Theo ông Phạm Văn Hùng, trước nay gia đình chỉ tập trung làm ruộng, nuôi tôm chứ không hề biết nuôi lợn. Năm 2016, tình cờ trong một chuyến đi chơi qua Xẻo Nhàu, xã Tân Thạnh kế bên, ông thấy đàn lợn rừng con người dân nuôi hình dạng trên lông kẻ sọc giống như trái dưa gang rất lạ và dễ thương nên mua một đôi về nuôi.
Sau khi làm chuồng xong, ông thả chúng vào và hái rau muống, rau lang, rau cải… cho ăn. Gần một năm sau, một buổi sáng ông Hùng ra cho ăn thì “tá hỏa” khi trong chuồng tự dưng xuất hiện thêm một bầy lợn con gồm 10 con.
Ông Phạm Văn Hùng chia sẻ, vốn chỉ quen nuôi tôm, trồng lúa nên gia đình chưa có kinh nghiệm bởi loài lợn rừng ít nhiều còn mang tính hoang dã. Không những thế, nhiều lần ông Hùng “hú hồn” với con lợn rừng mẹ vì thấy ông vào chuồng nó liền nhào tới tấn công gặm chặt tay không buông phải dùng cây đánh vào mặt mới chịu nhả ra.
Như một cơ duyên, lợn con cũng dần lớn lên và sau 6 tháng lợn mẹ lại tiếp tục đẻ thêm một lứa, trung bình mỗi lứa từ 7 - 12 con. Sau khi có nhiều, ông Hùng nới chuồng ra thành 6 ô để chia ra theo mỗi lứa và bắt đầu bán dần. Với 6 ô chuồng rộng rãi, hiện ông Hùng còn lại 6 con lợn nái, một con đực và một bầy lợn con hơn chục con, sau đợt xuất bán gần 20 con lợn rừng thịt cách đây gần 2 tháng.
Ông Hùng cho biết, mỗi năm bán hơn 100 con lợn rừng được nuôi hoàn toàn bằng rau xanh, mỗi con từ 1,5 - 3 triệu đồng tùy lớn nhỏ, trừ chi phí, còn lãi hơn 200 triệu đồng. Có người mua lợn rừng con về nuôi có giá là 1,5 triệu đồng, còn người mua về làm đám tiệc tại nhà có giá từ 3 triệu đồng mỗi con cân nặng khoảng 6 kg.
Nhiều người ưa chuộng vì thịt lợn rừng ít mỡ, thịt ngon và an toàn vì chỉ nuôi bằng rau xanh. Bên cạnh đó, nuôi lợn rừng luôn ổn định đầu ra, không bấp bênh như lợn thường.
Đáng mừng hơn, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện hầu hết địa bàn trong tỉnh Kiên Giang và ngay địa bàn huyện An Minh vẫn có lợn bị dịch nhưng đàn lợn rừng vẫn mạnh khỏe. Theo ông Hùng, nguyên nhân đàn lợn của ông khỏe mạnh vì gia đình luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; Thú y huyện đến vệ sinh sát trùng tiêu độc xung quanh chuồng.
Thấy lợn rừng dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, dịch bệnh gần như không có mà hiệu quả đem lại khá cao, nên nhiều người đến hỏi mua và “đặc cọc” trước mỗi đợt lợn rừng sắp sinh. Đến nay, ở xóm của ông Hùng đã có 10 hộ mua lợn rừng của ông về nuôi.
Ông Hùng cho biết, ngoài bán số lợn rừng giống cho bà con ở địa phương, nhiều người ở tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… cũng đến đặt hàng mua về gây nuôi. Hướng tới, nếu bà con nghèo không có tiền mua trả một lần, ông sẽ ưu tiên bán trả chậm, bởi lợn rừng dễ nuôi, vốn đầu tư ban đầu thấp, lại ít rủi ro. Qua đó, xem đây như việc làm thiết thực cùng chính quyền địa phương trong việc giảm nghèo hiệu quả.