Trình bày báo cáo tại hội thảo với chủ đề tăng cường ngành vận tải hàng hóa đường bộ Việt Nam nhằm giảm chi phí logistics và phát thải khí nhà kính, bà Yin Yin Lam, chuyên viên cao cấp Ngành giao thông vận tải (WB) cho biết, logistics là một yếu tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với hệ thống đường bộ là xương sống của vận tải hàng hóa.
Vận tải đường bộ của Việt Nam hiện chiếm khoảng 77% tổng lượng vận chuyển hàng hóa của cả nước. Trong khi đó, chi phí logistics ở Việt Nam chiếm gần 21% tổng GDP, cao hơn so với hầu hết các nước trong khối ASEAN. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu và tăng chi phí đối với nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Về chi phí logistics, bà Yin Yin Lam nhận xét, dịch vụ logistics ở Việt Nam có những cải thiện đáng ghi nhận khi tăng 25 bậc trong chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI), từ vị trí thứ 64 (năm 2016) lên vị trí 39 (năm 2018). Tất cả các chỉ số đánh giá LPI 2018 đều tăng vượt bậc; trong đó, có mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ (xếp hạng 33, tăng 29 bậc).
Tuy nhiên, bà Yin Yin Lam cho rằng, chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của hoạt động xuất khẩu làm tăng chi phí hàng hóa tiêu dùng.
Để tăng cường hiệu quả của ngành vận tải đường bộ, bà Yin Yin Lam khuyến nghị, Việt Nam cần đầu tư kết cấu hạ tầng để giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông; thúc đẩy việc sử dụng “vận tải container bằng sà lan” để tăng mức sử dụng vận tải đường thủy nội địa, xúc tiến mạnh hơn nữa việc phát triển vận tải ven biển trên tuyến đường Bắc – Nam. Bên cạnh đó, tích hợp các trung tâm logistics và trung tâm đô thị hợp nhất trong quy hoạch cảng container nội địa.
Về phía doanh nghiệp, bà Yin Yin Lam cho rằng, cần hiện đại hóa đội xe vận tải, đẩy mạnh quy trình đào tạo lái xe và cấp phép lái xe. Đặc biệt là cải thiện chất lượng đội xe thông qua chương trình cho vay mua xe dựa trên đánh giá tăng trưởng…
Đánh giá về hợp tác phát triển ngành giao thông vận tải giữa WB và Việt Nam, đại diện WB cho biết, trong 25 năm qua, tổng giá trị cam kết của WB đành cho Việt Nam lên tới 3,8 tỷ USD kể từ dự án đầu tư vào năm 1993. Cụ thể, WB đã hỗ trợ Việt Nam xây mới, cải tạo và bảo trì các hành lang giao thông quan trọng. Đặc biệt, WB đã giúp Việt Nam nâng cấp nhiều tuyến đường bộ, quá đó giúp Việt Nam tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ đường bộ, cải thiện việc kết nối các phương thức vận tải.
Báo cáo về thực trạng ngành đường thủy nội địa của Việt Nam, đại diện WB nhận xét, hạn chế về điều kiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các hành lang vận tải thủy nội đại đã cản trở ngành đường thủy nội địa của Việt Nam phát triển. Cụ thể, chỉ có 29% các tuyến đường thủy quốc gia (khoảng 2.033 km) có khả năng vận hành sà lan trọng tải ít nhất 300 DWT do độ sâu sông kênh khan cạn, kích thước luồng tàu nhỏ và tĩnh không cầu thấp. Đặc biệt, nhiều cảng có cơ sở vật chất lạc hậu với mức độ cơ giới hóa thấp, trong khi đó việc kết nối với các phương thức vận tải khác yếu.
Từ thực trạng trên, đại diện WB cho rằng, ngành giao thông vận tải nên khuyến khích đầu tư từ khối tư nhân vào hệ thống cảng, còn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, với các khuyến nghị của WB, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiên cứu để đưa ra những giải pháp thúc đẩy phát triển ngành giao thông vận tải trong thời gian tới. Đặc biệt, qua những khuyến nghị của WB, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đưa ra những giải pháp để giảm chi phí logistics, tăng cường đầu tư cho việc phát triển đường thủy nội địa.