Đến năm 2020 sẽ không còn nuôi cá lồng tại vụng Nghi Sơn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh kiên quyết thực hiện các giải pháp về quản lý theo quy hoạch để giảm dần và đến năm 2020 không còn nuôi cá lồng tại vụng Nghi Sơn.

Với địa thế là nơi kín gió, kín sóng, môi trường nước ổn định, lại ít bị mưa bão đe dọa nên vụng Nghi Sơn (thuộc xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia) là nơi duy nhất ở tỉnh Thanh Hóa phát triển nghề nuôi cá đặc sản bằng lồng trên biển.

Việc nuôi cá lồng trong thời gian qua đã đem lại lợi ích kinh tế, giải quyết việc làm và phát huy được lợi thế, tiềm năng của vùng. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng đang bộc lộ nhiều nguy cơ tiềm ẩn, phát triển thiếu tính bền vững, không theo quy hoạch.

Ban đầu, địa phương này chỉ có dưới chục hộ làm nghề nhưng sau đó, do lợi nhuận mang lại từ nghề nuôi cá lồng khá lớn nên người dân đã ồ ạt làm theo. Nếu năm 2005 chỉ có 300 ô lồng thì đến 11/2018 đã lên tới 1.460 ô lồng với 64 hộ nuôi, sản lượng hàng năm đạt trên 200 tấn.

Không thể phủ nhận việc nuôi cá lồng của 64 hộ dân tại vụng Nghi Sơn đã đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người dân trong xã, giải quyết việc làm và phát huy những lợi thế, tiềm năng của vùng.

Tuy nhiên, theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Thanh Hóa đến năm 2020 được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tháng 4/2008 thì vụng Nghi Sơn chỉ được phát triển nuôi tối đa 250 lồng theo kiểu truyền thống, mỗi ô lồng có thể tích 3mx3mx3m.

Do vậy, số lượng 1.460 ô lồng hiện nay là mật độ quá cao so với các yêu cầu về kỹ thuật nuôi. Việc tăng nhanh số hộ nuôi và lồng nuôi cũng như mật độ không theo quy hoạch, định hướng phát triển kết hợp với việc vụng đảo Nghi Sơn thường xuyên phải nhận nước xả thải sinh hoạt trực tiếp của 1.800 hộ dân của xã đảo Nghi Sơn đã làm cho môi trường nước ở đây bị ô nhiễm; khiến dịch bệnh phát triển.

Từ năm 2009 - 2018, vụng Nghi Sơn năm nào cũng xảy ra tình trạng cá nuôi bị chết hàng loạt như thời điểm năm 2009, 2011, 2016 khiến người nuôi thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng mỗi hộ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội khu vực.

Hiện toàn xã đảo Nghi Sơn có 64 hộ sinh sống bằng nghề nuôi cá lồng. Nhưng do năm nào cũng gặp rủi ro bởi cá chết, cá bị dịch bệnh nên đến nay gia đình nào cũng nợ đọng tại các ngân hàng. Tính đến đầu quý III/2018, người nuôi cá trên vụng Nghi Sơn đã nợ ngân hàng khoảng 70 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2008 đến nay, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như UBND huyện Tĩnh Gia đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo việc phát triển nuôi cá lồng tại Nghi Sơn với những nội dung chính như: từng bước giảm số lồng nuôi đảm bảo theo quy hoạch; hướng dẫn kỹ thuật nuôi và phòng trừ dịch bệnh, thực hiện quan trắc môi trường cảnh báo môi trường vùng nuôi...

UBND huyện Tĩnh Gia đã chỉ đạo UBND xã Nghi Sơn và một số xã có nuôi cá lồng tự phát ngoài quy hoạch xây dựng kế hoạch giảm dần và giải bản toàn bộ lồng nuôi tại vụng Nghi Sơn; đồng thời, tổ chức cho các hộ ký cam kết tự giải bản lồng nuôi trồng thủy sản trước ngày 30/6/2019.

Tuy nhiên, từ thực trạng nghề nuôi cá lồng ở Nghi Sơn phát triển ồ ạt, không kiểm soát được môi trường nuôi, phá vỡ quy hoạch cho thấy công tác quản lý của các cấp chính quyền ở đây còn khá nhiều hạn chế.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh kiên quyết thực hiện các giải pháp về quản lý theo quy hoạch để giảm dần và đến năm 2020 không còn nuôi lồng tại vụng Nghi Sơn; đồng thời, đề nghị giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ giải bản toàn bộ lồng nuôi tại vụng Nghi Sơn và chính sách khuyến khích phát triển nuôi cá lồng khu vực biển Đảo Mê để các hộ có điều kiện tiếp tục phát triển nghề.

Để nghề nuôi cá lồng ở vụng Nghi Sơn phát triển bền vững cần sự vào cuộc, chung tay góp sức của chính quyền địa phương và người dân trong việc nuôi trồng thủy sản gắn liền với bảo vệ môi trường.

Việc đưa các hộ nuôi trồng thủy sản của Nghi Sơn tiến ra khơi xa, tìm đến những nơi có điều kiện thích hợp để phát triển ngành nghề sẽ giải quyết được bài toán về môi trường ở vịnh đảo này; đồng thời, là tiền đề để Nghi Sơn phát triển, mở rộng nghề nuôi cá lồng, nuôi cá đặc sản bền vững trong tương lai.

Hoa Mai (TTXVN)
Đề xuất hỗ trợ người nuôi cá lồng bè chuyển đổi ngành nghề
Đề xuất hỗ trợ người nuôi cá lồng bè chuyển đổi ngành nghề

Để hỗ trợ người dân nuôi cá bớp nói riêng và nuôi trồng thủy hải sản tại khu vực quy hoạch làm khu công nghiệp Dung Quất Quảng Ngãi chuyển đổi ngành nghề, vừa qua, UBND huyện Bình Sơn đã có công văn đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ hơn 9,2 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN