Nguy cơ tắc cảng làm đội chi phí logistics

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT), các cảng biển cả nước hiện còn gần 28.000 container tồn đọng, đã cũ nát, hoen rỉ, không chỉ gây cản trở kinh doanh của các cảng, mà còn hiện hữu nguy cơ tắc cảng và nhiều hệ lụy phát sinh.

Container “vô chủ” chất đống

Trong số container tồn đọng, khu vực cảng biển Hải Phòng còn 6.753 chiếc, khu vực cảng biển TP Hồ Chí Minh còn 14.658 chiếc ontainer; khu vực cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu còn 6.533 chiếc… tồn ứ tại các cảng quá 90 ngày (thời gian lưu cảng cho phép), chủ yếu là container chứa dây cáp điện, máy móc thiết bị cũ, phân bón, hàng nông sản, nguyên liệu may mặc, nhôm nguyên liệu, phế liệu nhựa, giấy loại…

Số container tồn đọng tại cảng Hải Phòng đã hoen rỉ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Đáng quan ngại là nhiều container đã tồn đọng vô chủ từ 5 – 6 năm nay, làm gia tăng chi chi phí từ ngân sách để tiêu huỷ, gây ùn tắc tại các cảng biển khi hàng hoá không thể giải phóng. Thậm chí, có hàng ngàn container chưa xác định được hàng hóa do chủ hàng chưa làm thủ tục thông quan và có nguy cơ tiếp tục tồn đọng kéo dài tại các cảng. Trong khi đó, số container này có nguy cơ bị hư hỏng cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.

Tổng cục Hải Quan đang hoàn tất hồ sơ, chuẩn bị khởi tố các doanh nghiệp có dấu hiệu phạm tội khi nhập khẩu container hàng phế liệu thuộc danh mục cấm nhập. Trường hợp không đủ điều kiện khởi tố sẽ yêu cầu các hãng tàu thực hiện trách nhiệm vận chuyển khỏi lãnh thổ Việt Nam.

“Việc hàng hoá chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam, dẫn tới các doanh nghiệp cảng phải luân chuyển nhiều lần vị trí các container từ cảng biển sang cảng cạn để lưu chứa, gây khó khan cho tàu biển ra vào cảng bốc xếp, trả hàng. Điều đó sẽ làm gia tăng chi phí cho các cảng, khách hàng, hãng tàu và giảm năng suất, hiệu quả khai thác cảng; ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khác của doanh nghiệp Việt Nam…”, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho biết.

Qua ghi nhận, lãnh đạo các cảng Sài Gòn, Tân cảng Cát Lái, cảng Hải Phòng… đều có chung bức xúc, số container tồn đọng lâu ngày quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mặt bằng, kinh doanh và lưu thông của cảng. Nhất là với container hàng đông lạnh cần nhu cầu cấp điện liên tục, trong khi có nhiều container tồn đọng hàng năm tại cảng, cần nguồn điện cấp rất lớn để bảo quản, nếu không hàng sẽ phân hủy, bốc mùi và không thể luân chuyển bãi chứa container để bốc hàng từ tàu vào cảng…

Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, việc tồn đọng lượng lớn container phế liệu tại khu vực cảng biển Việt Nam do chính sách thương mại của các cường quốc kinh tế thế giới có nhiều thay đổi. Đơn cử, Trung Quốc thông báo ngưng nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu từ đầu năm 2018, đang khiến số lượng lớn các mặt hàng phế liệu từ các nước Mỹ, Châu Âu, Úc... không được nhập khẩu vào Trung Quốc, phải tìm đường vào các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nhà nhập khẩu đang tận dụng mức giá rẻ của mặt hàng phế liệu để nhập về ồ ạt, bất chấp chưa đủ điều kiện làm thủ tục thông quan, xong “bỏ của chạy lấy người”.

Tắc cảng kéo theo chi phí logistics tăng

Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có nhiều điều kiện phát triển kinh tế biển và vận tải dịch vụ logistics (lưu thông hàng hóa, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, vận chuyển hang hóa từ kho đến kho…), với khoảng 3.200 km đường biển và hàng trăm cảng biển lớn nhỏ.

Bãi xếp container tại cảng Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN


Tuy nhiên, vận tải logistics cả nước đang đứng trước nhiều bất cập về hạ tầng, khiến chi phí logistics gia tăng và cản trở doanh nghiệp tham gia đầu tư, vận tải. Điển hình nhất là tình trạng tồn đọng container nêu trên tại các cảng biển lớn đã và đang làm “đau đầu” không chỉ các doanh nghiệp, cảng, mà còn của cả các cơ quan quản lý Nhà nước. Thực trạng này diễn ra từ nhiều năm nay, bắt đầu với số lượng container tồn đọng nhỏ, vài trăm đến vài nghìn và đến nay là hàng vạn chiếc. Nếu không có cơ chế xử lý sớm, việc ùn tắc tại các cảng sẽ hiện hữu nhanh chóng, kéo theo là chi phí logistics tăng cao, đi ngược lại chủ trương phát triển vận tải biển theo chuỗi dịch vụ logistics.


Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho hay, việc hàng vạn container tồn ứ sẽ làm đội hàng loạt các chi phí từ lưu tàu, thời gian đậu, bốc dỡ, di chuyển của container tăng lên đáng kể. Các chi phí này đều sẽ đổ lên đầu doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và sẽ khiến giá hàng hóa đội lên. Cùng đó, khi cảng bị tắc nghẽn, khả năng quay vòng hàng hóa bị hạn chế, tính cạnh tranh của cảng biển trong dịch vụ logistics giảm đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách.

Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Xuân Sang cho biết, Cục kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan sớm có văn bản hướng dẫn di chuyển container tồn đọng về các cảng cạn, cảng khác; hỗ trợ các cảng và hãng tàu chuyển các lô hàng tồn đọng này về các cảng khác trước khi tàu cập cảng, tránh gây bị động khi giải phóng tàu, phát sinh thời gian và chi phí; cho dỡ hàng từ tàu sau khi khách hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể; đồng thời ngưng tiếp nhận toàn bộ hàng phế liệu nhập khẩu trực tiếp tại các cảng.

Ngoài ra, theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam, nếu các chủ hàng làm thủ tục nhận hàng, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra chi tiết, xử lý nghiêm nếu sai phạm. Trường hợp chủ hàng không làm thủ tục, khi quá hạn 90 ngày, sẽ thực hiện xử lý theo quy định tại Thông tư số 203/2014 của Bộ Tài chính và Thông tư số 05/2014 của Bộ Công thương nhằm giải quyết kịp thời và tránh lãng phí hàng còn giá trị, xử lý tiêu hủy những lô hàng có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

Bộ Giao thông Vận tải hiện cũng đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét sửa đổi Thông tư 203/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan để chủ động xử lý hàng hoá chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại cảng biển, nhằm giải tỏa ùn tắc số lượng container nói trên.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Truy đến cùng các container phế liệu nhập khẩu vô thừa nhận
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Truy đến cùng các container phế liệu nhập khẩu vô thừa nhận

Chiều 25/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp quản lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN