Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào và chủ động

Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, khả năng sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm dồi dào và chủ động.

Hiện 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Điều này sẽ gây tác động đến sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản.  

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Xin Thứ trưởng cho biết tình hình sản xuất, cung ứng nông sản hiện nay như thế nào?

Về sản xuất nông sản đảm bảo nguồn cung. Khả năng sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm tương đối dồi dào và chủ động, vấn đề hiện nay chỉ là lưu thông, phân phối. Hiện do lưu thông chậm, khó khăn nên giá gà công nghiệp ở phía Nam từ 28.000 đồng/kg giảm xuống còn 11.000 đồng/kg, lợn thịt ở Đồng Nai không xuất chuồng được…

Do đó phải có hệ thống phân phối đồng bộ. Kinh nghiệm của Hà Nội năm 2020 khi thực hiện giãn cách xã hội, chỉ sau 2 ngày thì với sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp đã có đủ 300% nông sản. Hiện Hà Nội cũng đã đảm bảo nguồn cung 300% một cách chủ động.

Nếu địa phương chỉ tập trung chống dịch mà không tập trung sản xuất thì mục tiêu kép sẽ không đạt được. Lúc đó sẽ rơi vào vòng khó khăn là thiếu nông sản, thiếu vật tư và nguồn cung cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu sẽ không đảm bảo.

Hiện các địa phương phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên sẽ gặp khó khăn trong khâu thu hoạch nông sản. Việc này cần được gỡ khó như thế nào thưa Thứ trưởng?

Dịch COVID-19 xảy ra không phải ở trên toàn diện địa bàn mà chỉ những khu bị cách ly, phong tỏa. Những nơi còn lại thì đều được sản xuất bình thường. Việc cấm một cách triệt để sẽ làm ách tắc sản xuất, lưu thông là không đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, việc tổ chức sản xuất vẫn cần diễn ra bình thường.

Trước đây, Việt Nam vừa chống giặc xâm lược vừa sản xuất, nay “chống dịch như chống giặc” thì vẫn phải tổ chức sản xuất bình thường để đạt mục tiêu kép.
 
Với 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có số lượng người dân đông thì việc sản xuất, phân phối, tiêu thụ phải đảm bảo nguyên tắc vừa chống dịch vừa lưu thông. Điều này vừa kích thích sản xuất vừa giải quyết khó khăn trong tiêu thụ.

Nếu địa phương nào thiếu nhân lực thì chắc chắn sẽ có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang như quân đội, công an, các tổ chức xã hội… Các lực lượng này có thể chia sẻ với các tỉnh, thành phố để đảm bảo sản xuất tương đối đồng bộ và xuyên suốt.

Sáng nay (19/7), Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam của Bộ đã vào TP Hồ Chí Minh. Tất cả các nhiệm vụ của Bộ sẽ do Thứ trưởng Trần Thanh Nam phụ trách. Tổ công tác sẽ phải nắm sát tình hình thực tiễn và có báo cáo với Bộ trưởng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 để có giải pháp kịp thời, sát thực tiễn đem lại hiệu quả trong thời gian trước mắt và lâu dài.

Đối với những tỉnh đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, Bộ có kế hoạch gì để bù đắp sản xuất cũng như đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng ngành trong năm nay?

Trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đã đạt được kết quả tăng trưởng cao. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, ngành sẽ đối đầu với những khó khăn bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Để giải quyết vấn đề tổng thể thì tất cả các đề án, kế hoạch của các lĩnh vực: chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt… phải triển khai đồng bộ và quyết liệt. Đặc biệt là tại các tỉnh phòng chống dịch tốt, ít bị ảnh hưởng dịch COVID-19 thì lãnh đạo Bộ sẽ trực tiếp làm việc với các địa phương để bàn các giải pháp thúc đẩy sản xuất, góp phần cho những thiếu hụt của các tỉnh bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, khi thị trường thế giới bị đứt gãy do dịch COVID-19 cũng là cơ hội cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Do đó, vừa đảm bảo thị trường trong nước cho chống dịch, vừa đảm bảo xuất khẩu để đạt mục tiêu thì các chuỗi ngành hàng phải đảm bảo tổ chức sản xuất an toàn. Trong điều kiện dịch COVID-19, các vùng nguyên liệu, khu chế biến… cần được đảm an toàn thì sẽ duy trì được tốc độ xuất khẩu đến cuối năm.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Bích Hồng/TTXVN (Thực hiện)
Hà Nội bám sát tình hình dịch COVID-19, chủ động cung ứng hàng hóa
Hà Nội bám sát tình hình dịch COVID-19, chủ động cung ứng hàng hóa

Chiều 19/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo một số sở, ngành Thành phố và lãnh đạo một số doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn về phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các tình huống dịch bệnh COVID-19 xảy ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN