Theo tính toán, người dân nuôi cá lồng bè ở 3 xã này được hỗ trợ 15 kg gạo/khẩu/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để tự học nghề (theo nguyện vọng của người dân) với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/lao động/khóa học và hỗ trợ 70% chi phí làm lồng bè.
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Sơn, từ năm 2004 đến nay, việc nuôi cá lồng bè tại khu vực xã Bình Đông (khu vực khu kinh tế Dung Quất) đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng bè tại khu vực này là mang tính tự phát, không nằm trong vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh Quảng Ngãi. Cụ thể, hiện đã có 86 hộ nuôi cá lồng bè với 916 lồng của người dân 3 xã Bình Đông, Bình Thạnh và Bình Thuận.
Trong thời gian đầu tháng 10/2018 đã có hơn 100 tấn cá bị chết bất thường hàng loạt. Sau khi xác định, tìm hiểu nguyên nhân qua việc kiểm định mẫu nước và mẫu cá đều nằm trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, UBND huyện và các ngành chức năng xác định rõ đây là vùng nuôi trồng thủy sản không nằm trong quy hoạch.
Do vậy, từ năm 2017, UBND huyện Bình Sơn đã yêu cầu các ngành, đơn vị, UBND các xã vận động nhân dân chấm dứt tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát. Tuy nhiên, người dân vẫn tiếp tục nuôi cá, vì đa số người dân nơi đây đều sống bằng nghề nuôi cá ở cảng Dung Quất và chi phí tiền đầu tư làm lồng bè là quá lớn; do đó việc chuyển đổi ngành nghề gặp khó khăn.
Trước nguyện vọng của các hộ nuôi cá, UBND huyện Bình Sơn đã chính thức có công văn đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ hơn 9,2 tỷ đồng nhằm tránh tình trạng nuôi thủy sản tự phát và hạn chế mức thiệt hại xảy ra như trong thời gian qua.