huy động sự tham gia của tất cả bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững; trong đó, hàng năm Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh lựa chọn ít nhất một vấn đề cụ thể liên quan đến phát triển bền vững để triển khai trong thực tế.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương tăng cường giám sát trong việc triển khai thực hiện phát triển bền vững. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tiếp tục phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện phát triển bền vững.
Theo ông Đào Đình Tân, Phó Vụ trưởng Vụ khoa học, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua, quan điểm phát triển bền vững đã được thể hiện xuyên suốt và lồng ghép trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam. Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thành công, việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững một cách cụ thể hơn vào Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới là rất quan trọng.
Vừa qua, vào tháng 7/2019, Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và Quỹ Bertelsmann Stiftung của Đức đã công bố Báo cáo đánh giá thường niên lần thứ 4 về tiến độ thực hiện SDGs (Mục tiêu phát triển bền vững, còn gọi là Mục tiêu toàn cầu). Theo đó, Việt Nam tăng 3 bậc trong báo cáo về phát triển bền vững, với vị trí thứ 54.
Báo cáo đưa ra chỉ số SDGs đánh giá kết quả thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của 162 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới dựa trên thang điểm từ 0 (kém nhất) đến 100 điểm (tốt nhất) và xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp. Kết quả đánh giá mà Việt Nam đạt được cho thấy quá trình nỗ lực thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.
Cùng với đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững, xem đây là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Định hướng sản xuất kinh doanh xanh - sạch đang là một trong những lựa chọn và mục tiêu chiến lược của nhiều doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế toàn cầu.
Đáp ứng yêu cầu hội nhập
Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… Trong bối cảnh đó, không chỉ đối với hàng hóa xuất khẩu, mà sản phẩm phục vụ thị trường nội địa cũng phải đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng ưu tiên chọn sản phẩm thân thiện môi trường, nhà sản xuất thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, hướng đến phát triển bền vững.
Dẫn chứng cụ thể, Ths. Luật sư Vũ Xuân Hưng, Phó Trưởng Phòng Pháp chế - Trọng tài viên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho hay, lao động và môi trường là vấn đề mới trong CPTPP mà những FTA truyền thống không nhắc đến và chỉ thuần về thương mại. Bên cạnh đó, CPTPP cũng yêu cầu tuân thủ cam kết về hai lĩnh vực này một cách chặt chẽ với những quy định chi tiết.
Theo một số chuyên gia khác, kết quả kinh doanh tốt sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hướng tới lợi ích cộng đồng và trách nhiệm xã hội để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, từng bước lập Báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn Bộ tiêu chuẩn quốc tế về lập báo cáo phát triển bền vững (GRI Sustainability Reporting Standards).
Cụ thể, doanh nghiệp không nhất thiết triển khai hết các mục tiêu phát triển bền vững, mà có thể chọn lựa những mục tiêu phù hợp với mô hình sản xuất kinh doanh và mang lại hiệu quả cao. Việc đưa phát triển bền vững vào trọng tâm chiến lược hoạt động sản xuất kinh doanh hay thực hiện tốt nhiều mục tiêu phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp mở ra cơ hội thị trường, tuy nhiên cơ hội này cũng chỉ đến với những đơn vị sớm theo đuổi chiến lược phát triển bền vững một cách nghiêm túc.
Ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc Đối ngoại Amway Việt Nam chỉ ra rằng, nếu chỉ xem kinh tế là mục tiêu duy nhất, doanh nghiệp sẽ không thể phát triển bền vững, mà nó nằm trong mối quan hệ tương hỗ với các yếu tố như trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức. Doanh nghiệp cần đóng góp vào môi trường sống, chung tay giải quyết vấn đề của xã hội. Khi thực hiện Báo cáo Trách nhiệm xã hội (CSR Report) một cách bài bản, doanh nghiệp thể hiện rõ việc đầu tư kinh doanh một cách nghiêm túc, tôn trọng người tiêu dùng và nỗ lực hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Qua đó, thương hiệu doanh nghiệp sẽ được người dùng đánh giá cao, tạo nền tảng tốt và tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Nhưng hơn hết, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phải từ những hoạt động thiết thực, có tác động tích cực đến người thụ hưởng và góp phần xây dựng cộng đồng, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi các bên liên quan chuỗi cung ứng chú trọng giải pháp giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chứ không chỉ riêng đơn vị trực tiếp sản xuất. Doanh nghiệp cũng cần tận dụng tiến bộ khoa học để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, công nghệ, phát triển sản phẩm và dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và cạnh tranh lành mạnh.
Theo ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao Heniken Việt Nam, trong thời gian qua đơn vị này đã hỗ trợ cho 20 doanh nghiệp thành viên Hội đồng Doanh nghiệp Vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) và tổ chức huấn luyện về phát triển bền vững cho trên 100 nhà cung cấp; trong đó tiên phong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Mặc dù khái niệm nền kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhưng việc ứng dụng mô hình vào thực tiễn vẫn còn rất hạn chế, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động một cách sáng tạo, sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đây cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy hướng đến mục tiêu phát triển bền vững mà nhiều doanh nghiệp có thể áp dụng, vì trong nền kinh tế tuần hoàn tạo điều kiện cho nhà sản xuất chú trọng kéo dài thời hạn và tận dụng tối đa giá trị sử dụng của tài nguyên, giảm phát thải…
Bài cuối: Cơ hội kinh doanh mới