Đến nay, xã đã có gần 800 lồng cá với khoảng 300 hộ gia đình tham gia phát triển nghề nuôi cá lồng, ước tính mỗi lồng cá có thể thu về 20 - 30 triệu đồng/năm.
Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, ông Xa Văn Thức chia sẻ, năm 2018 nhờ nghề nuôi cá lồng, thu nhập bình quân toàn xã đạt 20 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm xuống còn 59,86%.
Để đạt được kết quả cao hơn nữa, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của người dân, cần có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng nhằm tạo điều kiện giúp các hộ dân phát triển mô hình nuôi cá lồng; hướng tới mục tiêu hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Hộ gia đình anh Lê Đình Hợi ở xóm Túp, xã Tiền Phong, một trong những hộ gia đình tiêu biểu phát triển hiệu quả mô hình nuôi cá lồng.
Gia đình anh Hợi bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2000 với 3 lồng cá, tại thời điểm đó quy mô lồng bè còn hạn chế, chủ yếu được làm bằng vật liệu tạm như: tre, nứa và chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi thủy sản nên dịch bệnh xuất hiện liên tục ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Chính vì vậy, anh đã học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tích cực tham khảo sách, báo để nâng cao kỹ thuật, được ngân hàng chính sách hỗ trợ... Đến nay, gia đình anh đã phát triển được 16 lồng cá, chủ yếu là giống cá trắm đen, lăng, chép, chiên…
Ngoài ra, gia đình anh Hợi còn cung cấp con giống cho bà con trong toàn xã. Năm 2018, gia đình anh bán ra thị trường trên 6 tấn cá, thu về hơn 400 triệu đồng/năm, lợi nhuận sau chi phí đạt gần 200 triệu đồng.
Anh Hợi bày tỏ, trước kia quá trình chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do chưa tìm được nguồn giống phù hợp, đầu ra không ổn định. Phải đến năm 2013 nghề nuôi cá lồng mới thực sự được các hộ dân phát triển mạnh. Qua đó giúp các hộ nuôi cá lồng phần nào đó giải quyết những khó khăn trước mắt, ổn định đời sống kinh tế.
Chị Bùi Thị Hòa cùng xã Tiền Phong chia sẻ, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ Hoà Bình. Qua đó tạo niềm tin, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư phát triển, mở rộng diện tích, lồng nuôi cá.
Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án lồng ghép để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nghề nuôi cá lồng cho bà con nhân dân ở địa phương...
Với lợi ích kinh tế từ phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình, chính quyền xã Tiền Phong đưa ra kế hoạch tăng số lồng cá nuôi trên hồ trong thời gian tới, triển khai nuôi thử nghiệm một số giống cá đặc sản như chiên, lăng chấm, hồi...
Phương thức nuôi cũng có sự thay đổi "chuyên nghiệp" hơn, chú trọng nuôi bền vững, thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.