Nỗi niềm của những người phụ nữ vùng trồng hoa Tây Tựu

Dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, cũng như bao người dân của những làng hoa khác, những người phụ nữ làng hoa Tây Tựu (nay là phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại chở hoa vào phố. Giữa ồn ào phố thị, bên cạnh những nụ cười vui của những người thưởng thức vẻ đẹp của những nụ hồng, cành ly, khuôn mặt những người phụ nữ làng hoa Tây Tựu lại gợn bao nỗi niềm.

Người nông dân Tây Tựu thu hoạch những bông hoa đã đạt đủ tiêu chuẩn. Ảnh: Lương Tiên/TTXVN phát

Bên chiếc xe đạp chở hoa, chị Nguyễn Thị Thảo (54 tuổi) đứng chọn cho khách hàng những bông hồng, cúc, thược dược tươi thắm còn đọng sương sớm. Đã nhiều năm qua, phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng luôn là điểm dừng chân của những chuyến hoa  được chuyển từ vườn của gia đình chị ở Tây Tựu ra phố. Nhưng khác với ngày thường, vào dịp này, trong những chuyến hoa ra phố, chị Thảo lại chở theo cả những nỗi niềm “hoa cười, người héo”.

Hoa hồng ngày thường có giá khoảng 50.000 đồng/10 bông; còn vào dịp Tết, lễ như ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm trước giá hoa lên tới 150.000 đồng/10 bông, áp Tết Nguyên đán vừa qua là 100.000 đồng/10 bông, hoa cúc có giá thấp hơn một chút. Nhưng do thời tiết khắc nghiệt, hơn một sào hoa của gia đình chị cũng diện tích hoa của hàng trăm hộ khác ở Tây Tựu lại nở không đúng dịp thị trường có nhu cầu tiêu thụ hoa cao vì vậy giá hoa rẻ như cho.

“Chiều hôm qua, có thương lái đến tận vườn nhà tôi mua hoa cúc với giá bán buôn là 5.000 đồng cho một chục bông, hoa hồng 20.000 đồng cho một chục bông. Không bán thì hoa nở hết, bỏ thì tiếc. Bán thì phí công sức bao nhiêu ngày không quản nắng mưa để trồng và chăm sóc hoa. Thôi thì cố vớt vát được đồng nào hay đồng đó”, chị Thảo nói giọng đượm buồn.

Cũng đưa hoa vào phố từ lúc tảng sáng, chị Nguyễn Thị Hiền, 36 tuổi ở xóm Đăm, phường Tây Tựu, cố giữ cho hoa tươi để bán được hết hàng. Vừa trò chuyện với vị khách khá kỹ tính, chị Hiền vừa lựa những bông hoa tươi thắm từ mẹt hoa rồi khéo léo bọc ra ngoài lớp giấy bóng kính. Giọng chị niềm nở: “Hoa này là hoa tươi mới cắt lên bán, không như hoa bảo quản trong kho lạnh hay ngâm hóa chất. Nhìn hoa thì tươi đấy nhưng cắm lên hoa không nở được đâu, lại không có mùi thơm”.

Người dân Tây Tựu chăm sóc hoa. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo chị Hiền, nhiều năm qua, gia đình chị và gia đình người em chồng có hai sào trồng hoa ở đầu xóm Đăm, phường Tây Tựu. Nhưng do khu vực này gần đây hay bị úng ngập nên 5 năm qua, kinh tế của cả hai gia đình hơn 10 nhân khẩu chỉ trông vào hơn một sào đất trồng hoa đi thuê ở Yên Sở, quận Hoàng Mai. "Thuê đất thì lại phải đi vay ngân hàng rồi bỏ ra cả trăm triệu đồng đầu tư. Dù cố gắng bám vườn, không quản nắng, mưa nhưng thời tiết thất thường thế này hoa nở hết, không thu hoạch kịp, người ta không mua nên lỗ vốn trông thấy", chị Hiền chia sẻ.

"Mọi năm dịp 8/3 như thế này, ngoài bán buôn cho tiểu thương, tôi lại cắt hoa chở vào phố bán thêm. Hôm nào trời nắng đẹp, nhiều người mua, hoa bán đắt hàng thì lãi được độ hơn trăm ngàn. Nhưng lần này, rong cả buổi sáng, cả mẹt hoa vơi đi cũng chưa bõ công chăm bón", chị Hiền cho biết thêm.

Chị Nguyễn Thị Tân (sinh năm 1966) cũng ở làng hoa Tây Tựu. Kinh tế gia đình chị trông vào hơn một sào ruộng trồng hoa ly, hoa cúc, hoa hồng. Nghề trồng hoa đã giúp vợ chồng chị nuôi 3 người con ăn học. Nhưng hơn hai mươi năm kinh nghiệm gắn bó với nghề trồng hoa cũng không "cự" lại được những ảnh hưởng từ thời tiết.

Nhiều ngày qua, hoa trong vườn nở rộ, không kịp thu hoạch, còn thị trường lại tràn ngập hoa tươi, giá hoa rớt mạnh, khiến gia đình chị Tân điêu đứng. Cả tài sản trong nhà trông chờ vào vụ hoa này. Củ hoa ly lúc mua vào thì đắt, cần số vốn lớn nên người trồng hoa phải vay vốn ngân hàng. Bây giờ diễn biến thị trường khác xa so với dự tính sẽ trả được số vốn vay trong một năm- chị Tân lo âu nói.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Tân, một củ hoa ly mua vào có giá từ 13.000 - 15.000 đồng nhưng do hoa nở không đúng dịp Tết nên hiện tại, hoa ly tươi bán ra chỉ được 8.000 - 10.000 đồng một cành, còn các loại hoa khác cũng chỉ có giá vài ngàn đồng. “Tất bật suốt từ sáng sớm đến tối muộn, có những hôm còn không ngủ để đi chợ buôn sớm. Muốn bán được giá, bán nhanh phải đến những chợ lớn như Quảng Bá hay chợ Nhật Tân vì ở đấy có các thương lái từ các tỉnh khác về mua.

Những dịp như ngày Tết, cả nhà chị đều đi bán hoa. Đợt này người trồng hoa kì vọng bán được giá để có thể bù lại số vốn bị lỗ do đợt Tết, nhưng với lượng hàng tồn từ Tết Nguyên đán đến ngày 8/3, giá hoa  không được cao. Nhìn cánh đồng bạt ngàn hoa nở mà người trồng hoa muốn rơi nước mắt. Không chỉ gia đình chị mà hiện nay hầu hết các hộ trồng hoa ở Tây Tựu, nhất là hoa ly, đều đang điêu đứng, thậm chí có hộ còn lâm vào cảnh "cắm nhà trả nợ", chị Tân nói .

Khi hỏi các chị chuyện "hoa cười, người khóc" cũng như áp lực cuộc sống mưu sinh, chị Tân nói: “Thôi thì chỉ biết sớm hôm chịu thương, chịu khó với nghề để có những bông hoa đẹp đem bán. Mong là vụ tới "ông trời" không phụ công sức, mồ hôi của người trồng hoa để chúng tôi có thu nhập nuôi gia đình”.

Ngọc Ánh (TTXVN)
Rực rỡ sắc xuân ở làng hoa Xuân Quan
Rực rỡ sắc xuân ở làng hoa Xuân Quan

Từ nhiều năm nay, cứ mỗi độ xuân về làng hoa Xuân Quan luôn đón Tết sớm hơn các vùng quê khác. Đây là vùng trồng hoa cây cảnh lớn nhất tỉnh Hưng Yên đang mở ra tiềm năng lớn, vẽ lên bức tranh đầy màu sắc của làng quê trù phú bên bờ sông Hồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN