Thống kê cho thấy, từ năm 2013 đến nay, Hà Nội đã chuyển đổi gần 14.500ha đất trồng lúa sang cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình, tại Tàm Xá (huyện Đông Anh), đến nay địa phương này đã chuyển đổi hơn 100ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, trong đó, có hơn 55ha trồng quất cảnh tại vùng bãi ven sông, cho thu nhập bình quân khoảng 1,7 tỷ đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, các vùng trồng hoa, cây cảnh ở Hà Nội đã trở thành nghề cho thu nhập cao, ổn định; giá trị thu nhập từ hoa trung bình cao từ 3 - 20 lần so với trồng lúa (đạt 200-500 triệu đồng/ha/năm).
Tại các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Mê Linh, Phúc Thọ, Thường Tín… nhiều mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ, sử dụng giống mới chất lượng cao, trồng hoa hồng, hoa lan, hoa cắt cành như hoa hồng ngoại, loa kèn chịu nhiệt, lay ơn... đạt doanh thu từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
Thậm chí có mô hình ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập từ 3 đến 4 tỷ đồng/ha/năm như mô hình trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Đan Hoài - Flora, huyện Đan Phượng...
Hiện nay, những cánh đồng hoa loa kèn ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, xã Hạ Mỗ huyện Đan Phượng… đang tất bật vào vụ. Mỗi vụ hoa loa kèn chỉ kéo dài gần 2 tháng (từ tháng 3 đến hết tháng 4), nếu được mùa, nông dân có thể thu lãi 30 triệu đồng/sào.
Hộ anh Nguyễn Văn Bính, phường Tây Tựu, huyện Từ Liêm- Hà Nội cho biết, với 5 sào đất để trồng hoa loa kèn, trước tết gia đình anh trồng hoa ly phục vụ tết, sau ly đến loa kèn. Năm nay, hoa loa kèn được mùa không bị sâu bệnh, giá bán thấp nhất cũng được 200.000 đồng/100 bông, cao hơn năm ngoái 20 - 30%.
Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên bà con trồng hoa ở huyện Mê Linh đang được mùa với các loại hoa hồng, hoa cúc... Gia đình bác Phạm Văn Dụng ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh- Hà Nội cho hay, ngoài 9 sào hoa hồng, gia đình bác còn trồng thêm mấy sào hoa cúc. Năm nay, chất lượng hoa cúc tương đối đẹp, giá bán ổn định nên phấn khởi. Sau khi trừ chi phí, vụ loa kèn này gia đình bác thu lời từ 20 - 30 triệu đồng/sào...
Với những thuận lợi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, thì một số vùng đã hoặc đang quy hoạch chuyển đổi trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn. Đó là tại huyện Đan Phượng, có 7 xã thuộc vùng bãi sông Hồng, thay vì trồng cây ngắn ngày, như ngô, đậu, chuối... chuyển sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng do nằm trong vùng thoát lũ nên một số diện tích chưa thể triển khai ngay mà phải chờ đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hay như các vùng trồng hoa của Hà Nội đang đứng trước khó khăn do quá trình đô thị hóa, đất canh tác bị thu hẹp. Một số làng trồng hoa truyền thống có nguy cơ mai một bởi đất đai manh mún, hệ thống thủy lợi bị chia cắt, tưới tiêu gặp khó khăn…
Theo chủ trang trại hoa lan Đan Hoài - Flora (huyện Đan Phượng), hiện các vùng hoa của Hà Nội quy mô còn nhỏ lẻ; chưa chủ động được giống chất lượng cao; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu; việc điều tiết thời vụ, năng suất khiến chất lượng hoa bị ảnh hưởng. Trong khi đó, đầu tư trồng hoa, cây cảnh, nhất là áp dụng công nghệ cao đòi hỏi chi phí lớn...
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, đến nay việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn thành phố Hà Nội cơ bản được thực hiện theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Còn một vài địa phương gặp khó khăn, vướng mắc, Sở sẽ xem xét, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền rà soát điều chỉnh, bổ sung và định hướng cho các địa phương trong chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng khác để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Để phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn với định hướng tăng diện tích, nâng giá trị, thời gian tới, Hà Nội tiếp xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất cho một số giống hoa nhập khẩu mới, giá trị kinh tế cao để nông dân dễ dàng áp dụng.
Đối với các vùng hoa tập trung từ 20ha trở lên, ngành nông nghiệp cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã… về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại; tư vấn về giống, thị trường tiêu thụ; đồng thời, tăng cường tập huấn kỹ thuật cho các hộ trồng hoa, cây cảnh với mục tiêu trên 60% số hộ trồng hoa được tập huấn kỹ thuật mới.
Đối với các mô hình điểm, ngành nông nghiệp hỗ trợ các địa phương ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa, cây cảnh với mức hỗ trợ 100% giống 1 năm đầu đối với hoa khai thác nhiều lần và 2 vụ đối với hoa khai thác 1 lần.
Để tháo gỡ khó khăn về vốn, ngành nông nghiệp và các địa phương có diện tích trồng hoa, cây cảnh quy mô lớn sẽ được tạo điều kiện vay vốn thông qua các quỹ khuyến nông, hỗ trợ nông dân, giải quyết việc làm… với mức vay tối đa 500 triệu đồng/mô hình.